Nhiệm vụ “sống còn” của cung ứng điện miền Nam 2014

Theo tính toán của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, xu hướng truyền tải điện trong năm 2014 vẫn là từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam. Chính vì vậy, để đảm bảo điện cho miền Nam Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Phóng viên evn.com.vn đã trao đổi với ông Trần Quốc Lẫm – Phó tổng giám đốc EVN NPT về vấn đề này.

Ông Trần Quốc Lẫm

PV: Trong năm 2014, để đảm bảo điện cho miền Nam vai trò của EVN NPT là vô cùng quan trọng. Vậy EVN NPT có những giải pháp nào, thưa ông?

Ông Trần Quốc Lẫm: Đối với việc cấp điện cho miền Nam trong năm 2014, Thủ tướng Chính phủ cũng như EVN đã yêu cầu EVN NPT tập trung mọi nguồn lực thi công các đường dây truyền tải điện nhằm tăng cường năng lực cung cấp điện cho miền Nam. Đầu tiên là đường dây (ĐD) 220 kV Đắk Nông - Bình Long - Phước Long được hoàn thành trong năm 2012. Tiếp đó là ĐD 500 kV Pleiku - Mỹ Phước – Cầu Bông đang được EVN NPT khẩn trương thi công, phấn đấu hoàn thành công trình trong tháng 4/2014.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã hoàn thành lưới điện đồng bộ để đảm bảo truyền tải hết công suất từ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, đó là ĐD 500 kV từ Vĩnh Tân về TBA Sông Mây (đưa vào vận hành cuối tháng 3/2014). Ngoài ra, chúng tôi đang khẩn trương thi công các dự án truyền tải công suất của Nhiệt điện Vũng Áng, Nhiệt điện Nghi Sơn 2. Các công trình về cơ bản đã hoàn thành, có thể tiếp nhận công suất phát của các nhà máy điện lên hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo công suất truyền tải điện vào miền Nam.

Năm 2013, chúng tôi đã đi trước một bước trong việc nâng dung lượng tụ bù dọc từ 1.000 A lên 2.000 A đối với hệ thống 500 kV để tăng cường năng lực truyền tải Bắc – Nam. Ngoài ra, để đảm bảo cấp điện cho miền Nam vào mùa khô trong năm 2014, lãnh đạo EVN NPT yêu cầu các đơn vị quản lý vận hành phải tăng cường công tác quản lý lưới điện, đảm bảo vận hành liên tục, ổn định.

PV: Cùng một lúc EVN NPT triển khai đồng bộ nhiều dự án điện như vậy EVN NPT đã gặp phải những thách thức nào, thưa ông?

Ông Trần Quốc Lẫm: Theo kế hoạch, năm nay EVN NPT phải đóng điện 66 công trình và khởi công 63 dự án. Những dự án trọng điểm cấp điện cho miền Nam được chúng tôi tập trung ưu tiên chỉ đạo để hoàn thành trước. Với các dự án khác cũng được điều hành quyết liệt. Để hoàn thành được kế hoạch đó cần phải có sự quyết tâm, chỉ đạo của lãnh đạo EVNNPT cũng như quyết tâm thực hiện của các đơn vị quản lý dự án.

Tổng vốn đầu tư của EVN NPT trong năm nay dự kiến trên 18,5 nghìn tỷ đồng. Đây là một nhiệm vụ nặng nề đối với EVN NPT do một mặt phải thu xếp vốn, một mặt nữa là phải lo công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vốn có nhiều vướng mắc. Theo đánh giá của tôi, công tác đền bù giải phóng mặt bằng quyết định đến 70% thành công của dự án. Như vậy, trách nhiệm của EVN NPT là phải giải quyết được tổng hòa các yếu tố trên thì mới hoàn thành được kế hoạch năm 2014, đáp ứng được tiến độ các dự án, đảm bảo cấp điện cho miền Nam.

PV: Với nhiều khó khăn và thách thức như vậy, EVN NPT có kịch bản dự phòng trong trường hợp một số dự án đảm bảo điện cho miền Nam năm nay không thể đóng điện theo đúng kế hoạch?

Ông Trần Quốc Lẫm: Tất cả các dự án trọng điểm đảm bảo cấp điện cho miền Nam như: Dự án ĐD 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông; ĐD 500 kV Phú Lâm-Long An; ĐD 500 kV Vĩnh Tân - Sông Mây và ĐD 500 kV Duyên Hải - Trà Vinh đều được lãnh đạo Tổng công ty, Ban Quản lý Dự án, đến các đơn vị thi công xây lắp tập trung chỉ đạo quyết liệt, không thể để chậm tiến độ.

Ngoài ra, chúng tôi vẫn phải thực hiện song song các dự án khác theo kế hoạch vì ngoài nhiệm vụ cấp điện cho miền Nam, chúng tôi còn lo cấp điện cho tất cả vùng miền của đất nước. Đầu tư lưới điện truyền tải của Việt Nam đã đi chậm một bước so với đầu tư nguồn và lưới điện phân phối, vì vậy, từ nay đến năm 2016, chúng tôi xác định phải phấn đấu liên tục mới có thể đáp ứng được năng lực truyền tải của hệ thống điện quốc gia.

PV: Xin cảm ơn ông!

- Giai đoạn 2000-2013 nhu cầu điện của Việt Nam tăng bình quân 13%/năm, gấp gần 2 lần tăng trưởng GDP.

-  Dự báo đến năm 2020 nhu cầu điện toàn quốc đạt khoảng 300 tỷ kWh, gấp 3 lần nhu cầu điện năm 2010.



 


  • 29/04/2014 10:57
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 2801


Gửi nhận xét