Lưới điện nước Mỹ “căng mình” trước biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan gây nhiều thiệt hại nặng nề cho lưới điện trên toàn nước Mỹ, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Các nhà khoa học dự báo rằng hệ thống điện sẽ ngày càng phải chịu nhiều áp lực hơn để có thể duy trì sự ổn định trong bối cảnh tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan tiếp tục gia tăng trong tương lai.

Theo Đánh giá Khí hậu Quốc gia lần thứ năm (Fifth National Climate Assessment) - một báo cáo toàn diện về khoa học khí hậu do 14 cơ quan liên bang Mỹ phối hợp thực hiện, tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu đang trở nên rõ rệt và nghiêm trọng hơn ở tất cả các khu vực của nước Mỹ, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn, như lũ lụt, hạn hán, sóng nhiệt và bão. Đặc biệt, các hiện tượng thời tiết cực đoan thường gây ra nhiều sự cố mất điện.

Cơ quan Thông tin Năng lượng (Energy Information Administration - EIA) cho biết số lượng sự cố mất điện tính trên mỗi người dân Mỹ trong năm 2022 đã tăng 16% so với năm 2013.

Theo báo cáo của Climate Central – một tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp thông tin khoa học về khí hậu, thời tiết là nguyên nhân chủ yếu gây ra các sự cố mất điện lớn ở Mỹ. Cụ thể, 80% (khoảng 1.755 vụ) các sự cố mất điện lớn được ghi nhận từ năm 2000 đến năm 2023 có nguyên nhân từ các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt, sóng nhiệt và các hình thái thời tiết khắc nghiệt khác.

Dữ liệu cho thấy mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và tần suất mất điện có liên quan chặt chẽ, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết đối với công tác nâng cấp lưới điện trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khắc nghiệt.

 Một trạm biến áp bị hư hại sau trận lốc xoáy ở Madison, Tennessee ngày 10/12/2023. Ảnh: ABC News

Daniel Cohan, Phó Giáo sư chuyên ngành Kỹ thuật Môi trường tại Đại học Rice ở Houston, giải thích tình trạng mất điện thường không phải do lưới điện thiếu công suất phát điện mà do sự cố xảy ra trên hệ thống truyền tải và phân phối điện đến khách hàng, chẳng hạn như đường dây truyền tải và đường dây phân phối bị hư hỏng do bão lớn, sét đánh, gió mạnh hoặc cháy rừng. Ngoài ra, các hiện tượng thời tiết cực đoan khác như lốc xoáy, lũ lụt và bão tuyết cũng có thể làm hỏng hệ thống dây điện, gây gián đoạn trong cung cấp điện.

Hạn hán cũng gây ảnh hưởng trực tiếp tới lưới điện. Khan hiếm nguồn nước cản trở quá trình vận hành hệ thống nước làm mát cho các nhà máy nhiệt điện sử dụng than, khí đốt và năng lượng hạt nhân phải giảm công suất hoặc thậm chí tạm ngừng hoạt động, dẫn đến tình trạng thiếu điện. Bên cạnh đó, hạn hán có thể dẫn đến các đợt cháy rừng lớn, tăng nguy cơ hư hại cho hệ thống đường dây truyền tải điện, gây ra các sự cố mất điện trên diện rộng.

Một cột điện bị đổ sau cơn bão nhiệt đới Ernesto, ở Fajardo, Puerto Rico, ngày 14/8/2024. Ảnh: ABC News

Các chuyên gia cho biết, khi mất điện kéo dài trong thời tiết cực đoan, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân càng gia tăng. Đợt giá rét kỷ lục tại Texas năm 2021 đã khiến hàng triệu ngôi nhà mất điện, và hàng trăm người thiệt mạng do không có đủ điều kiện sưởi ấm. Bên cạnh đó, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), nhiệt độ cao cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do thời tiết, đặc biệt nguy hiểm khi mất điện xảy ra trong mùa nắng nóng. Khi đó, người dân không thể sử dụng các thiết bị làm mát, làm tăng nguy cơ say nắng và mất nước nghiêm trọng.

Theo báo cáo từ Climate Central, các tiểu bang có nhiều sự cố mất điện liên quan đến thời tiết nhất từ năm 2000 đến 2023 là Texas (210 vụ), Michigan (157 vụ), California (145 vụ), Bắc Carolina (111 vụ) và Ohio (88 vụ).

Một nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Năng lượng tái tạo Quốc gia (NREL) cũng cho biết, từ năm 2017 đến 2021, ít nhất 50% các sự cố mất điện lớn kéo dài hơn 12 giờ, trong đó có 36% kéo dài hơn 24 giờ.

Phó Giáo sư Cohan nhấn mạnh rằng, dù không thể hoàn toàn loại bỏ nguy cơ mất điện, các nhà lập pháp cần ưu tiên tăng cường khả năng phục hồi của lưới điện. Các công ty năng lượng cũng cần tập trung bảo trì và nâng cấp hệ thống điện cũ kỹ của nước này. Những biện pháp đơn giản như thay thế các cột điện gỗ và cắt tỉa thảm thực vật gần đường dây, có thể giúp cải thiện đáng kể độ bền của lưới điện.

Phương án chôn cáp ngầm là một giải pháp hiệu quả nhưng thường gặp trở ngại lớn về chi phí và khó khăn khi triển khai trên diện rộng. Theo Cohan, đây vẫn là khoản đầu tư đáng cân nhắc cho những khu vực có nguy cơ cao về cháy rừng hoặc thường xuyên xảy ra bão lớn.

Các cột điện cao thế tại quận San Joaquin, California đang bốc cháy do ảnh hưởng của vụ cháy rừng Corral ngày 02/06/2024. Ảnh: ABC News

Giáo sư Max Zhang, chuyên ngành Kỹ thuật tại Đại học Cornell, nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp cải thiện không gian sống nhằm giảm bớt tác động của thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt trong trường hợp mất điện. Ông khuyến nghị các hộ gia đình nên bịt kín các khe hở và lắp đặt vật liệu cách nhiệt để duy trì nhiệt độ ổn định trong nhà, ngay cả khi hệ thống điều hòa hoặc sưởi ấm bị gián đoạn. Những biện pháp này giúp người dân chống chịu tốt hơn trong thời gian ngắn mà không bị ảnh hưởng bởi các thay đổi nhiệt độ đột ngột.

Ngoài ra, Giáo sư Zhang cũng nhấn mạnh rằng việc giảm khí thải nhà kính là yếu tố cốt lõi để hạn chế tốc độ và tần suất của biến đổi khí hậu, từ đó giảm thiểu các hiện tượng thời tiết cực đoan. Ông kêu gọi tập trung vào việc giảm phát thải thông qua tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các nguồn không phát thải khác, vì đây là chiến lược cần thiết để bảo vệ khí hậu và ổn định môi trường trong dài hạn.


  • 07/11/2024 04:15
  • Nguyệt Hà (Theo ABC News)
  • 2091