Mùa khô 2015: Truyền tải điện Bắc – Nam tiếp tục căng thẳng

Mùa khô năm nay, để đảm bảo cung ứng điện cho khu vực phía Nam, ngành Điện tiếp tục phải truyền tải công suất lớn từ miền Bắc và miền Trung vào "chi viện", đặt áp lực không nhỏ lên các đơn vị truyền tải trong việc đảm bảo vận hành an toàn các đường dây và trạm biến áp.

Theo ông Võ Đình Thủy, Giám đốc Công ty Truyền tải điện 4 - đơn vị quản lý, vận hành hệ thống điện 220 - 500 kV trên địa bàn 19 tỉnh, thành phía Nam, nếu như trong năm 2014, sản lượng điện tiếp nhận từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam gần 12 tỷ kWh, chiếm 20% tổng sản lượng toàn khu vực này (trên 63 tỷ kWh), thì năm nay, con số này dự kiến sẽ còn lớn hơn nhiều. Nhu cầu phụ tải tăng cao vào các tháng cao điểm mùa khô gây áp lực lớn trong công tác quản lý vận hành của đơn vị.

Theo đánh giá của EVN trong tháng 4/2015, xu hướng truyền tải điện chủ đạo từ Bắc, Trung vào Nam. Tính đến hết tháng 4/2015 tổng sản lượng điện truyền tải trên giao diện Bắc và Trung vào Nam tương ứng đạt 3,6 tỷ kWh và 3,45 tỷ kWh - Ảnh: H.Hiếu

Trong khi đó, ở miền Trung - Tây Nguyên, Trạm biến áp 500 kV Pleiku là “nhịp nối” giữa hai miền Nam – Bắc, có vai trò rất quan trọng trong việc trung chuyển điện từ miền Bắc vào miền Nam, cũng như truyền tải công suất từ các nhà máy thủy điện ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên vào đáp ứng cho miền Nam. Hiện nay, có thời điểm, công suất truyền tải qua Trạm lên tới hơn 3.000 MW.

Ông Đinh Văn Cường – Giám đốc Truyền tải điện Gia Lai cho biết, trong những năm qua, Trạm vẫn luôn đáp ứng tốt các yêu cầu phát triển và phụ tải mà miền Nam đang cần. Tính đến thời điểm này, đơn vị đã đảm bảo được luồng công suất, cũng như giữ vững được độ ổn định của hệ thống truyền tải điện Bắc – Nam. Tuy nhiên, sau 20 năm vận hành, các thiết bị của Trạm đã trở nên già cỗi nhưng vẫn phải vận hành hết công suất, đây là một trong những áp lực lớn nhất đối với Truyền tải điện Gia Lai.

Để đáp ứng được yêu cầu cung cấp điện, hằng năm, Trạm đều lập kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, bảo trì thích hợp, đồng thời có báo cáo cụ thể với các cấp lãnh đạo để hạn chế luồng công suất, không để thiết bị vận hành quá tải trong thời gian dài. "Trong thời gian tới, chúng tôi cũng có kế hoạch từng bước thay thế các thiết bị không còn đáp ứng được những yêu cầu quản lý vận hành" - ông Cường cho biết.

Xác định rõ nhiệm vụ cung ứng điện cho miền Nam là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong cao điểm mùa khô 2015, các đơn vị quản lý vận hành hệ thống điện siêu cao áp ở khu vực đang hết sức nỗ lực, chủ động thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Đơn cử, nhận định trước các nguy cơ cháy do nắng nóng có thể gây ảnh hưởng đến đường dây, Công ty Truyền tải điện 4 đã sớm triển khai nhiều giải pháp nhằm loại bỏ hoàn toàn những mối nguy này. Ví dụ, tại địa phận tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương, các nhà máy đường và vận động người dân thu hoạch xong hơn 100 ha mía nằm dưới đường dây, đồng thời dọn sạch lá khô để không còn chất cháy trong hành lang. "Với những nỗ lực của PTC4, đến thời điểm này, lưới điện trong phạm vi quản lý của đơn vị vẫn tuyệt đối an toàn" – ông Thủy cho biết.


  • 21/05/2015 04:12
  • Hoàng Tuyết
  • 3431


Gửi nhận xét