Ngừng cấp điện phải trả chi phí

Ngày 6/8/2014, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 25/2014/TT-BCT quy định phương pháp xác định mức chi phí ngừng và cấp điện trở lại. Theo đó cho phép tổng công ty điện lực, công ty điện lực và các đơn vị phân phối, bán lẻ điện được thu chi phí ngừng và cấp điện trở lại để bù đắp cho việc thực hiện ngừng và cấp điện trở lại.

Theo các quy định của pháp luật thì việc ngừng hoặc cấp điện thì bên mua điện đều phải trả chi phí cho ngành Điện. Việc ngừng cấp điện xảy ra trong hai trường hợp, thứ nhất là bên mua điện vì một lý do nào đó chủ động xin ngừng cấp điện; thứ hai là bên mua điện vi phạm Luật điện lực (trộm cắp, không thanh toán tiền điện...) dẫn đến bên bán điện buộc phải ngừng cấp điện sau khi đã có những thông báo cần thiết. Nhưng trước khi ngừng cấp điện, theo Thông tư 30/TT-BCT bên bán điện phải có trách nhiệm thông báo thời điểm ngừng cấp trước từ 3 - 5 ngày trong trường hợp thông thường, hoặc trước 24 giờ tùy điều kiện cụ thể.

Các trường hợp không phải trả phí khi bên bán điện có kế hoạch ngừng phục vụ sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, xây lắp các công trình điện, hạn chế phụ tải và các nhu cầu khác; hoặc khi có sự cố khẩn cấp, bất khả kháng mà bên bán điện không kiểm soát được có nguy cơ làm mất an toàn nghiêm trọng cho người, trang thiết bị hoặc do thiếu nguồn điện đe dọa đến an toàn của hệ thống điện. Và trong thời hạn 24 giờ phải thông báo cho bên mua điện biết nguyên nhân, dự kiến thời gian cấp điện trở lại thông qua nhiều hình thức như văn bản, email, phương tiện thông tin đại chúng...

Nhân viên ngành Điện hướng dẫn khách hàng về thủ tục lắp đặt công tơ - Ảnh: Vũ Lam

Thông tư số 25/2014/TT-BCT đã quy định rõ tiền thu chi phí ngừng và cấp điện trở lại được hạch toán vào doanh thu của bên bán điện và nộp thuế theo quy định; được thu trước 01 lần khi ngừng cấp điện theo yêu cầu của bên mua điện hay nhằm đảm bảo an toàn phục vụ thi công các công trình hoặc thu trước khi cấp điện trở lại trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm, bị ngừng cấp điện theo quy định của pháp luật.

Theo đó, chi phí ngừng và cấp điện trở lại bằng chi phí nhân công cộng với chi phí đi lại, nhân với hệ số điều chính theo khoảng cách, hệ số điều chỉnh theo vùng miền. Trong đó, chi phí nhân công tính theo lương tối thiểu vùng bình quân cho 01 ngày công, hệ số lương bậc thợ, hệ số phụ cấp lưu động và số công cho 01 lần đóng cắt theo các cấp điện áp; chi phí đi lại được xác định theo khoảng cách từ trụ sở đơn vị trực tiếp thực hiện ngừng và cấp điện trở lại đến địa điểm thực hiện ngừng và cấp điện trở lại.

Trường hợp có thay đổi về chính sách tiền lương dẫn đến chi phí ngừng cấp điện trở lại thay đổi từ 30% trở lên so với mức đang được áp dụng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm cập nhật, tính toán lại mức chi phí ngừng và cấp điện trở lại, trình Cục Điều tiết điện lực Bộ Công Thương thẩm định.

Đối với khách hàng sử dụng điện phục vụ mục đích sinh hoạt, mức chi phí cho 01 lần ngừng và cấp điện trở lại là mức chi phí ngừng và cấp điện trở lại cơ sở không phân biệt khu vực đồng bằng, miền núi, hải đảo và không phụ thuộc vào khoảng cách từ trụ sở đơn vị trực tiếp thực hiện ngừng và cấp điện trở lại đến địa điểm thực hiện ngừng và cấp điện trở lại.

Đối với khách hàng mua điện ngoài mục đích sinh hoạt và tổ chức, cá nhân yêu cầu ngừng cấp điện để đảm bảo an toàn khi thi công công trình và trường hợp bên mua điện yêu cầu bên án điện ngừng cung cấp điện, mức chi phí cho một lần ngừng và cấp điện trở lại được điều chỉnh theo vùng, miền và theo khoảng cách từ trụ sở đơn vị trực tiếp thực hiện ngừng và cấp điện trở lại đến địa điểm thực hiện ngừng và cấp điện trở lại.

Thông tư 25/2014/TT-BCT sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/9/2014.


  • 22/08/2014 08:15
  • Theo Báo Công Thương
  • 3157


Gửi nhận xét