Người lao động có thể trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều người lao động đi thuê nhà đang phải đóng tiền điện sinh hoạt ở mức cao hơn nhiều so với giá bán điện của Nhà nước. Nhưng đa số người lao động không biết rằng,người thuê trọ có quyền đứng tên ký hợp đồng mua bán điện nếu có đăng ký tạm trú từ 12 tháng trở lên.

Trả tiền điện cao “lâu dần thành quen”

Theo tìm hiểu thực tế của phóng viên, tại một số khu nhà trọ ở Mai Dịch, Dịch Vọng (quận Cầu Giấy); Đình Thôn, Nhân Mỹ (quận Nam Từ Liêm); Tương Mai (quận Hoàng Mai)… mức tiền điện người thuê nhà phải chịu cao hơn gấp 2 – 3 lần so với giá điện sinh hoạt theo quy định. Cụ thể, họ phải đóng trung bình khoảng 4.000 - 5.000 đồng/số điện. Tình trạng này đã kéo dài từ lâu và gây nhiều khó khăn cho người thuê nhà, chủ yếu là sinh viên và người lao động. Tuy nhiên, người thuê nhà dường như không có lựa chọn khác để "né" giá điện cao.

Tuy nhiên, những người cho thuê nhà thì cho rằng mức thu như thế là bình thường. Hộ nhà cô Duyên (phường Dịch Vọng, Cầu Giấy) hiện có 6 phòng cho thuê, với tổng số người thuê là 14 người (gồm cả sinh viên và người đi làm) và mức thu tiền điện hiện tại là 4.500 đồng/số. Giải thích về việc thu tiền điện cao hơn quy định, cô Duyên cho rằng đây là mức thu trung bình của các nhà trọ trong khu vực, nhiều nhà thu 5.000 đồng mỗi số. “Mức tiền điện có lũy tiến, dùng càng nhiều thì số tiền mỗi số về sau càng cao hơn. Hơn nữa, còn phải tính đến phí đầu tư ban đầu, phí sửa chữa, bảo trì. Với mức thu 4.000 – 5.000 đồng thì mới có thể cân đối được những khoản chi phí bên ngoài đó”.

Chia sẻ với phóng viên, chị Huyền tại phường Dịch Vọng cho biết: “Sống ở Hà Nội 6 năm nay, chuyển qua 4 khu nhà trọ khác nhau nhưng ở đâu cũng thu 5.000 đồng mỗi số điện, lâu dần thành quen nên chị không thắc mắc với chủ nhà nữa”. Đây không phải tâm lý của riêng chị Huyền mà còn của rất nhiều người thuê nhà tại Hà Nội. Đáng nói là đa số mọi người không biết rằng họ có thể “thương lượng” với chủ nhà để đóng mức tiền điện hợp lý hơn, vì hành vi thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt là vi phạm quy định và có thể bị phạt tiền từ 7 – 10 triệu đồng.

Cần hiểu rõ hơn về cách tính giá điện nhà trọ

Trường hợp chủ nhà trọ đứng tên ký hợp đồng mua bán điện, đây là hình thức thanh toán tiền điện phổ biến hiện nay tại Hà Nội. Nếu không xác định số hộ trong khu trọ (4 người được tính là 1 hộ), công ty điện lực sẽ cấp định mức hoặc áp 1 giá theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 3 (tức là 1.858 đồng/số điện, chưa gồm VAT). Chủ nhà trọ phải có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hóa đơn tiền điện hằng tháng do công ty điện lực phát hành, cộng thêm 10% cho tổn thất điện năng, chi phí chiếu sáng và bơm nước dùng chung.

Đối với những trường hợp vi phạm, tại điều 12 khoản 6 của Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt từ 7 - 10 triệu đồng đối với chủ nhà trọ thu tiền điện của người thuê cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt. Ngoài ra, trong trường hợp người thuê nhà mua điện theo giá bán lẻ để phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nếu chủ nhà thu tiền điện cao hơn giá quy định thì có thể bị phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng.

Cũng cần lưu ý thêm là người thuê trọ có quyền đứng tên ký hợp đồng mua bán điện nếu họ có đăng ký tạm trú từ 12 tháng trở lên. Như vậy, công ty điện lực sẽ chuyển hóa đơn trực tiếp cho người ở trọ.

Thời gian gần đây, Nhà nước đã và đang quan tâm nhiều hơn đến việc quản lý giá điện của người thuê nhà. Tại buổi đối thoại với công nhân các khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng vào ngày 20/5 vừa qua tại Hà Nam, trước thông tin phản ánh của công nhân lao động thuê nhà trọ phải chịu tiền điện cao hơn các hộ gia đình sinh hoạt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các địa phương phối hợp giám sát để đảm bảo cho người thuê nhà được hưởng giá bán lẻ điện sinh hoạt đúng quy định; kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về giá bán điện đối với công nhân, sinh viên và người lao động thuê nhà để ở trên địa bàn quản lý để hạn chế trường hợp chủ nhà trọ lợi dụng chính sách giá để thu lợi.

Nghị định số 134/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm đã quy định: Chủ nhà trọ thu tiền điện của người thuê cao hơn giá quy định, trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt có thể bị phạt tiền từ 7 – 10 triệu đồng. Nhưng thực tế cho thấy, đa số người thuê nhà lại không nắm rõ điều này để lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình.


  • 29/05/2018 02:45
  • Theo laodongthudo.vn
  • 12979