Máy phát điện: Rất nguy hiểm nếu vận hành không đúng

Trong trường hợp bạn phải dùng đến máy phát điện, nếu sử dụng không đúng cách có thể dẫn đến ngộ độc khí cacbon mônôxit (CO), bị điện giật hoặc hỏa hoạn... Thế giới điện mách bạn bí quyết chọn mua và vận hành máy phát điện an toàn, hiệu quả.

Chọn mua:

Để mua được máy phát điện có công suất phù hợp, bạn hãy liệt kê tất cả các thiết bị sử dụng điện trong nhà, sau đó tính tổng công suất của các thiết bị này. Từ đó, lựa chọn máy có công suất bằng 70% so với tổng công suất của các thiết bị.

Ví dụ: Hộ gia đình có tổng công suất các thiết bị dùng điện là 8,5 kW, nên mua máy phát điện có công suất: 8,5 x 70 % = 5,5 kW.

Về nhiên liệu, đối với máy phát điện có công suất sử dụng dưới 10 kVA, người tiêu dùng nên chọn máy phát điện chạy xăng vì kích thước nhỏ gọn, độ ồn thấp và giá rẻ hơn so với máy chạy dầu diesel.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều dòng máy phát điện không rõ nguồn gốc xuất xứ, thông số kỹ thuật không đúng, dễ hư hỏng. Do đó, người tiêu dùng nên chọn các sản phẩm có thương hiệu uy tín, đảm bảo thông số máy chính xác, độ bền và tính an toàn cao.

Ảnh minh họa

                                                                          Sử dụng:

Đấu nối các thiết bị với máy phát điện

- Nên nối các thiết bị sử dụng với nguồn điện của máy phát điện qua Aptomat tổng.

- Phải dùng loại dây dẫn có cách điện tốt, chịu được công suất các thiết bị.

- Nên lắp thêm cầu dao đảo nguồn để thuận tiện cho thao tác chuyển nguồn khi có điện lưới. Trước khi chuyển nguồn điện bằng cầu dao, hãy cắt điện Aptomat tổng.

Vị trí đặt máy

- Để tránh bị điện giật, không đặt máy phát điện dưới trời mưa hoặc ở nơi ẩm ướt. Máy phát điện phải đặt ở nơi phẳng, khô ráo, có mái che và thoáng khí.

- Không được đặt máy gần nơi đang có ngọn lửa, nên đặt máy phát điện cách xa bếp từ 1,5 - 2 m, đề phòng hỏa hoạn.

- Không để máy trong nhà xe, tầng hầm, gầm sàn, công trình khép kín khi vận hành. Vì khi hoạt động, máy thải ra khí độc CO, gây ngạt thở.

Nạp nhiên liệu

- Trước khi khởi động, cần kiểm tra lượng dầu, nhớt và nước làm mát, nếu thấy thiếu cần bổ sung ngay.

- Khi vận hành, nếu máy hết nhiên liệu, phải tắt máy và để nguội trước khi tiếp nhiên liệu. Bởi khi xăng/dầu đổ vào động cơ đang nóng rất dễ gây cháy, nổ.

- Khi đổ nhiên liệu vào máy, không được hút thuốc.

- Không để xăng dự phòng gần nơi có nhiều người qua lại và nơi có nguy cơ cháy nổ.

Vận hành máy                

- Khung, vỏ máy khi vận hành phải được tiếp đất (nối từ điện cực tiếp đất ở phía sau hộp điện đến cọc tiếp đất bằng dây dẫn điện 11 mm2).

- Sau khi máy khởi động, cần kiểm tra bóng báo xăng. Nếu bóng báo xăng vẫn còn màu đỏ hay bộ lọc gió bốc khói, phải cho máy ngừng hoạt động ngay. Sau đó, cho động cơ chạy không tải 4 - 5 phút để bôi trơn các bộ phận trước khi bắt đầu kéo tải.

- Nếu nghe tiếng máy nổ khác thường và điện yếu, cần điều chỉnh le gió (tắt nguồn điện trước khi điều chỉnh).

- Tuyệt đối không tự ý điều chỉnh tay ga vì có thể làm thay đổi tần số và điện phát ra.

- Khi máy hoạt động xong, muốn ngừng máy, phải rút tải ra khỏi ổ cắm. Kéo cần điều chỉnh tốc độ về vị trí ngừng, đồng thời khoá van nhiên liệu.

- Với máy phát điện dầu, nên kiểm tra kỹ két nước (nước phải đầy) trước và sau khi vận hành. Trong lúc máy hoạt động, không nên mở két nước, dễ gây bỏng.

- Nếu thấy khó chịu, chóng mặt hoặc mệt mỏi khi đang chạy máy phát điện, nên ra ngay chỗ thoáng để hít thở.

Bảo dưỡng

- Sau mỗi lần vận hành máy, phải làm sạch và siết chặt lại những ốc vít bị lỏng, đồng thời kiểm tra nhớt, nước làm mát và dây đai.

- Sau 50-100 giờ chạy máy đầu tiên, nên kiểm tra mức dầu máy dùng bôi trơn và nước làm mát.

- Cứ sau 50 giờ sử dụng, phải thay nhớt, làm sạch bộ lọc nhiên liệu.

- Sau 300-500 giờ chạy máy, kiểm tra và vệ sinh sạch hệ thống làm mát, thay mới dầu máy, bộ lọc dầu máy.

- Nếu thời gian dài không sử dụng, để đảm bảo an toàn thỉnh thoảng nên khởi động lại máy.

 


  • 12/11/2014 08:19
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 91860


Gửi nhận xét