“Lính truyền tải” nhớ “TẾT… MÌ TÔM”

16 cái tết đã qua, nhưng mỗi độ xuân về, tôi lại nhớ đến cái tết đầu tiên chúng tôi trên vùng núi cao của huyện Như Xuân - Thanh Hóa đó là xuân Ất Hợi năm 1995.

Tháng 4 năm 1994, khi đường dây 500 kV Bắc Nam đóng điện đưa vào vận hành, chúng tôi vinh dự là những người đầu tiên tiếp quản vận hành lưới điện 500 kV. Tổ của chúng tôi có 17 người, được cấp trên giao nhiệm vụ tiếp quản vận hành cung đường dây 500 kV đi qua Rừng quốc gia Bến En thuộc địa bàn huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hoá).

Thời kỳ đầu, trụ sở làm việc của tổ chưa xây dựng xong, chúng tôi phân thành 4 nhóm vào ở cùng  4 gia đình thuộc làng Ré, thị trấn Yên Cát - Như Xuân. Giáp Tết, trụ sở làm việc hoàn thành, chúng tôi hối hả thu xếp nơi làm việc mới, nơi ăn ở sinh hoạt tạm ổn đúng vào ngày 27 Tết. Hồi đó, theo quy định, chúng tôi chia đôi quân số để thay nhau trực vận hành đường dây và về quê ăn Tết, vì 100% CBCNV đều là người dưới xuôi lên. Chế độ Tết cũng tạm ổn. Ngoài tiền trực Tết theo quy định, chúng tôi còn được Lãnh đạo Chi nhánh Truyền tải điện Thanh Hoá và Sở Truyền tải điện miền Bắc (nay là Công ty Truyền tải điện 1) lên chúc Tết và tặng rất nhiều quà, cẩn thận hơn, chúng tôi còn về thành phố mua sắm thêm rượu bia, bánh chưng, giò chả, bánh kẹo thuốc lá... và mì tôm.

Ở Yên Cát hồi đó, giao thông đi lại rất khó khăn, mỗi ngày chỉ có 1 chuyến xe khách về thành phố và xuất phát lúc 4h30 sáng, khoảng 13h00 mới về đến thành phố Thanh Hoá, mặc dù khoảng cách chỉ có 60 km. Điện sinh hoạt thì thường xuyên mất, tủ lạnh không có, nên chúng tôi cũng chỉ dám mua đủ cơ số thực phẩm, rau xanh dùng cho đến ngày mồng 2 Tết và dự tính lúc đó sẽ ra chợ thị trấn mua thêm.

Tối mùng 1 Tết, chúng tôi giao ca và chia tay nhau để ca 2 về quê ăn Tết, nên còn bao nhiêu thực phẩm mang ra “giải quyết” hết. Sang sáng mùng 2, tôi và một số anh em ra chợ đi mua thực phẩm phục vụ Tết cho ca 2. Đến chợ không một bóng người, lúc đầu nghĩ chợ họp đã tan, nhưng hỏi ra mới biết chợ ở đây nghỉ đến mùng 10 Tết mới họp lại. Vậy là, 8 ngày sinh hoạt, chúng tôi chỉ còn gạo và.... mì tôm. May mà có nhân dân địa phương nơi chúng tôi đóng quân và bà con sinh sống dọc theo tuyến đường dây. Dù chưa đầy 1 năm làm việc ở Như Xuân, nhưng chúng tôi đã gắn bó mật thiết với bà con dân bản như gia đình ruột thịt. Hàng ngày, chúng tôi thay nhau đi kiểm tra đường dây, hết giờ làm việc thì ghé vào nhà dân chúc Tết, nhiều khi đến lúc… say mới về, còn những người trực tại tổ chốt thì… mì tôm “diễn” đều.

Ở khu vực Như Xuân, chủ yếu là người dân tộc Thái sinh sống.  Bản làng vào những ngày Tết, đâu đâu cũng sặc sỡ màu sắc của váy áo và hoa đào.  Vào nhà nào, chúng tôi cũng được thết đãi như thượng khách, được uống rượu nấu bằng men lá rừng, ăn xôi nếp nương đồ trong chõ với thịt gà đồi, rồi ngà ngà bên bếp lửa hồng hát cho nhau nghe.

16 cái Tết qua rồi, nhưng “Tết mì tôm” vẫn mãi đọng lại trong ký ức tôi. Những tình cảm mà bà con dân bản huyện Như Xuân dành cho chúng tôi vẫn luôn là động lực giúp chúng tôi vượt qua khó khăn để trưởng thành. Từ đó, chúng tôi càng thêm yêu nghề đường dây lắm gian truân, vất vả nhưng cũng đầy thi vị và rất đáng tự hào.

 


  • 19/01/2012 02:29
  • Theo TCĐL
  • 9210


Gửi nhận xét