Mỹ: Sản lượng thủy điện ở miền Tây giảm mạnh vào năm 2050 do khô hạn

Một nghiên cứu đã dự đoán rằng sản lượng thủy điện ở miền Tây nước Mỹ có thể giảm tới 20% vào năm 2050 do khí hậu nóng lên.

Các dãy núi tuyết ở miền Tây thường được gọi là "tháp nước" do lượng nước từ tuyết tan cung cấp cho các con sông vào mùa hè. Tuy nhiên, khi nhiệt độ tăng lên, hiện tượng này sẽ giảm do tuyết ít hơn và sự bốc hơi gia tăng, dẫn đến dòng chảy trên các lưu vực thoát nước giảm đáng kể.

Đập Glen Canyon trên sông Colorado ở Arizona. Ảnh: New Scientist

Theo mô hình phát triển bởi David Yates và các đồng nghiệp tại Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia (Boulder, Colorado), điều này có thể khiến sản lượng điện từ các đập thủy điện giảm tới 20% hàng năm và thậm chí giảm đến 30% vào mùa hè. Đồng thời, nhu cầu sử dụng điện liên quan đến nước có thể tăng đến 4% mỗi năm và 6% vào mùa hè, do nông dân phải bơm nước ngầm nhiều hơn cho tưới tiêu. Điều này còn chưa tính đến sự gia tăng trong nhu cầu điện để chạy điều hòa không khí vào mùa hè.

Yates cho biết rằng lưới điện Western Interconnect đang chịu áp lực nghiêm trọng từ nhu cầu về nước của các thành phố và trang trại khai thác từ sông Colorado. Các hồ chứa nước phía sau đập Glen Canyon và Hoover hiện chỉ đầy một phần ba, do các đợt khai thác nước quá mức, kết hợp với đợt hạn hán khắc nghiệt nhất trong 1200 năm qua. 

Jordan Kern từ Đại học Bang North Carolina cho biết, kế hoạch loại bỏ nhiên liệu hóa thạch tại các bang phía Tây nước Mỹ có thể gặp nhiều khó khăn hơn dự kiến. Điều này là do khi sản lượng thủy điện giảm hoặc nhu cầu điện tăng đột biến, các bang vẫn sẽ phải dựa vào khí đốt tự nhiên như một giải pháp thay thế tạm thời.

Ông nhấn mạnh rằng, các nhà hoạch định cần phải xem xét không chỉ tác động của biến đổi khí hậu đối với nguồn nước, mà còn phải dự đoán nhu cầu điện và sự không ổn định trong việc sử dụng các nhà máy điện mặt trời và gió.


  • 17/09/2024 04:05
  • Nguyệt Hà (Theo New Scientist)
  • 5907