Mùa xuân đầy ánh sáng nơi phên dậu Xa Mang

Trên cung đường trở vào bản Xa Mang (xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa), những bông hoa rừng đã bung nở gọi mùa xuân trở về. Năm nay, bà con người Thái nơi phên dậu đón một cái Tết ấm áp, đầy ánh sáng khi lần đầu tiên họ được sử dụng điện lưới. Thứ ánh sáng ấy lấp lánh, đầy màu sắc mang đến rất nhiều thứ để khai phá vùng đất khó khăn, xơ xác này.

Trong những nếp nhà sàn của người Thái ở Xa Mang, ta có thể cảm nhận một không khí nhộn nhịp, vui tươi. Họ bảo năm nay vui hơn Tết. Cách trung tâm huyện Quan Sơn khoảng 45 km, bản Xa Mang có 34 hộ, 170 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Nhiều năm qua, do thiếu tư liệu sản xuất, chưa có điện lưới quốc gia, hạn chế việc tiếp cận thông tin và kiến thức khoa học kỹ thuật nên việc phát triển kinh tế của các hộ dân còn gặp nhiều khó khăn. Thu nhập chủ yếu là làm nông nghiệp, chăn nuôi nhỏ lẻ theo hình thức tự cung tự cấp.

Đang xúng xính trong bộ váy mới "để chào mừng điện lưới về bản", bà Hà Thị Thắng (sinh năm 1965, người dân trong bản) luôn chân, luôn tay, đi ra đi vào. Không háo hức làm sao được khi đầu đã hai thứ tóc bà mới biết đến điện sáng. Cuộc đời bà đã gắn với những ngày tháng leo lét trong ánh đèn dầu hoặc ánh nến. Tối ở Xa Mang dài đằng đẵng như thiếu nữ ngồi bên bậc cửa chờ người yêu đi xa.

“Vui lắm cháu ơi, chúng tôi có điện lưới rồi. Từ nay con cái, cháu chắt không phải gắn với ánh sáng mờ mờ nữa. Mọi người trong bản lâu nay phải thích ứng bằng cách mua tua bin nước để lấy điện nhưng chập chờn, lúc có, lúc không. Thà không có thì thôi, có mà nó yếu xìu thêm bực mình. Nay có cái điện lưới thì thoải mái dùng ti vi, cơm điện. Trước đây mấy gia đình phải tập trung lại 1 nhà để xem chung ti vi nhưng cũng lúc lên lúc không. Ông nhà tôi bảo sẽ mua cho nhà 1 cái ti vi mới mà xem thời sự, xem phim Việt Nam khung giờ vàng. Nay mai nấu cơm điện cho văn minh. Vui lắm, đúng là vui hơn Tết", bà Thắng chia sẻ.

Mùa xuân về trên bản Xa Mang

Nụ cười của người phụ nữ ấy thật là hồn hậu, ấm áp. Lan tỏa cả vào trong chúng tôi, những con người đã quá quen với các thiết bị công nghệ hiện đại. Trên con đường đất chạy quanh bản thật bình yên và man mát buồn. Giấc mơ đổi thay cuộc sống nhen nhóm từ lâu nay đã dần hiện hữu. Có điện rồi, đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con sẽ có nhiều chuyển biến. Cùng với điện lưới quốc gia, những mô hình phát triển kinh tế sẽ được du nhập về đây mỗi ngày. Đó là cơ sở để người dân vùng cao biên giới Xa Mang nâng cao trình độ dân trí, phát triển đời sống, từng bước thoát nghèo.

Kể từ ngày có điện lưới, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng bản Xa Mang Phạm Bá Tiệp bận rộn hơn. Ông chạy đi, chạy lại các hộ dân xem sử dụng thế nào, có quen, có ngợp với thứ ánh sáng mới không.

"Đây là sự kiện người dân chúng tôi chờ đợi 28 năm nay rồi. Từ nay, dân bản không còn phải thắp đèn dầu, soi đèn pin để nấu cơm. Thầy cô giáo điểm trường Sơn Điện 1 tại Xa Mang cũng không phải thắp nến soạn giáo án nữa. Vui nhất là các cháu nhỏ, 45 em học sinh cấp 1, 2 nơi này có điều kiện học tập tốt hơn. Có điện bà con trong bản sẽ nâng cao đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương thoát nghèo bền vững. Những chiếc máy xay xát lúa nghe thật vui tai, no ấm. Rồi đây, Xa Mang chúng tôi sẽ thêm nhiều thiết bị điện tử, tủ lạnh, xe máy và cả ô tô nữa. Mọi người ngồi nói chuyện rôm rả với nhau cả ngày không hết”.

Được biết, thực hiện Dự án cấp điện nông thôn tỉnh Thanh Hóa, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa - chủ đầu tư dự án đã triển khai các thủ tục triển khai đầu tư, thi công đưa lưới điện quốc gia về bản Xa Mang. Công trình được triển khai thi công từ tháng 6/2022 với quy mô 5,27 km đường dây 35kV, 1 trạm biến áp công suất 50kVA-35/0,4kV, 1,1km đường dây hạ áp và hệ thống công tơ, dây sau công tơ đến các hộ dân. Chiều 5/12/2022, các đơn vị đã tổ chức đóng điện trạm biến áp cấp điện cho bản Xa Mang.

Người dân sống khó khăn trong cảnh không điện sáng

Thi công trong thời gian ngắn với điều kiện thời tiết phức tạp, địa hình miền núi hiểm trở, việc vận chuyển vật tư, vật liệu vào khu vực xây dựng khu tới bản vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, sự ủng hộ của nhân dân, sự quyết tâm, cố gắng của nhà thầu và sự chỉ đạo sát sao của Sở Công Thương Thanh Hóa, đến nay, dự án đã hoàn thành, đạt tiến độ đề ra, sớm đóng điện phục vụ nhân dân vui xuân, đón năm mới 2023. Dự án hoàn thành sẽ cung cấp điện an toàn, ổn định cho nhân dân bản Xa Mang nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tạo điều kiện để người dân tiếp thu kiến thức phát triển sản xuất; đồng thời bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Thanh Hóa là địa phương có nhiều huyện miền núi, giáp với nước bạn Lào (192 km), người dân cư trú ở các bản trên núi cáo đường sá đi lại khó khăn, không tập trung. Trong năm 2022, các ngành chức năng đã vượt khó triển khai cấp điện cho 20 thôn, bản địa bàn 6 huyện: Như Thanh, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát. Trong đó, trên địa bàn huyện Quan Sơn, dự án được đầu tư cấp điện cho 3 thôn, bản gồm: Bản Khà, bản Xía Nọi, xã Sơn Thủy; bản Xa Mang xã Sơn Điện. Hiện vẫn còn 14 bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh chưa có điện lưới quốc gia sẽ tiếp tục được dự án đầu tư, kéo điện về trong thời gian sớm nhất.

Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa Phạm Bá Oai cho biết: Để người dân xóa đói, giảm nghèo thì cơ sở hạ tầng phải đi trước 1 bước, trong đó điện lưới không thể thiếu. Những năm qua, dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh Thanh Hóa đang từng bước đưa điện tới những vùng sâu, vùng xa để khai phá thành trì cổ hủ, lạc hậu.

Điện sáng về bản Xa Mang trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 là nỗ lực rất lớn của các đơn vị, chính quyền địa phương. Người dân cần học cách sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời chấp hành tốt các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp, bảo vệ tài sản của ngành Điện nhằm phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Rời Xa Mang trong chiều mưa bay, những nụ cười, niềm hy vọng đổi thay vùng đất khó nơi phên dậu này của người dân nơi đây khiến chúng tôi cảm thấy ấm áp trong từng bước chân. Bên kia vạt rừng, hoa đào, hoa mơ đã bung nở càng làm cho không khí rộn ràng chào đón mùa xuân nơi này thêm cuốn hút. Rồi đây, khoảng cách giữa miền xuôi, miền núi, giữa Xa Mang và vùng trung tâm sẽ được rút ngắn, đời sống người dân ngày một ấm no, hạnh phúc. Đó là cách bền vững nhất để người dân nơi đây bảo vệ biên cương tổ quốc.

Link gốc


  • 10/01/2023 10:40
  • Theo congly.vn
  • 3572