Liên quan đến vụ 7 học sinh bị nước cuốn trôi: Không phải do thủy điện xả lũ

Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ tại nạn đáng tiếc xảy ra với 7 học sinh bị nước cuốn trôi tại khu vực hạ du đập Thủy điện Bản Chát vào sáng 13/4/2014 (6 học sinh đã được cứu thoát và cháu Sùng Thị Dở ở xã Ta Gia, huyện Than Uyên, Lai Châu tử vong), Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã có chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty Thủy điện Huội Quảng – Bản Chát và các đơn vị liên quan phối hợp với chính quyền địa phương khắc phục sự cố, tìm kiếm nạn nhân.

Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xả nước

Ngày 17/4/2014, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo giải quyết và thăm hỏi, động viên gia đình học sinh bị nạn.

Báo cáo với Đoàn kiểm tra, ông Đặng Việt Thắng - Giám đốc Công ty Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát cho biết: Nhà máy Thủy điện Bản Chát có 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 200 MW, vận hành thương mại từ tháng 3/2013. Từ đó đến nay, Công ty luôn thực hiện đầy đủ các quy trình liên quan đến bảo đảm an toàn hồ, đập, bảo đảm cuộc sống của người dân khu vực Dự án như: Quy trình vận hành hồ chứa, thành lập Ban chỉ huy PCLB của Công ty; thành lập đội xung kích; lập phương án PCLB vùng hạ du… Đặc biệt, đã xây dựng Quy chế phối hợp vận hành điều tiết chống lũ hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Đà giữa Công ty và Công ty Thủy điện Sơn La.

Công ty cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền cho nhân dân vùng hạ du về các nội dung trên, đồng thời, thông báo rõ quy trình, kế hoạch khởi động, phát điện và dừng phát điện theo lệnh của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (thứ 3 từ phải sang)  kiểm tra quy trình vận hành hồ chứa của Thủy điện Bản Chát - Ảnh CTV

“Công ty cũng đầu tư xây dựng hệ thống loa cảnh báo để thông báo cho người dân thời điểm xả nước phát điện, cùng với việc thông báo xả nước bằng văn bản, fax, email hoặc gọi điện thoại cho đại điện chính quyền hoặc các công trình bậc thang phía dưới đập” - ông Thắng cho biết.

Liên quan đến vụ việc đáng tiếc xảy ra ngày 13/4/2014, ông Thắng khẳng định, Nhà máy vận hành bình thường theo đúng lệnh của A0. Cụ thể, tổ máy 1 phát điện công suất 100 MW từ 7h20 - 11h45’ và tổ máy 2 phát công suất 100 MW từ 7h45 – 11h45’.

“Đến 11h30’ cùng ngày, Công ty nhận được thông báo của UBND huyện Than Uyên về việc có người chết đuối trên sông Nậm Mu, phía hạ lưu đập thủy điện và đề nghị Công ty dừng phát điện”- ông Thắng khẳng định: “Công ty đã chấp hành nghiêm yêu cầu của chính quyền và phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện ngay các giải pháp cứu hộ”.

Về nguyên nhân vụ việc, phân tích từ việc khảo sát hiện trường ngay sau vụ tại nạn, ông Đặng Việt Thắng cho biết, vị trí các em học sinh nói trên lội qua sông có lòng sông rất rộng, khoảng 200 - 250 mét với nhiều tảng đá lớn khiến khả năng cơ động thoát hiểm khó khăn. Trong khi đó, phía trên và dưới vị trí tai nạn không xa đều có đò ngang hoạt động nhưng các học sinh nói trên không sử dụng. Hơn nữa, kết quả từ việc xả nước phát điện để kiểm tra cho thấy, để nước chảy từ nhà máy đến vị trí tai nạn cần khoảng 1 giờ 49 phút. Trong khi đó, theo quan sát, khi vận hành một tổ máy, mực nước trên sông dâng lên rất chậm, còn khi phát cả hai tổ máy, nước dềnh lên nhanh hơn nhưng không đột ngột và tổng thời gian nước dềnh lên độ cao lớn nhất khi phát cả hai tổ máy là  khoảng 45 phút. Như vậy, hoàn toàn không phải việc xả nước vận hành hai tổ máy của Nhà máy Thủy điện Bản Chát là nguyên nhân trực tiếp gây nên vụ tai nạn đáng tiếc nói trên.

Đồng thuận với ý kiến trên, ông Lường Thuận Diên- Bí thư Đảng ủy xã Ta Gia (huyện Than Uyên) cho biết: Ta Gia có 14 thôn bản nằm ở cả hai bên bờ sông Nậm Mu, tần suất qua sông của người dân đi làm, đi học là khá lớn, chính vì vậy, ngay từ khi hoạt động, năm nào Công ty cũng phối hợp tổ chức tuyên truyền về nguy cơ tai nạn cũng như lịch trình phát điện của nhà máy cho bà con. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người dân, nhất là các cháu nhỏ chưa ý thức đầy đủ về mối nguy hiểm này.

Còn ông Phan Bá Quyết- Chủ tịch UBND huyện Than Uyên nhấn mạnh: Từ phân tích thực địa vị trí xảy ra tai nạn cùng với việc kiểm tra, đối chiếu các dữ liệu về lịch xả lũ, phát điện của Nhà máy có thể thấy, nguyên nhân vụ tai nạn không phải do Nhà máy xả nước sai quy định.

Rà soát lại toàn bộ quy trình vận hành

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đánh giá cao nỗ lực cũng như sự phối hợp kịp thời, hiệu quả của Nhà máy Thủy điện Bản Chát và các cấp chính quyền địa phương trong việc cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân và động viên, chia sẻ với thân nhân người bị nạn. “Đây là sự phối hợp kịp thời, thể hiện trách nhiệm cao của chính quyền địa phương và doanh nghiệp, dù chưa biết nguyên nhân chính xác của vụ việc”- Bộ trưởng nói.

Từ thực tế vận hành theo quy trình của Nhà máy theo lệnh của Trung tâm A0, Bộ trưởng chỉ đạo EVN, Tổng công ty Phát điện 3 và Công ty Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát cần có phương án xử lý thích hợp để đảm bảo lịch phát điện đi dần vào ổn định. “Tôi đề nghị các đơn vị có liên quan của Bộ Công Thương phối hợp với EVN và các đơn vị khác thực hiện ngay việc rà soát lại toàn bộ quy trình vận hành hồ chứa trong cả mùa khô và mùa mưa đối với Thủy điện Bản Chát và trong mối liên hệ với các hồ khác ở khu vực để phát hiện sự bất hợp lý, nếu có phải sửa đổi, bổ sung ngay. Trong quá trình đó phải lấy ý kiến của địa phương”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu kiểm tra, rà soát và đánh giá lại hiệu quả công tác cảnh báo nguy hiểm cho người dân các xã vùng hạ du vì theo Bộ trưởng, vùng hạ du đập thủy điện khá rộng, đông dân, song chỉ có một hệ thống còi báo động là chưa đủ. “Nhà máy đã có hệ thống còi báo động, đã thực hiện thông báo bằng nhiều hình thức trước khi phát điện, nhưng những biện pháp đó chủ yếu tập trung cho hoạt đông xả lũ, còn trong trường hợp không phải xả lũ mà là vận hành bình thường với tần suất đóng, mở thường xuyên thì những biện pháp trên là chưa đủ mà cần có thêm giải pháp” – Bộ trưởng chỉ đạo

Cũng theo Bộ trưởng, để đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng, tài sản của nhân dân vùng hạ du đập thủy điện, ngoài những biện pháp đã, đang và sẽ thực hiện, ngoài nỗ lực của EVN và các đơn vị trực thuộc thì vai trò, sự phối hợp của các cấp chính quyền địa phương là hết sức quan trọng.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng kết luận: “Từ các phân tích, đánh giá nguyên nhân, tôi đề nghị EVN khẩn trương có báo cáo chính thức về vụ việc trên, đề nghị UBND Tỉnh có ý kiến để Bộ Công Thương có cơ sở kết luận chính thức nguyên nhân dẫn đến tai nạn nói trên, để báo cáo đến các cơ quan cấp trên, đồng thời, thông báo đến các cơ quan ngôn luận góp phần để dư luận nhìn nhận đúng bản chất sự việc”.

Thay mặt cho Lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã gửi lời động viên, chia sẻ mất mát với thân nhân gia đình cháu Sùng Thị Dở và ủng hộ gia đình 20 triệu đồng. Bộ trưởng cũng đề nghị địa phương và Bộ Công Thương có hình thức khen thưởng kịp thời đối với 2 người dân đã tham gia cứu sống 6 học sinh trong vụ tai nạn.


  • 21/04/2014 10:22
  • Theo Báo Công Thương
  • 2550


Gửi nhận xét