"Lính truyền tải": Khát khao và lý do bám trụ với nghề

Họ phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, vất vả, phải hy sinh những giờ phút ấm áp bên gia đình để “bám trụ” với đường dây. Hãy lắng nghe tâm sự của chính người trong cuộc về công việc hằng ngày, những mong ước của họ và những lý do để họ sống - chết với nghề.

Ông Trần Hồng Cường – Đội trưởng Đội đường dây Xuân Mai, Truyền tải điện Hòa Bình, Công ty Truyền tải điện 1: Yêu nghề - bí quyết giản dị

… 4h sáng, chúng tôi đã dậy để chuẩn bị vật tư, thiết bị cho một ngày làm việc mới, nhằm đảm bảo các điều kiện tốt nhất để củng cố đường dây truyền tải trước mùa nằng nóng. Đến khi trở về, trời đã tối đen. Cả ngày đu mình trên dây, mặc nắng hè bỏng rát,… cũng có những lúc phải đi làm cả đêm, tranh thủ thời gian phụ tải thấp cắt điện để sửa chữa, tránh làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Công việc của “lính truyền tải” chúng tôi là như vậy đó.

Có thể nói, 2/3 cuộc đời chúng tôi là gắn với những đường dây, nên thời gian ở bên gia đình còn ít hơn cả thời gian gắn bó với dây và cột điện. Vất vả đấy, gian nan đấy, nhưng cũng vì vậy mà anh em truyền tải gắn bó với nhau, yêu thương nhau lắm lắm… Chính tình cảm đồng nghiệp gắn bó đã tạo sức mạnh tinh thần, động viên những người “lính truyền tải” vượt lên mọi khó khăn thử thách. Và yêu nghề - đó là “bí quyết” giản dị của chúng tôi. Yêu nghề, mong muốn cũng được nghề “yêu”, được nhân dân yêu mến hơn, cảm thông hơn cho những khó khăn vất vả của chúng tôi, để “lính truyền tải” chúng tôi tiếp tục có thể nỗ lực nhiều hơn, cồng hiến nhiều hơn…

Ông Đoàn Mạnh Hùng – Tổ trưởng Tổ sản xuất, Đội TTĐ Đồng Hới, Truyền tải điện Quảng Bình, Công ty Truyền tải điện 2: Tự hào lắm, khi là lính đường dây!

Mọi người vẫn quen gọi chúng tôi là “lính đường dây”. Bởi vì, công việc chúng tôi cũng đòi hỏi những tố chất, tác phong khong khác gì người lính.

Làm nghề đường dây phải thật khỏe, dẻo dai, phải can đảm, khéo léo và luôn có tính kỷ luật cao. Nếu không có sức khỏe làm sao có thể đảm đương được những công việc nặng nhọc khi sửa chữa dựng cột, kéo dây, khi trèo đèo lội suối, chưa kể mưa nắng, ngày đêm. Không can đảm, khéo léo làm sao có thể làm việc trên độ cao hàng vài chục mét, nhất là những công việc kiểm tra bảo dưỡng dây dẫn, phải đu mình trên dây, nhiều khi đung đưa giữa lưng trời hàng tiếng đồng hồ. Những thao tác dưới đất có thể giản đơn thôi, nhưng khi thao tác trên cao, tư thế làm việc không thuận lợi, đòi hỏi sự khéo léo, nhanh nhẹn mới có thể thực hiện được.

Nghề truyền tải cũng cần đòi hỏi tính kỷ luật rất cao, bởi vì công việc của chúng tôi luôn đối mặt với nhiều nguy hiểm rình rập, với độ cao, với điện,... nếu chỉ một chút lơ là, bất cẩn, chủ quan, không tuân thủ đúng quy trình, quy phạm có thể phải trả giá bằng cả sinh mạng rồi.

Đặc thù đường dây tải điện trên không, chịu nhiều tác động ảnh hưởng gây nguy hiểm đến an toàn vận hành, vì vậy chúng tôi luôn luôn trong trạng thái sẵn sàng. Khi xảy ra sự cố, phải có mặt nhanh nhất để kiểm tra, phát hiện và khắc phục kịp thời, hạn chế thời gian ngừng cung cấp điện. Bởi chúng tôi hiểu được tính chất, tầm quan trọng của hệ thống lưới điện truyền tải đối với nền kinh tế, với đời sống nhân dân. Không những giỏi chuyên môn về điện mà lính đường dây còn phải giỏi cả nghề mộc, nghề xây nữa, để những khi sửa chữa mái kè, trụ móng, mương thoát nước,… thì tỉ lệ vôi vữa, cát sạn lại cần phải thành thục như kỹ sư xây dựng vậy. Ngoài ra, mỗi người công nhân đường dây phải là một cán bộ dân vận tốt. Vì đường dây trải dài, qua nhiều vùng xa dân cư, do vậy công tác tuyên truyền, xã hội hóa bảo vệ đường dây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi. Thực tế, nhiều vụ việc xâm hại đường dây được nhân dân giúp phát hiện, ngăn chặn và thông báo kịp thời nhờ làm tốt công tác dân vận.

Hai mươi năm trong nghề, đến nay chúng tôi cũng đã được gọi là lớp đàn anh của Truyền tải rồi. Đã có nhiều đồng nghiệp lớn tuổi hơn, sức khỏe không cho phép để thử sức, để chinh phục trên đỉnh cao của cột nữa, đường đồi dốc như cao hơn, khoảng dây như xa hơn,… Một thời mọi cái đều mới mẻ, phương tiện còn nhiều thô sơ, nhưng chúng tôi luôn tự hào vì đã được cống hiến sức trẻ, bằng sự sáng tạo nhanh chóng làm chủ thiết bị, quản lý vận hành hệ thống lưới điện 500 kV mạch 1 rồi mạch 2 và nhiều đường dây 200 kV sau này nữa. Những kinh nghiệm có được từ thực tế công việc chúng tôi chia sẻ cho thế hệ đàn em. Không những truyền nghề mà truyền cả lửa - ngọn lửa tình yêu, niềm đam mê với công việc và niềm tự hào vì là “lính đường dây” nữa.

Chắc chắn rằng, tôi cũng như các đồng nghiệp luôn mong muốn EVN NPT sẽ không ngừng lớn mạnh, được đầu tư trang thiết bị, phương tiện dụng cụ hiện đại, an toàn hơn,… Lớp lớp thế hệ công nhân truyền tải được nối tiếp kế thừa truyền thống tốt đẹp, được đào tạo có trình độ ngày càng cao tiếp cận, nắm bắt và làm chủ công nghệ tiên tiến, hiện đại góp phần xây dựng EVN NPT có vị thế chủ đạo, xứng đáng với vai trò truyền tải điện cân bằng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Ông Trần Việt Hùng – Văn phòng Công ty Truyền tải điện 3: Khâm phục “lính truyền tải”

Nhắc đến công nhân điện, mọi người thường nghĩ ngay đến những người thợ điện trong trang phục vàng cam đi lắp công tơ, sửa chữa lưới điện trong thành phố. Trong khi đâu đó còn có bóng dáng công nhân truyền tải điện, những người thường xuyên phải làm việc trong điều kiện địa hình rừng núi khó khăn, hiểm trở, xa dân cư.

Là người làm công tác tuyên truyền tại đơn vị, công việc đòi hỏi thường xuyên có mặt tại công trường, hình ảnh người “lính truyền tải” dường như luôn thường trực trong tâm trí tôi. Đó có thể là hình ảnh những người thợ vất vả trên tuyến hay niềm vui của anh em công nhân khi công trình đã hoàn thành. Ghi lại những khoảnh khắc đó, tôi càng cảm thông, cảm phục ý chí, nghị lực và tình yêu nghề, yêu ngành của họ.

Có thể khẳng định, vất vả và khó khăn là đặc thù chung của công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải cả nước, nhưng với mỗi miền đất, mỗi vùng khí hậu lại có những khó khăn, khắc nghiệt riêng. Công ty Truyền tải điện 3 quản lý vận hành lưới điện trên địa bàn 11 tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Công tác quản lý vận hành càng thêm khó khăn bởi sự khác biệt và khắc nghiệt của 2 vùng khí hậu trên địa bàn này.

Với các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, do ảnh hưởng của biển nên thường xuyên có sương muối, mưa kèm theo vị mặn của biển khiến cho các thiết bị trên lưới chịu ảnh hưởng bào mòn. Trong khi đó, các tỉnh Tây Nguyên với đặc thù địa chất là vùng đất đỏ bazan, vào mùa khô thì nắng nóng, bụi bẩn, mùa mưa thì mưa như trút nước, lầy lội. Dường như không có định nghĩa về màu trắng trên vùng đất này. Chỉ cần 1 cơn gió nhẹ qua thôi, cái áo trắng cũng trở thành màu vàng đỏ. Những biến đổi thất thường về khí hậu, thời tiết và địa chất của vùng đất Tây Nguyên đã gây không ít những khó khăn cho công tác quản lý vận hành của Công ty Truyền tải điện 3.

Vì vậy, tôi mong muốn Đảng và Nhà nước, cũng như toàn ngành Điện quan tâm ủng hộ EVN NPT phát triển hơn nữa trong tương lai. Tạo điều kiện để áp dụng những công nghệ khoa học tiên tiến trên thế giới vào công tác quản lý vận hành. Đồng thời, tạo điều kiện cho CBCNV của EVN NPT học tập những kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới để giúp cho công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải được thuận lợi hơn.

Ông Đinh Ngọc Chiến - Kỹ sư điện, Xưởng Bảo trì thí nghiệm, Công ty Truyền tải điện 4: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?”

Đối với tôi, một người lính truyền tải phải là người có tâm huyết, say mê với công việc của mình, phải có tinh thần cầu tiến, phải thường xuyên đầu tư trau dồi kiến thức, phải có sự hiểu biết sâu về lưới truyền tải điện,…

Khoa học công nghệ áp dụng trong vận hành lưới truyền tải điện liên tục phát triển, đòi hỏi mỗi người lính chúng tôi là những người trực tiếp sản xuất phải liên tục nỗ lực phấn đấu vươn lên làm chủ công nghệ thì mới đáp ứng được công việc của lưới truyền tải điện Quốc gia đang quản lý, mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó, đó là đảm bảo vận hành lưới truyền tải điện Quốc gia luôn an toàn và liên tục.

Những người lính truyền tải như chúng tôi luôn sẵn sàng “chiến đấu” để giữ vững đường dây truyền tải điện Quốc gia với bất cứ thời điểm nào, bất cứ nơi nào, không kể ngày đêm và những ngày nghỉ lễ, tết,… chẳng hạn như thi công xây dựng các công trình phát triển lưới điện, tăng cường công suất, các công trình trọng điểm và nổi bật cấp bách tiến độ, chúng tôi gặp rất nhiều những khó khăn với khối lượng công việc rất lớn, áp lực tiến độ thời gian thi công gấp rút,… Bên cạnh đó, các yếu tố khách quan như mặt bằng, địa hình thi công chật hẹp, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, mưa nắng, môi trường độc hại… Thay vì nghỉ ngơi, sum họp với gia đình, người thân, thì chúng tôi luôn sẵn sàng ứng trực xử lý sự cố ngoài, sự cố đột xuất…

Tuy vậy, với tinh thần đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể, là “người lính”, mỗi chúng tôi luôn ý thức và quyết tâm trong từng công việc mà mình đang đảm nhận. Có một câu hát mà tôi rất tâm đắc, đó là: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng / gian khổ biết dành phần ai?”

Tôi mong muốn điều kiện và môi trường làm việc của những người lính truyền tải sẽ ngày càng được cải thiện và có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp hơn nữa.
 


  • 09/07/2013 10:58
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 4942


Gửi nhận xét