Năm 2020, thực hiện quyết liệt các giải pháp đảm bảo cung ứng đủ điện

Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tại buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tình hình cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia và các giải pháp đảm bảo cung ứng điện đến năm 2025. Buổi làm việc diễn ra chiều 13/2, tại Hà Nội.

Tham dự cuộc họp, còn có ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban); lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Ủy ban.

Về phía EVN, có ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN, ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN, các thành viên HĐTV, các phó tổng giám đốc và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc.

Không để thiếu điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội 

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá cao những thành tích EVN đạt được trong năm 2019

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Anh biểu dương những thành quả mà EVN đã đạt được trong năm 2019, góp phần vào thành tích chung của Ủy ban trong năm qua.

Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đã có bước đột phá; tỷ lệ số hộ dân nông thôn có điện đạt đến 99,25%; độ tin cậy cung cấp điện ngày càng được nâng cao,... EVN cũng đã phối hợp hiệu quả với các chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời, đưa vào vận hành 89 dự án năng lượng tái tạo; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, sáng tạo nhiều giải pháp kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Hoàng Anh ghi nhận.

Trong năm 2019, sau khi được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thông qua, EVN đã tiến hành các thủ tục để triển khai các dự án điện trọng điểm như Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Thủy điện Ialy mở rộng, Thủy điện tích năng Bác Ái….

Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn, năm 2020 của Ủy ban cũng như EVN gặp rất nhiều thử thách, nhưng phải đảm bảo được mục tiêu cao nhất là không để thiếu điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trong mọi tình huống.

Do đó, EVN cần quán triệt thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các chỉ đạo trong chiến lược phát triển năng lượng; tiết kiệm chi phí, tập trung cho đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh; phối hợp tốt với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong khối năng lượng và các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, để nắm bắt được tiến độ phát triển các nguồn điện; đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn và lưới điện, đặc biệt là các dự án giải tỏa công suất nguồn điện năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Hoàng Anh yêu cầu.

Năm 2020 là năm diễn ra rất nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, đặc biệt đây là năm tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc. Do đó, EVN cần đảm bảo điện an toàn, tin cậy phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng này, ông Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh

EVN cam kết đủ điện năm 2020

Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN khẳng định, Tập đoàn rất quyết liệt trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo điện trong năm 2020 và giai đoạn 2021-2025

Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN cho biết, nhận định tình hình cấp điện giai đoạn 2020-2025 là rất khó khăn, ngay từ năm 2018, EVN đã thường xuyên cập nhật, đề xuất các giải pháp, báo cáo kịp thời Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, chỉ riêng trong tháng 1/2020, EVN cũng đã ban hành 8 văn bản chỉ đạo các đơn vị thành viên quyết liệt triển khai các giải pháp đảm bảo cung ứng điện.

Năm 2020, do tình hình thủy văn không thuận lợi, nước về các hồ thủy điện được dự báo rất kém; tình hình cung cấp nhiên liệu than và khí vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc vận hành hệ thống điện vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro,… Cụ thể, sản lượng thủy điện dự kiến huy động thấp hơn 2,67 tỷ kWh; sản lượng điện huy động từ các nguồn khí dự kiến thấp hơn 408 triệu kWh so với kế hoạch.

Để bù đắp lại sản lượng thiếu hụt trên, EVN dự kiến tăng huy động từ các nguồn nhiệt điện than 1,9 tỷ kWh và huy động thêm 1,23 tỷ kWh từ các nguồn nhiệt điện chạy dầu có giá thành cao.

Bên cạnh đó, để đảm bảo cung cấp điện cả năm 2020, đặc biệt trong mùa khô, EVN yêu cầu các nhà máy điện phải phát đủ công suất thiết kế, số giờ vận hành đạt 7.200 giờ/năm. Đồng thời, chủ động đảm bảo đủ nhiên liệu cho phát điện; vận hành an toàn tin cậy hệ thống điện, đặc biệt hệ thống điện 500kV Bắc – Nam; siết chặt kỷ luật vận hành, không để xảy ra sự cố chủ quan; nỗ lực đảm bảo tiến độ đầu tư các dự án lưới điện, đặc biệt các dự án lưới điện truyền tải đồng bộ giải phóng công suất các nguồn điện, giải tỏa công suất nguồn điện năng lượng tái tạo khu vực miền Nam và các thủy điện nhỏ.

Các đơn vị trực thuộc EVN cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước cho phát điện và cấp nước hạ du; phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh phụ tải hợp lý, sẵn sàng vận hành các nguồn điện tại chỗ của doanh nghiệp trong trường hợp hệ thống điện bị thiếu nguồn…

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng EVN sẽ đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Chủ tịch HĐTV EVN khẳng định.

Cân bằng cung cầu điện giai đoạn 2021-2025: Cần sự quyết liệt từ nhiều phía

Buổi làm việc diễn ra tại trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Theo tính toán của EVN, do nhiều dự án nguồn điện lớn bị chậm tiến độ nên giai đoạn 2021-2024, hệ thống điện sẽ thiếu nguồn cung. Với phương án cơ sở, mức thiếu hụt cao nhất là 13,3 tỷ kWh (năm 2023). Giai đoạn 2021-2024 cũng phải huy động các nguồn điện chạy dầu, với sản lượng trung bình từ 1,5-11 tỷ kWh/năm. Riêng năm 2025, hệ thống điện có thể đáp ứng nhu cầu phụ tải nếu tiến độ các chuỗi dự án khí - điện sử dụng khí Lô B, khí Cá Voi Xanh và các dự án nguồn điện sử dụng khí LNG  đáp ứng tiến độ. 

Tuy nhiên, trong trường hợp các dự án nhiệt điện Long Phú 1, Thái Bình 2 tiếp tục chậm thêm 1 năm, sản lượng điện hệ thống sẽ thiếu hụt lên đến 18,9 tỷ vào các năm 2023, 2024 và năm 2025 thiếu hụt khoảng 8,3 tỷ kWh.

Chính vì vậy, để đảm bảo điện trong năm 2020 và giai đoạn 2021-2025, EVN đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương liên quan chấp thuận chủ trương chuyển đổi nhiên liệu cho Nhà máy điện Hiệp Phước sang sử dụng LNG từ năm 2021 và bổ sung qui hoạch dự án nâng công suất nhà máy lên 1.125MW từ năm 2022; tăng công suất nhập khẩu điện từ các nước lân cận; sớm ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan đảm bảo cung cấp đủ than, khí cho phát điện; các địa phương tháo gỡ các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án điện...


  • 13/02/2020 06:54
  • Hồng Hoa
  • 13979