Net Zero - cơ hội và thách thức

Phát triển xanh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zezo) là thách thức, nhưng cũng là cơ hội giúp các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển.

Con đường tất yếu

Net Zero được hiểu là cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0 nhất có thể, với lượng khí thải còn lại được tái hấp thụ từ khí quyển bởi rừng và đại dương. Để thực hiện mục tiêu này, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 của Việt Nam, đã xác định các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ với mục tiêu và lộ trình cụ thể để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Phát triển điện gió như một nguồn năng lượng xanh. Nguồn: Thiennhien.net.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Việt Nam đã khẩn trương hành động với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đảm bảo các mục tiêu trên sẽ được hiện thực hóa.

Cụ thể, Việt Nam đã điều chỉnh và ban hành quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5% sản lượng điện sản xuất. Bên cạnh đó thúc đẩy mạnh mẽ áp dụng các giải pháp quản lý công nghệ thiết bị kỹ thuật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm tiết kiệm chi phí năng lượng đầu vào, giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh, giảm phát thải khí nhà kính.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, phát triển xanh ở Việt Nam đang có 2 thách thức lớn. Thứ nhất là về nguồn vốn, theo Ngân hàng Thế giới (WB) , đến năm 2040, Việt Nam sẽ cần 368 tỷ USD để đạt Net Zero, nhưng theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam đến 30/6/2023 chỉ đạt gần 528,3 nghìn tỷ đồng. Mặt khác, nguồn vốn tài chính quốc tế cho phát triển xanh cũng không còn rẻ nữa. Hiện, lãi suất của FED, các nước châu Âu ở mức rất cao.

Thứ hai là năng lực đổi mới với phát triển xanh. Trong đó, bao gồm hạ tầng và các điều kiện sản xuất; đào tạo đội ngũ nhân lực và người lao động; các chuẩn mực quản trị điều hành, chuẩn mực công bố thông tin. Điều này dẫn đến quá trình chuyển đổi không phải doanh nghiệp (DN) nào cũng sẵn sàng, đặc biệt là về nguồn vốn đầu tư và hoạt động vận hành.

Thách thức cũng là cơ hội

Thực tế đánh giá về những thách thức trong quý trình tiến tới Net Zezo, Thứ trưởng Lê Công Thành cũng cho rằng, đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội giúp các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, DN chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển. Nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đang hướng tới thiết lập áp dụng các hàng rào carbon đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.

Vẫn theo ông Thành, chuyển đổi xanh không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội mở ra cánh cửa cho sự đổi mới, tạo ra các nguồn lực mới, mở ra thị trường mới. “Bằng cách hướng tới một nền kinh tế xanh, chúng ta không chỉ đảm bảo sự bền vững của môi trường mà còn tạo ra cơ hội cho sự phát triển kinh tế xã hội trong tương lai. Chỉ thông qua sự hợp tác, nỗ lực chung của các bên, chúng ta mới có thể tạo ra một tương lai xanh và bền vững cho các thế hệ mai sau” - ông Thành nói.

Nhấn mạnh chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững đã không còn là một “chiếc áo thời trang” để làm đẹp cho DN, ông Nguyễn Tiến Huy - Giám đốc Văn phòng DN vì sự phát triển bền vững của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, phát triển bền vững là điều kiện cần và đủ để các DN nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng chống chịu. Và đó cũng là điều kiện có thể đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày một quan tâm hơn đến các vấn đề môi trường, xã hội, quản trị bền vững.

Trên thực tế, một số DN Việt Nam đã tham gia thực hiện mục tiêu phát thải bằng “0”. Các DN này bước đầu đã bắt kịp với các yêu cầu quốc tế về giảm phát thải cũng như sẵn sàng thực hiện chính sách của Chính phủ về ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Cộng đồng DN đóng vai trò là chủ thể quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội để phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững, tạo ra nguồn lực góp phần giảm phát thải nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng Xanh tại Việt Nam. Những DN biết tận dụng cơ hội từ biến đổi khí hậu sẽ tiếp nhận được các mô hình kinh tế, tài chính mới, đồng thời có cơ hội tham gia vào thị trường carbon. Tiếp đó là phát triển thị trường và điểm then chốt nhất là sự đổi mới về công nghệ, phát triển sản xuất, kinh doanh phát thải thấp để tăng sức cạnh tranh, tạo lợi nhuận bền vững” - ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh.

Theo khảo sát của VCCI thực hiện trên 10.000 doanh nghiệp trong nước, 56% doanh nghiệp cho biết đã nhận thấy cơ hội từ biến đổi khí hậu. Trong đó, khoảng 30% nhận định đã đến lúc tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất và 17% cho rằng đây là cơ hội để tạo ra sản phẩm và dịch vụ công nghệ mới, đồng thời phát triển thêm thị trường cho sản phẩm đang có.

Link gốc


  • 15/04/2024 03:42
  • Theo Báo Đại đoàn kết
  • 4353