Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm về quản lý chất thải phóng xạ hạt nhân

Nằm trong Chương trình hợp tác phát triển điện hạt nhân giữa Việt Nam và Nhật Bản, ngày 17/4/2013 tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam  phối hợp với Công ty Phát triển Điện hạt nhân quốc tế Nhật Bản (JINED) tổ chức hội thảo “Quản lý chất thải phóng xạ trong nhà máy điện hạt nhân” lần thứ 2

Quản lý chất thải là một trong những điều kiện về an toàn để phát triển điện hạt nhân - Ảnh minh họa

Đại diện Công ty Mitsubishi Heavy Industries Nhật Bản – ông Takimoto cho biết: Sau khi Nhật Bản được Việt Nam lựa chọn là đối tác chính trong Dự án xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2, Nhật Bản đã nghiên cứu và xem xét 6 điều kiện Việt Nam đưa ra, trong đó có hỗ trợ Việt Nam xử lý chất thải phóng xạ hạt nhân.

Năm 2011, điều kiện về hỗ trợ quản lý chất thải trong nhà máy điện hạt nhân đã được Thủ tướng Chính phủ hai nước đưa vào nội dung thỏa thuận. Theo đó, Nhật Bản cam kết cử nhóm chuyên gia sang hỗ trợ Việt Nam trong việc quản lý chất thải điện hạt nhân theo các quy tắc, quy định của quốc tế.

Trong cuộc họp mới nhất (tháng 1/2013) giữa Thủ tướng mới của Nhật Bản là ông Shinzo Abe và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam,  đã nhất trí tiếp tục thực hiện các nội dung theo thỏa thuận hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Theo các văn bản về phân loại chất thải phóng xạ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), không quy định ranh giới cụ thể giữa chất thải phóng xạ cấp độ thấp và cấp độ vừa. Bên cạnh đó, IAEA quy định lượng phóng xạ cho phép trong nhà máy sẽ được xác định dựa trên cơ sở đánh giá an toàn trong việc xử lý chất thải phóng xạ của từng nước. Tuy nhiên, theo ông Takimoto, đây là những quy định chung về chất thải phóng xạ của IAEA và cần phải cụ thế hóa khi áp dụng, phù hợp với điều kiện phát triển điện hạt nhân của từng nước.

Tại Nhật Bản, sau sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima (tháng 3/2011), Ủy ban Quy chế Điện hạt nhân của Nhật Bản đã phân tích và tóm tắt dự thảo mới về tiêu chuẩn an toàn điện hạt nhân, dự kiến sẽ được ban hành vào tháng 7/2013.

Khi các tiêu chuẩn mới về an toàn được ban hành, các nhà máy điện hạt nhân đang tạm ngừng hoạt động của Nhật Bản sẽ được kiểm tra, thẩm định và cấp phép hoạt động trở lại nếu đảm bảo đầy đủ các điều kiện về an toàn mới. Đối với các nhà máy muốn hoạt động trở lại sớm phải nộp đơn đăng ký kiểm tra.

Nhật Bản cũng quy định rõ các điều kiện cụ thể trong việc quản lý chất thải phóng xạ cấp độ thấp và phóng xạ cấp độ vừa. Bởi, quản lý chất thải phóng xạ là 1 trong 19 điều kiện về hạ tầng kỹ thuật của các nước phát triển điện hạt nhân, bảo an toàn, an ninh của nhà máy.

Những điểm khác biệt trong cách thức phân loại về chất thải phóng xạ giữa IAEA và Nhật Bản này đã được chia sẻ trong Hội thảo. Đồng thời, đại diện các Công ty Điện lực Nhật Bản cũng giới thiệu cho các chuyên gia đến từ các cơ quan hữu quan về điện hạt nhân của Việt Nam những thiết bị cần thiết để xử lý chất thải phóng xạ được thải ra từ lò phản ứng.


  • 17/04/2013 03:19
  • Phan Trang
  • 5056


Gửi nhận xét