Nghệ An: Cảnh báo an toàn điện từ những cây nêu đón Tết

Những năm gần đây, nhiều địa phương ở Nghệ An người dân khôi phục văn hoá Tết xưa bằng cách dựng cây nêu. Tuy nhiên, nhiều người bất chấp nguy hiểm dựng ngay dưới đường điện, tiềm ẩn những nguy cơ gây tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Dựng cây nêu ngày tết là phong tục đẹp nhưng cần cẩn thận để tránh tai nạn về điện

Bất chấp nguy hiểm

Dịp áp Tết nguyên đán, nhiều địa phương ở Nghệ An bắt đầu trang trí nhà cửa, ngõ xóm. Việc dựng cây nêu đối với người dân không chỉ theo quan niệm cầu cho năm mới “mưa thuận, gió hòa”, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều may mắn, thuận lợi; mà cây nêu còn để trang trí, tạo "điểm nhấn" trước mỗi ngôi nhà.

Những cây nêu truyền thống được làm bằng cây tre, cây mét có độ cao hàng chục mét, được dựng vắt vẻo qua đường dây điện. Nhiều vị trí đặt nêu, lại nằm dưới đường dây điện trung thế đi vào khu dân cư, nên nguy cơ phóng điện, chập điện gây tai nạn là rất cao. Không chỉ là làm cây nêu truyền thống, vài năm trở lại đây người dân bắt đầu dựng cây nêu bằng sắt. Những cây nêu này được gắn với đèn nháy đủ màu sắc, rực sáng cả đường làng.

Để cấp nguồn điện cho các “công trình” tự phát này, người dân đã vô tư câu móc, đấu nối nguồn điện theo kiểu chỗ nào tiện thì đấu nối, câu móc kết nối với đèn nháy, dựa vào cột điện san sát nhau. Thậm chí, có nhiều gia đình còn mở cả nắp công tơ điện hoặc câu móc trực tiếp từ đường dây trần của điện lưới gần đó để đấu nối, cấp nguồn cho cây nêu điện. Cây nêu tuýp sắt là vật liệu dẫn điện, nên nguy cơ rò rỉ, nhiễm điện là rất cao. Trên thực tế, ở khu vực miền núi Nghệ An đã có nhiều vụ tai nạn dẫn đến tử vong rất thương tâm.

Vụ tai nạn điện thương tâm khi anh H.V.T. (28 tuổi), trú tại huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã tử vong đang lắp đặt cây nêu vào dịp gần Tết nguyên đán là một lời cảnh báo để người dân thận trọng. Cụ thể, vào chiều ngày 25/1/2021, một gia đình ở xã Minh Hợp huyện Quỳ Hợp đã thuê 3 thanh niên dựng cây nêu để đón Tết. Quá trình dựng, do bất cẩn nên cây nêu vướng vào đường lưới điện cao thế phía trên khiến cả 3 bị điện giật, trong đó có một trường hợp bị tử vong trên đường đi cấp cứu, còn 2 người bị thương nặng.

Dù chính quyền địa phương đã có nhiều khuyến cao nhưng dựng cây nêu đón Tết là một nét văn hóa, nên không thể cấm đoán, chỉ có thể cấm người dân dựng gần đường điện. Chia sẻ về điều này, ông Lê Quang Thanh – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An cho hay cứ dịp gần Tết, nhiều tổ chức, cá nhân lại dựng cây nêu, dựng cột cờ, sử dụng pháo tráng kim loại, thả đèn trời, đồ chơi đĩa bay, thả diều dẫn đến nguy cơ mắc vào đường dây và trạm biến áp làm gián đoạn việc cung cấp điện, gây ra hỏa hoạn và nguy cơ mất an toàn điện trong nhân dân. Đã có không ít trường hợp thương tâm xảy ra khi dựng cây nêu ngày tết, chạm vào đường dây cao thế.

Ngày Tết năm ngoái, một loạt sự cố về điện đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An, gây thiệt hại rất lớn cho ngành điện, cũng như ảnh hưởng đến cấp điện cho người dân. Các sự cố này có nguyên nhân do người dân dựng cây nêu hoặc thả đèn trời. Tuy nhiên, ngay sau khi gây ra vụ việc, các đối tượng đã bỏ trốn nên khó có thể xử lý.

Vì một cái Tết an toàn

Ông Tạ Quang Lịch – Trưởng phòng An toàn Công ty Điện lực Nghệ An cho biết, để đảm bảo an toàn về điện trong dịp Tết, ngay từ sớm, Công ty Điện lực Nghệ An đã gửi công văn cho các địa phương, đồng thời còn cử cán bộ, nhân viên xuống tận cơ sở để tuyên truyền, vận động cho người. Ngành Điện thậm chí còn làm cả DVD để phát cho từng thôn, bản nhằm truyền thanh cơ sở tới tận từng hộ dân. Cán bộ ngành Điện dùng xe lưu động đi từng ngõ hẻm để tuyên truyền…

“Ngoài ra, người dân cũng tuyệt đối không được gây hư hỏng, xây dựng nhà cửa, công trình, trồng cây vi phạm hành lang an toàn lưới điện, trèo lên các bộ phận công trình, đường dây điện và trạm biến áp. Không làm việc vi phạm khoảng cách an toàn đến đường dây thiết bị lưới điện, dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho bản thân và cộng đồng…”, ông Lịch khuyến cáo.

Dựng cây nêu ngày tết là phong tục đẹp từ xưa đã được các thế hệ gìn giữ, phát huy. Tuy nhiên, để có một cái Tết thực sự an lành, người dân cần phải cẩn trọng trong việc dựng nêu, lập các sân khấu tự phát. Tuyệt đối không dựng nêu dưới đường điện cao thế, sát đường giao thông, câu móc điện tùy tiện… Không bắn các loại pháo giấy có dây tráng kim loại, không thả đèn trời, thả diều, không chơi các loại đồ chơi đĩa bay tại khu vực có hoặc gần đường dây, thiết bị điện và trạm điện; không câu móc trực tiếp, xâm hại hệ thống đo đếm điện năng để lấy cắp điện sử dụng trong việc chiếu sáng đèn đường và các nơi vui chơi giải trí, các địa điểm diễn ra lễ hội...

Bên cạnh đó, từ phía chính quyền các địa phương, ngành Điện lực, các ngành liên quan… cũng cần căn cứ vào luật, quy định của ngành mình để có chế tài hợp với thuần phong mỹ tục, nhưng cũng đủ răn đe với người vi phạm, chấn chỉnh tình trạng công trình chào Xuân “tự phát” tiềm ẩn nhiều rủi ro này.

Link gốc

 


  • 20/01/2022 03:22
  • Theo congthuong.vn
  • 1803