Nguồn sáng về bản

Quan Hóa là huyện vùng cao đặc thù với nhiều khó khăn của tỉnh Thanh Hóa. Thế nhưng ít ai biết được đây lại là một trong những huyện đi đầu trong việc nỗ lực xóa bản “trắng” điện lưới quốc gia. Tính đến hết năm 2022, toàn huyện Quan Hóa với 107/107 thôn, bản đã được bao phủ điện lưới, vượt kế hoạch 3 năm so với dự kiến.

Điện về, bản nghèo khởi sắc

Ngược huyện vùng cao Quan Hóa những ngày đầu năm, một không khí sản xuất tươi vui trải dài trên đồng ruộng, nương rẫy cho đến những nhà máy, xí nghiệp lâm sản... Điều chúng tôi dễ nhận thấy trong chuyến đi này đó chính là điện lưới quốc gia đã phủ khắp các thôn/bản trên địa bàn huyện, qua đó góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh cũng như thay đổi đời sống sinh hoạt của bà con nơi đây.

  Theo thống kê, năm 2020 huyện Quan Hóa còn 8 bản chưa có điện lưới quốc gia. Nếu theo phân kỳ đầu tư thì huyện Quan Hóa đến năm 2025 sẽ hoàn thành việc xóa bản "trắng” điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, với sự quan tâm của các cấp, ngành cũng như sự nỗ lực của địa phương, năm 2022 huyện Quan Hóa đã chính thức bao phủ điện lưới quốc gia về 107/107 thôn, bản, đây được xem là một “kỳ tích”.

Từ trung tâm huyện, chúng tôi ngược xã Thành Sơn để vào bản Bước, một trong những bản đặc biệt khó khăn của huyện. Để đến được bản Bước, chúng tôi phải di chuyển gần chục kilomet đi qua địa phận huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình với những con đường khúc khuỷu, nhiều dốc đèo, góc cua tay áo. Suốt dọc tuyến đường, hình ảnh những cây cột điện còn sáng màu bê tông mới được chôn dựng chưa lâu, khi thì nằm dưới thung sâu, khi thì vắt ngược lên những đỉnh đồi tít tắp. Nhìn thôi cũng đủ để thấy sự nỗ lực, vất vả cực lớn của chính quyền địa phương cũng như ngành điện trong việc kéo lưới điện về bản.

Nói như anh Hoàng Văn Nam, kỹ sư an toàn Điện lực Quan Hóa - người đồng hành cùng chúng tôi vào bản Bước: “Để dựng được 1 cây cột điện chỗ cao, chỗ khó, có khi chúng tôi phải vác từng bao cát, bao xi măng đi cả vài cây số mới đến được vị trí đặt cột. Vất vả, khó nhọc, có khi bữa ăn là những gói mì tôm pha vội, thanh lương khô và chai nước lọc. Song, trong hành trình gian nan ấy, chúng tôi cũng thường xuyên nhận được sự giúp đỡ của bà con dân bản”.

Bản Bước, xã Thành Sơn khởi sắc nhờ có điện lưới

Chạm bản Bước, âm thanh đầu tiên chúng tôi nghe được là tiếng máy xay xát gạo phát ra từ một hộ dân trong bản. Gần 40 tuổi nhưng chị Vi Thị Hóa chỉ mới được hưởng niềm vui được sử dụng điện lưới cho sinh hoạt của gia đình. Chị mua nhiều thiết bị sử dụng điện như nồi cơm điện, tủ lạnh, tivi,... về dùng.

“Ngày được đóng điện, bà con trong bản ai cũng vui mừng, phấn khởi. Vui hơn khi được nhân viên điện lực tận tình hướng dẫn bà con sử dụng các thiết bị điện tại gia đình, cũng như đảm bảo an toàn cho hành lang lưới điện. Có điện rồi, bà con bản Bước mong năm nay sẽ có thêm một con đường bê tông kiên cố dẫn ra trung tâm xã. Có điện, có đường, bản Bước sẽ tự tin phấn đấu xây dựng thành công bản nông thôn mới” - chị Vi Thị Hóa chia sẻ.

Bản Bước có 52 hộ dân, với 234 nhân khẩu. Trước đây, khi chưa có điện, bà con trong bản phải mua tua bin nước hoặc sắm ắc quy, máy nổ... vừa tốn kém, vừa mất an toàn, điện lại không đủ sáng. Không có điện đã đành, sóng điện thoại cũng không, khiến bản Bước gần như bị tách biệt với cuộc sống bên ngoài, tỷ lệ hộ nghèo trên 60%.

Bước chuyển mình của bản Bước bắt đầu khi năm 2021, bà con vui mừng khi điện lưới được kéo về bản. Kể từ khi có điện lưới quốc gia, Nhân dân đã tận dụng và từng bước phát huy được các mặt tích cực của nguồn điện vào trong sản xuất cũng như đời sống sinh hoạt hằng ngày như: sử dụng các đồ điện cho sinh hoạt gia đình, lắp đặt các hệ thống thông tin, sử dụng máy móc vào sản xuất. Việc trao đổi thông tin thuận tiện hơn; bà con trong bản được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, từng bước khắc phục khó khăn vươn lên thoát nghèo. Số hộ nghèo của bản giảm dần, hiện còn 39%.

Rời bản Bước, chúng tôi tiếp tục men theo con đường đất đỏ, một bên là sườn núi phía taluy dương, một bên là vực sâu hun hút để đến với bản Pượn, xã Trung Sơn. Cũng bởi khó khăn về giao thông nên cuộc sống của người dân bản Pượn luôn bị trói buộc với cái nghèo, cái khó. Ông Ngô Sỹ Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn, cho biết: Do địa hình vùng cao nên xã Trung Sơn có độ dốc rất lớn lại thường xuyên gặp lũ lụt, thiên tai nên việc đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông cũng như đầu tư lưới điện về xã gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là bản Pượng, bản có 39 hộ với 183 nhân khẩu là dân tộc Thái, Mường. Do khó khăn về giao thông nên tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Năm 2020, được Nhà nước quan tâm triển khai dự án nâng cấp đường giao thông vào bản, ai cũng mừng vì từ con đường đất đỏ trơn trượt sắp được thay thế bằng con đường bê tông, thuận tiên cho việc đi lại. Tuy nhiên, do vướng mắc thủ tục khi tuyến đường đi qua đất rừng phòng hộ nên việc thi công đang phải dừng lại. Song, trước tết Nguyên đán 2022 bà con có điện lưới quốc gia để dùng đã phần nào giúp cuộc sống của bà con vơi bớt khó khăn, vất vả.

Kỳ tích xóa bản “trắng” điện lưới quốc gia

Từ khi có điện, cuộc sống của người dân ở vùng khó đã có nhiều đổi thay. Bà con đã đầu tư mua sắm các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt, cũng như máy móc phục vụ sản xuất. Có điện lưới quốc gia không chỉ thắp sáng bản, mà còn mang ánh sáng văn hóa, ánh sáng tri thức đến với bà con. Người dân được tiếp cận nhiều hơn các thông tin khoa học - kỹ thuật, áp dụng vào trong lao động sản xuất; nắm rõ hơn các chủ trương, chính sách về huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới; trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo...

Nói về những nỗ lực trong việc đưa điện lưới quốc gia về tới các thôn, bản, ông Lộc Văn Hào, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quan Hóa, cho biết: Dự án cấp điện nông thôn tỉnh Thanh Hóa được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 3606/QĐ-UBND ngày 28-10-2014 và điều chỉnh tại Quyết định số 1302/QĐ-UBND ngày 20-4-2021 với tổng mức đầu tư 431,863 tỷ đồng. Dự án do Sở Công Thương làm chủ đầu tư và thực hiện cấp điện cho 4.957 hộ dân thuộc 80 thôn, bản chưa có điện của 9 huyện miền núi, gồm: Ngọc Lặc, Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát.

Theo thống kê, năm 2020 huyện Quan Hóa còn 8 bản chưa có điện lưới quốc gia. Nếu theo phân kỳ đầu tư thì huyện Quan Hóa đến năm 2025 sẽ hoàn thành việc xóa bản "trắng” điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, với sự quan tâm của các cấp, ngành cũng như sự nỗ lực của địa phương, năm 2022 huyện Quan Hóa đã chính thức bao phủ điện lưới quốc gia về 107/107 thôn, bản, đây được xem là một “kỳ tích”.

Theo ông Hào, để mang “nguồn sáng” về các bản đó là một sự nỗ lực của tất cả các cấp, ngành cùng sự đoàn kết, đồng lòng của bà con Nhân dân. Cho đến giờ vẫn không thể kể hết những khó khăn, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng, giải phóng hành lang lưới điện. Bởi dự án không có nguồn kinh phí để giải phóng mặt bằng, chủ yếu là vận động Nhân dân. Dù rất khó khăn, bởi để giải phóng hành lang lưới điện đi qua, có nơi rộng tới 14m, gần như vậy người dân phải thu dọn luồng, không được trồng vụ mới, ảnh hưởng đến diện tích, kinh tế của nhiều hộ dân. Tuy nhiên, vì tinh thần chung, sau những “chiến dịch” ra quân vận động bà con cũng nhất trí, đồng tình. “Có những bản dân cư thưa thớt như bản Cốc 3, xã Nam Tiến chỉ có 28 hộ dân; bản Cụm, xã Nam Tiến có 36 hộ; bản Nót, xã Nam Động có 37 hộ dân; bản Pượn, xã Trung Sơn có 40 hộ dân... để đầu tư lưới điện đến với bà con đòi hỏi nguồn đầu tư rất lớn. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bà con mới có được dự án điện lưới. Thấu hiểu điều đó, bà con rất đồng tình, ủng hộ” - ông Hào chia sẻ.

Ông Hoàng Hồng Hải, Giám đốc Điện lực Quan Hóa, cho biết: “Thực hiện chương trình đưa điện về các thôn, bản đặc biệt khó khăn, Điện lực Quan Hóa đã phối hợp với Sở Công Thương, UBND huyện, UBND xã và nhà thầu xây lắp cùng nhau nỗ lực, giải quyết những khó khăn. Đến thời điểm hiện tại, huyện Quan Hóa đã xóa bản “trắng” về điện, 100% các thôn, bản người dân đã được thụ hưởng điện lưới quốc gia”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, khẳng định: Việc bao phủ điện lưới quốc gia đến tất cả các thôn bản trên địa bàn huyện là sự nỗ lực to lớn đến từ toàn thể hệ thống chính trị từ huyện, đến xã, thôn, bản cũng như sự quan tâm, hỗ trợ của các sở, ban, ngành, đặc biệt là ngành điện. Điện sáng về thôn, bản đặc biệt khó khăn sẽ mở ra niềm tin, sự kỳ vọng mới với người dân. Từ khi có điện, cuộc sống của người dân ở vùng khó đã có nhiều đổi thay. Bà con đã đầu tư mua sắm các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt, cũng như máy móc phục vụ sản xuất. Có điện lưới quốc gia không chỉ thắp sáng bản, mà còn mang ánh sáng văn hóa, ánh sáng tri thức đến với bà con. Người dân được tiếp cận nhiều hơn các thông tin khoa học - kỹ thuật, áp dụng vào trong lao động sản xuất; nắm rõ hơn các chủ trương, chính sách về huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới; trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo...

Link gốc


  • 06/03/2023 09:43
  • Theo Báo Thanh Hóa
  • 4260


Các Tin khác