Mưa lũ miền Trung và Tây Nguyên làm 65 người chết và mất tích, thiệt hại gần 7.200 tỷ đồng

Đó là những con số được nêu tại Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả mưu lũ các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trong tháng 10 và tháng 11/2016 do Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm - cứu nạn đã tổ chức sáng nay (ngày 2/12) tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tìm kiếm - cứu nạn; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường – Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có đại diện các bộ, ngành Trung ương và 18 điểm cầu là 18 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN tham dự.

Thiên tai gây thiệt hại gần 7.200 tỷ đồng

Trình bày báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Quang Hoài - Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) cho biết: Từ giữa tháng 10/2016 đến nay, khu vực miền Trung và Tây Nguyên có 4 đợt mưa lũ lớn trên diện rộng, trong đó đặc biệt là 2 đợt mưa lũ vào giữa tháng 10 và đầu tháng 11/2016. 2 đợt mưa lũ này đã làm 65 người chết và mất tích, 191.084 nhà bị ngập nước, 22.151 ha lúa bị ngập, hư hại...Tổng thiệt hại về vật chất ước tính trên 7.198 tỷ đồng. 

Trước thiệt hại do mưa lũ gây ra, Chính phủ, các Bộ, ngành đã tập trung hỗ trợ địa phương; tổng hợp nhu cầu hỗ trợ ban đầu, họp liên ngành và kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh.

Các địa phương bị thiệt hại khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả: Tổ chức tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị chết, bị thương và trích ngân sách địa phương để hỗ trợ theo quy định…

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Quang Hoài cho biết: Sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, chủ động phòng tránh cũng như sự tham gia của người dân nên đã giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Việc khôi phục, tái thiết sau thiên tai được tổ chức nhanh chóng, kịp thời. Công tác phối hợp vận hành hồ chứa giữa chủ hồ và chính quyền địa phương đã đạt được nhiều kết quả, nhất là các hồ chứa thủy điện do EVN quản lý nên đã đảm bảo an toàn hồ, hạ du, đồng thời trữ nước phục vụ phát điện và phòng, chống hạn hán. 

Hội nghị rút ra nhiều kinh nghiệm sâu sắc trong công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra

Công tác chỉ đạo phải nhanh nhạy, sát thực tế

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ rõ, trước mắt cần tập trung ứng phó với mưa lũ đang diễn ra tại một số tỉnh miền Trung, có giải pháp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra (chú trọng hỗ trợ kịp thời các hộ dân có người bị chết, bị thương do ảnh hưởng của mưa lũ); tiếp tục tổ chức tìm kiếm người mất tích.

Bộ NN&PTNT phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tổ chức điều tra vết lũ, nhận dạng lũ; đánh giá ảnh hưởng, tác động tới đời sống, cơ sở hạ tầng vùng hạ du của các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trong 2 đợt mưa lũ vừa qua, đề xuất trình Chính phủ giải pháp căn cơ đảm bảo phòng, chống lũ an toàn, phù hợp với từng giai đoạn hiện nay.

Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương tăng cường quản lý, giám sát xả lũ các hồ chứa, đồng thời điều chỉnh phù hợp với thực tế để đảm bảo tích nước, phục vụ sản xuất năm 2017, đảm bảo đủ nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân; đẩy mạnh việc xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa để làm cơ sở rà soát, điều chỉnh bổ sung các phương án ứng phó với mưa, lũ theo phương  châm “4 tại chỗ” nhằm chủ động xử lý kịp thời các tình huống bất thường. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương rà soát, điều chỉnh các quy định, xây dựng các cơ chế phối hợp cụ thể và phù hợp giữa chính quyền địa phương với các chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong quá trình vận hành điều tiết xả lũ như một số hồ thủy lợi, thủy điện do EVN quản lý đã thực hiện; có chế tài xử lý với các chủ hồ không tuân thủ quy trình vận hành xả lũ, không trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết để đảm bảo an toàn hồ chứa và hạ du. Báo cáo kết quả thực hiện về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 

Phó Thủ tướng lưu ý, về lâu dài, cần tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai và cộng đồng; phổ biến kinh nghiệm phòng chống lũ theo phương châm 4 tại chỗ; thực hiện đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đảm bảo đúng kế hoạch được phê duyệt. 

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành và địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền và thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để người dân biết, không chủ quan và có kỹ năng phòng tránh, ứng phó; hỗ trợ kịp thời người dân khắc phục hậu quả, sớm ổ định sản xuất, đời sống.

“Công tác chỉ đạo phải nhanh nhạy, sát thực tiễn, huy động và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình của nhân dân trong quá trình ứng phó, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả. Công tác “4 tại chỗ” phải được đặt lên hàng đầu” - Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.


  • 02/12/2016 02:42
  • Bài, ảnh: Lê Việt
  • 8669