Nhà văn Nguyễn Khắc Phục và cái duyên với ngành Điện

Được mệnh danh là người đặc biệt có duyên với ngành Điện, từ năm 2003 đến 2005, nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã cho ra đời 2 tập bút ký lịch sử về ngành Điện với tên gọi “Những bước đi tỏa sáng”. Nhân dịp Kỷ niệm 59 năm ngày Truyền thống ngành Điện lực (21/12/1954 - 21/12/2013), Phóng viên TCĐL đã gặp và trò chuyện với nhà văn Nguyễn Khắc Phục về cái duyên không dễ gì có được này.

Phóng viên (PV): Thưa nhà văn! Có lẽ phải có nhiều suy tư, trăn trở sâu sắc lắm về ngành Điện, ông mới có thể viết hàng nghìn trang trong 2 tập bút ký lịch sử “Những bước đi tỏa sáng” – Những câu chuyện cảm động về những con người đã góp phần làm nên ngành Điện lực Việt Nam?

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Viết sách cho ngành Điện là một cơ duyên trong rất nhiều công việc viết lách của tôi. Tôi đã phải đọc, thẩm định và phân tích các tư liệu liên quan đến ngành Điện mới có thể có cái nhìn xuyên suốt lịch sử phát triển Điện lực Việt Nam. Ví như, để có được các tổng sơ đồ phát triển điện lực Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử hiện đại, chúng ta không nên quên bước chân của những sứ thần triều Nguyễn trên đất Paris năm 1867. Khi đó, Đoàn đi sứ sang “Mẫu quốc” gồm Phạm Phú Thứ, Phan Thanh Giản, Ngụy Khắc Đản. Bên cạnh công việc khó khăn, thậm chí cay đắng trong “sứ mệnh ngoại giao” của một đất nước lạc hậu đang bị chủ nghĩa đế quốc xâm lược, họ vẫn đủ tỉnh táo để tìm hiểu ý nghĩa của một phát kiến văn minh phương Tây. Đó là năng lượng điện và ứng dụng của nó lúc bấy giờ!

Về sau, những nhà máy điện đầu tiên ở Việt Nam đều do người Pháp xây dựng, như: Nhà máy điện Chợ Quán, Nhà máy đèn Bờ Hồ. Và từ cuối thế kỷ 19, “điện” đã đến Việt Nam. Có thể nói, trọn vẹn những suy ngẫm về ngành công nghiệp  điện lực mà tôi trăn trở đã dồn vào câu chữ trên trang sách, đặc biệt là ở góc nhìn, phân tích đánh giá qua mỗi “lát cắt” lịch sử về ngành Điện.

PV: Cùng suy ngẫm, cùng trăn trở với những bước đi của ngành Điện lực Việt Nam, câu chuyện nào để lại cho ông nhiều ấn tượng nhất?

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Tôi ấn tượng nhiều về những thành tựu mà ngành Điện lực Việt Nam đã làm được trong quá trình phát triển của mình. Sự kiện, năm 1975, chúng ta đã xây dựng cột điện thép Chèm (Hà Nội) trên đường dây bắc qua sông Hồng, cao 115m. Đây là cột điện cao nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Hay, tôi còn nhớ sự trân trọng ghi nhận của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt về phát triển thủy điện: “Trên đất nước ta, mỗi công trình là một bản anh hùng ca, mỗi con sông, mảnh đất xây dựng mang một sự tích anh hùng. Sông Đà, Trị An, Dầu Tiếng, Phả Lại..., trở thành những biểu tượng của mối quan hệ tốt đẹp giữa nước ta với Liên Xô và bè bạn trên thế giới”.

Nhưng sự kiện gây ấn tượng mạnh nhất cho tôi lại chính là những gì diễn ra trên công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Hồi ấy, tôi lên công trường tìm tài liệu cho một cuốn tiểu thuyết. Đêm trên công trường đã trở thành một kỷ niệm kinh hoàng đối với mọi người, và cả bản thân tôi khi một cơn lũ lớn ập về. Đúng 4 giờ sáng, đỉnh lũ ập đến gây ra tiếng nổ dữ dội ở phía cuối kênh. Bê tông trên bề mặt “Kim Tự Tháp sông Đà” rạn vỡ, ụp xuống trong tiếng ken két của lưới thép chằng giữ bức tường nắn dòng ngầm, tiếng đổ vỡ ầm vang của khối bê tông lao xuống khoảng trống lòng sông.

Mọi thứ bám hờ trên bề mặt bị quét sạch. Trông bề ngoài, mọi thứ như đổ vỡ tan hoang, rạn nứt ngổn ngang. Tôi không ngây thơ tin rằng, sau trận lũ này mọi chuyện sẽ đâu vào đấy, hoàn hảo và toàn mĩ. Nhưng thực sự, cánh nắn dòng đã áp chặt vào nền đá gốc và trụ lại vững chãi như thể nó mọc lên từ chính nền tảng ấy. Công trình đã vượt qua lũ lớn để tiếp tục xây dựng nên một Thủy điện Hòa Bình vững chãi, bền bỉ rót mật cho đời bằng dòng điện sáng hơn 20 năm qua.

PV: Hai tập bút ký đã để lại nhiều ấn tượng cho độc giả, nếu bây giờ được gợi ý về kịch bản cho một bộ phim về ngành Điện, ông sẽ bắt đầu từ đâu?

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Tôi sẽ bắt đầu từ Dịch vụ ngành Điện. Về hình ảnh một người với cái xe đạp cà tàng, cứ đến tháng là rong ruổi đến tận từng nhà dân để… thu tiền điện. Xưa lắm rồi là những đồng tiền giấy, mà khi cầm nó, chúng ta thấy được sự nhẩm tính rất thật thà của người dân khi trả tiền điện. Còn bây giờ, quy trình đã khác, đã có hóa đơn, có thanh toán tiền điện qua thẻ, qua ngân hàng, có tổng đài điện lực.

Hay như, trước kia, khi mất điện thì có “thợ làng” vác thang đi dò từng đoạn dây để sửa. Còn nay, chỉ cần một cú điện thoại là có công nhân Điện lực phóng xe máy đến sửa chữa liền. Nhìn vào đó, chúng ta có thể để thấy được sự đồng hành, gắn bó của ngành Điện với đời sống người dân và sự phát triển đi lên của hoạt động dịch vụ Điện lực.

Những thước phim ấy sẽ phải phản ánh được thực tế về mức độ tập trung nhân lực, công nghệ thông tin, hiện đại hóa các khâu dịch vụ khách hàng… sao cho đạt hiệu quả cao nhất, thuận tiện nhất.

PV: Tôi được biết ở Hà Nội có một người đang lưu giữ các loại hóa đơn của thời kỳ bao cấp. Ông có sẵn lòng dạo phố, tìm một tờ hóa đơn tiền điện thời xưa làm tư liệu minh họa cho những thước phim hay câu chuyện của mình?

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Ồ, rất thú vị là đằng khác! Cái máu lang bạt của một nhà văn trong tôi đâu đã cạn. Tôi sẵn sàng tìm cho ra một nhân chứng, dù là bé nhỏ thôi cũng đủ sức làm câu chuyện xưa được là xưa. Như thế, mình cũng thấy chân thực với chính lòng mình.

PV: Xin cảm ơn nhà văn!


Nhà văn Nguyễn Khắc Phục sinh năm Đinh Hợi (1947) tại Trực Ninh, Nam Định. Ông là nhà văn trưởng thành trong quân ngũ và có nhiều tác phẩm để đời như: Học phí trả bằng máu, Thành phố không bị chiếm, Bay qua cõi chết, Trường ca Ăn cốm giữa sân…

 


  • 04/02/2014 10:51
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 4154


Gửi nhận xét