Người dân nông thôn được bình đẳng trong sử dụng điện

Được hưởng công bằng trong sử dụng điện với chất lượng điện áp, chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn… Đó là những lợi ích mà các hộ dân nông thôn được hưởng khi ngành Điện tiếp nhận lưới điện hạ áp và bán điện trực tiếp đến các hộ dân nông thôn.

Được mua điện theo giá quy định

Về tỉnh Sóc Trăng những ngày đầu năm 2013 này, chúng tôi luôn bắt gặp những khuôn mặt rạng ngời của người dân nơi đây. Năm nay, người nông dân Sóc Trăng đón Tết trong niềm vui có vụ mùa bội thu, có ánh điện chan hòa trong mỗi gia đình, chòm xóm. Con em của họ được xem tivi, biết thêm nhiều tin tức và cũng không còn cảnh phải ngồi học bài hay sinh hoạt dưới ánh đèn dầu do điện áp quá thấp không sử dụng được.

Người dân càng vui hơn vì từ nay họ đã được hưởng sự công bằng với người dân thành thị về giá bán điện, được đảm bảo về mặt an toàn điện, chất lượng điện áp, chất lượng phục vụ được nâng cao và không phải đóng tiền để duy tu bảo dưỡng lưới điện. Anh Huỳnh Ngọc Quang ở xã An Ninh, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Giờ đây, ngay cả những hộ dân Khmer nghèo như tôi cũng đã được hưởng giá bán điện theo giá quy định.Trước đây, khi các hợp tác xã tổ chức kinh doanh bán điện, người dân  thường phải mua với giá cao hơn mà điện áp không ổn định. Kể từ khi ngành Điện trực tiếp quản lý và bán điện đến từng hộ dân, chất lượng điện áp được đảm bảo,công việc sản xuất của tôi được cải thiện, điều kiện sinh hoạt và đời sống ngày được nâng cao”.


Thay TBA nhằm nâng cao chất lượng điện áp và giảm tổn thất điện năng

Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam – ông Hồ Quang Ái cho biết, tính đến cuối quý III năm 2012, 100% số hộ sử dụng điện của 13 tỉnh phía Nam do Tổng công ty quản lý đã được mua điện trực tiếp từ ngành Điện. Ngoài ra, tại 5 tỉnh Tiền Giang, Ninh Thuận, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang, các Công ty Điện lực cũng đã tiếp nhận và bán điện trực tiếp đến phần lớn hộ dân sử dụng điện.

Nâng cao chất lượng dịch vu điện năng

Theo ông Hồ Quang Ái, Tổng Công ty và các công ty Điện lực đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn và các chủ sở hữu các công trình điện, hoàn thành công tác  tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn 866 xã, gồm 17.000 km lưới điện hạ áp, xóa 19.182 công tơ tổng/cụm bán điện trực tiếp cho trên 1 triệu hộ dân (trong đó chưa tính các hộ sử dụng điện được phát triển thêm sau tiếp nhận), với tổng chi phí là 741 tỷ đồng (trong đó, chi phí sửa chữa tối thiểu là 180 tỷ đồng; chi phí gắn công tơ nhánh rẽ & khách hàng là 561 tỷ đồng).

Ngay sau khi tiếp nhận, các công ty điện lực tiến hành sửa chữa tối thiểu hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn trên cơ sở  cân đối các nguồn vốn SCL, khấu hao cơ bản do Tổng công ty phân bổ hàng năm và đảm bảo cho lưới điện vận hành an toàn. Đồng thời các đơn vị cũng từng bước tiến hành sửa chữa, cải tạo và đầu tư mới lưới điện sau khi tiếp nhận với mục tiêu giảm bán kính cấp điện, nâng cao chất lượng điện áp và giảm tổn thất điện năng.

Ngoài những việc làm trên, EVN SPC cũng đã và đang tìm kiếm, thực hiện các dự án đầu tư từ các nguồn vốn vay, vốn do UBND tỉnh/thành ứng trước, vốn ngành Điện & ngân sách nhà nước (theo cơ chế hỗ trợ đầu tư áp dụng đối với các dự án cấp điện của 05 tỉnh Tây Nguyên - với cơ cấu vốn: 85% vốn ngân sách nhà nước, 15% vốn của ngành điện) tại các tỉnh Lâm Đồng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bình Phước, Kiên Giang để đầu tư phát triển lưới điện nông thôn, phục vụ nhu cầu sử dụng điện và nâng cao số hộ sử dụng điện của khu vực, trong đó có các khu vực tiếp nhận lưới điện.

Theo ông Hồ Quang Ái, việc tiếp nhận lưới điện nông thôn, bán trực tiếp đến từng hộ dân sẽ làm tăng thêm  công việc quản lý lưới điện và khách hàng. Để giải quyết áp lực gia tăng nhân sự làm giảm năng suất lao động, EVN SPC chủ trương áp dụng nhiều giải pháp như: Yêu cầu các công ty Điện lực sắp xếp lại  tổ chức, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo kế hoạch trong điều kiện khối lượng quản lý tăng cao, đặc biệt là việc áp dụng mô hình dịch vụ bán lẻ điện năng (DVBLĐN) để tham gia ghi chỉ số công tơ và thu tiền điện.

Riêng việc ghi chỉ số công tơ, thu tiền tại các khu vực tiếp nhận nói riêng và khu vực nông thôn nói chung do các cá nhân làm DVBLĐN đảm trách. Các Điện lực ưu tiên tuyển những người của các tổ chức điện nông thôn đã tiếp nhận, người địa phương thành thạo địa bàn để đảm trách. Các cá nhân làm dịch vụ này sẽ được các công ty Điện lực đào tạo bồi huấn nghiệp vụ chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ ghi chỉ số công tơ và thu tiền. Ngoài ra, họ còn có thể đảm nhiệm thêm các công tác khác như: Báo cáo khách hàng sử dụng điện sai mục đích, khách hàng vi phạm sử dụng điện, gửi tờ rơi tuyên truyền tiết kiệm điện – an toàn điện, gửi khách hàng ký hợp đồng mua bán điện sinh hoạt, báo cáo các trường hợp khiếm khuyết lưới điện,... theo các thỏa thuận trong hợp đồng và có các quy định thưởng phạt rõ ràng.

Hiện nay, EVN SPC đã ký hợp đồng với gần 3.000 DVBLĐN, đảm nhận việc ghi chỉ số, thu tiền điện cho trên 2.000 xã, phường, thị trấn trên tổng số 2.515 xã, phường, thị trấn. Trong thời gian tới, EVN SPC sẽ tiếp tục củng cố, duy trì và phát triển mô hình DVBLĐN để thực hiện công tác thu tiền điện, nhằm đạt hiệu quả cao hơn.

Niềm vui của các hộ nông thôn được ăn Tết trong ánh điện đảm bảo chất lượng, an toàn và được hưởng giá bán điện theo đúng giá quy định, cũng chính là niềm vui,,niềm tự hào của CBCNV ngành Điện khi được khách hàng yêu thương, chia sẻ. Tin rằng, từ những việc làm của ngành Điện, bà con các hộ nông thôn sẽ có thêm cơ hội để nâng cao mức sống, đẩy mạnh sản xuất và trong tương lai cuộc sống của người dân nông thôn ngày càng ấm no và hạnh phúc.


  • 19/02/2013 06:12
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý Hội nhập
  • 2925


Gửi nhận xét