Nghiên cứu thành công công nghệ & quy trình sửa chữa, bảo dưỡng máy biến áp 500 kV: Giảm thiểu tối đa chi phí

Từ 15 tháng xuống còn… 15 ngày

Công nhân Công ty Truyền tải điện 2 thực hiện bảo dưỡng máy biến áp 500 kV tại TBA 500 kV Đà Nẵng

“Bắt đầu từ những khó khăn, bất cập trong công tác sửa chữa bảo dưỡng các MBA 500 kV, chúng tôi đã mạnh dạn đề xuất để thực hiện đề tài Nghiên cứu công nghệ & lập quy trình sửa chữa, bảo dưỡng máy biến áp 500 kV”, kỹ sư Nguyễn Tiến Dũng  - Phó giám đốc Công ty Truyền tải điện 2, chủ nhiệm đề tài bộc bạch.  

Hệ thống điện siêu cao áp 500 kV (MBA) của Việt Nam lần đầu tiên được đưa vào vận hành năm 1994, từ 18 pha đầu tiên, nay đã lên tới 54 pha. Các  MBA 500 kV này đều được nhập khẩu các nước có nền công nghiệp tiên tiến sản xuất và phải vận hành liên tục, thường xuyên mang tải cao. Do vậy, đến nay, một số MBA 500 kV cần phải được tổ chức bảo dưỡng. Thậm chí, ngay cả các MBA mới, được chế tạo ở các hãng sản xuất hàng đầu thế giới khi lắp đặt tại hiện trường cũng không đạt tiêu chuẩn vận hành và phải chuyển trả về hãng chế tạo ở nước ngoài để sửa chữa, bảo dưỡng.

Để đảm bảo vận hành an toàn, việc sửa chữa, bảo dưỡng MBA 500 kV là một việc làm hết sức quan trọng. Tuy nhiên, hầu hết các công việc này, kể cả những sửa chữa, bảo dưỡng nhỏ đều do chuyên gia nước ngoài của hãng sản xuất thực hiện. Trong trường hợp chuyên gia không thực hiện được ở Việt Nam thì phải tháo dỡ, vận chuyển đưa máy về hãng chế tạo ở nước ngoài để sửa chữa, bảo dưỡng. Thời gian cho việc này mất khoảng 15 tháng và hết sức tốn kém vì mỗi  MBA nặng khoảng 130 tấn, vận chuyển hạn chế rung lắc… chưa kể ngành Điện không có máy biến áp để vận hành cung cấp điện. Trong khi đó, theo đề tài, phương án tự làm tại hiện trường chỉ là… 15 ngày.

Khó khăn không nản

Theo đánh giá của các nhà quản lý, việc nghiên cứu công nghệ và ban hành quy trình chính thức để chủ động trong công tác bảo dưỡng MBA 500 kV là rất cần thiết. Tùy vào tình hình thực tế, các đơn vị có thể chủ động chuẩn bị phương án, nhân lực, vật lực phục vụ cho việc bảo dưỡng và đặc biệt là chủ động về thời gian cô lập MBA thực hiện bảo dưỡng phù hợp. Như vậy, không chỉ đảm bảo công tác bảo dưỡng MBA mà còn đảm bảo vận hành an toàn lưới điện, đem lại hiệu quả kinh tế lớn.

Bắt tay vào nghiên cứu đề tài, Nhóm nghiên cứu gặp khá nhiều khó khăn. Nhiều lúc những thách thức đặt ra tưởng khó có thể vượt qua. Kỹ sư Nguyễn Tiến Dũng – chủ nhiệm đề tài cho biết: Các MBA 500 kV được nhập từ nhiều hãng sản xuất khác nhau như JST, Areva, Alstom, ZTR, Toshiba, TBEA, ABB, HFMJAPSE… Mặc dù công suất mỗi máy giống nhau (3 x 150 MVA), nhưng do công nghệ chế tạo khác nhau nên kết cấu, kích thước và trọng lượng của mỗi máy cũng khác nhau. “Chẳng hạn, khối lượng dầu cách điện MBA JST là 24,5 tấn, còn MBA ZTR là 55,2 tấn. MBA 500 kV của hãng JST có kích thước và trọng lượng nhỏ hơn rất nhiều so với các hãng khác, nên khoảng cách cách điện và các yêu cầu bên trong MBA rất nghiêm ngặt bao gồm các điểm đấu nối, vật liệu cách điện rắn, cách điện lỏng, biện pháp bố trí cuộn dây, các phụ kiện lắp đặt, độ kín của máy biến áp và đặc biệt quan trọng là điều kiện mở máy thực hiện quá trình bảo dưỡng” – KS Nguyễn Tiến Dũng dẫn giải.

Những “bài toán” khó đặt ra không làm nản lòng, mà trái lại càng cháy lên mong muốn làm chủ công nghệ của những người đầy nhiệt huyết và say mê khoa học. Nhóm nghiên cứu đề tài cùng với đội sửa chữa thí nghiệm của Công ty Truyền tải điện 2 đã trực tiếp thực hiện công tác bảo dưỡng MBA 500 kV do JST sản xuất tại TBA 500 kV Đà Nẵng thành công và đảm bảo chất lượng. Kết quả này là cơ sở để tổng hợp nghiên cứu và biên soạn quy trình bảo dưỡng chung cho các MBA 500 kV và có thể áp dụng rộng rãi trong các công ty truyền tải điện.

Thành công không nhỏ từ kết quả nghiên cứu chính là sự khảng định, trong điều kiện hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể tiến hành bảo dưỡng sửa chữa MBA 500 kV mà không phải phụ thuộc vào các chuyên gia nước ngoài. Giải pháp mà đề tài đưa ra hoàn toàn phù hợp, nhất là trong những năm gần đây, cùng với tốc độ phát triển lưới điện, số lượng MBA 500 kV ngày càng nhiều, nhu cầu bảo dưỡng tăng cao.

 “Bảo dưỡng tại hiện trường sẽ hạn chế việc di chuyển MBA, giảm các hiệu ứng phát sinh bên trong máy, hiệu quả mang lại cao, khắc phục nhanh các hỏng hóc, có thể tiến hành bảo dưỡng định kỳ, thường xuyên để kéo dài tuổi thọ MBA” - Đó là nhận xét của các nhà chuyên môn khi đánh giá kết quả của đề tài.  Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới một sáng tạo của Nhóm tác giả là đã tạo và duy trì môi trường chân không ở nhiệt độ 80ºC trong 24 giờ để hút tuyệt đối  độ ẩm ngấm vào trong cách điện MBA.

Có thể thấy, thành công của đề tài đã thể hiện tính sáng tạo,  phát huy khả năng trí tuệ, chủ động ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý vận hành, sửa chữa máy biến áp của Nhóm nghiên cứu đề tài và cả tập thể Công ty Truyền tải điện 2 trên bước đường phát triển của mình.


  • 29/09/2011 03:55
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và hội nhập
  • 5837


Gửi nhận xét