Lấy nước gieo cấy vụ Đông Xuân, đừng để "quàng chân lên cổ"

Năm nào cũng vậy, trong khi hầu hết các tỉnh Đồng bằng sông Hồng gần như đã cơ bản lấy đủ nước trong 2 đợt đầu để gieo cấy vụ Đông Xuân thì Hà Nội và Vĩnh Phúc vẫn phải “quàng chân lên cổ” trông vào đợt xả nước bổ sung lần 3 của thủy điện.

Theo Tổng cục Thủy lợi, tính đến cuối tuần qua, khoảng gần 78% diện tích gieo cấy vụ Đông Xuân ở vùng Đồng bằng sông Hồng đã lấy đủ nước trong 2 đợt xả nước đầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Một số địa phương hiện đã có diện tích đủ nước cao là Hải Phòng (100%), Hà Nam (100%), Thái Bình (98,26%), Ninh Bình (94,15%), Nam Định (89,63%), Phú Thọ (89,43%), Hưng Yên (89,26%)… Theo kế hoạch, đợt xả nước lần 3 của EVN sẽ kéo dài từ 0h ngày 6/2 cho tới 24h ngày 13/2.

Đây cũng là đợt xả nước kéo dài nhất trong 3 đợt xả (8 ngày). Đáng nói, hiện chỉ còn một số tỉnh “có truyền thống” lấy nước chậm như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh là còn phải trông chờ vào đợt xả nước lần 3 này mà thôi.

Đoàn công tác Tổng cục Thủy lợi kiểm tra công tác chuẩn bị lấy nước đợt 3 tại Vĩnh Phúc

Hiện tại, Hà Nội là địa phương có tỉ lệ lấy nước gieo cấy đạt thấp nhất (gần 56%), tiếp theo là Vĩnh Phúc (61%), Bắc Ninh (71%) và còn phải trông chờ vào đợt xả nước lần 3.

Theo thống kê của EVN, với 3 đợt xả nước phục vụ đổ ải cho các tỉnh hạ nguồn, trung bình mỗi năm các hồ thủy điện hụt đi cỡ 4 - 5 tỉ m3 nước. Nhu cầu lấy nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là vô cùng cần thiết.

Với tình hình tích nước của các hồ thủy điện thượng nguồn ngày càng khó khăn, việc các hồ thủy điện phải xả nước bổ sung lần 3 kéo dài hàng tuần, trong đó chỉ để phục vụ cho việc lấy nước gieo cấy của một vài tỉnh phía hạ nguồn, còn đâu trôi hết ra biển là hết sức lãng phí.

Tại buổi làm việc kiểm tra tình hình chuẩn bị lấy nước đợt 3 tại tỉnh Vĩnh Phúc vào cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cũng đã thẳng thắn cho rằng: Hệ thống các trạm bơm lấy nước dọc sông Hồng, nhất là các tỉnh như Hà Nội, Vĩnh Phúc được xây dựng từ nhiều chục năm trước khi mực nước sông Hồng còn ở mức cao. Cùng với sự xây dựng của các nhà máy thủy điện thượng nguồn, mực nước sông Hồng hiện nay đã ổn định ở mức thấp nên các trạm bơm chỉ có thể lấy nước khi các hồ thủy điện xả nước ở lưu lượng cao. Trước đây, các tỉnh khó khăn về lấy nước đã phải tạm thời khắc phục bằng các trạm bơm dã chiến. Tuy nhiên về lâu dài, giải pháp căn cơ các tỉnh vẫn phải xây dựng bổ sung các trạm bơm mới với thiết kế miệng cống lấy nước phải đặt ở mực thấp để có thể lấy được nước sông Hồng ngay cả khi các hồ chứa không xả nước tăng cường.

Đối với xả nước phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân, ông Thắng cho rằng tới đây, sẽ phải nghiên cứu làm sao xả ít đợt, ít nước hơn, thậm chí không xả đợt 3 nữa mà các địa phương vẫn lấy đủ nước. Trạm bơm Đại Định mới đang được thi công phần móng “Nhu cầu lấy nước phục vụ nông nghiệp là quanh năm, chứ không chỉ phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân. Vì vậy cần phải hoàn thiện hệ thống trạm bơm, kênh mương theo hướng để có thể lấy nước được quanh năm. Bên cạnh đó, về lâu dài các diện tích khó khăn quá về nước tưới thì phải nghiên cứu chuyển đổi cây trồng chứ không nhất thiết cứ phải trồng lúa”, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng lưu ý.

Trạm bơm Đại Định mới đang được thi công phần móng

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Phong, Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc cho biết: Bên cạnh việc thường xuyên khó khăn trong lấy nước đổ ải vụ Đông Xuân, Vĩnh Phúc còn thường xuyên khó khăn về nước tưới dưỡng sau khi cấy. Để khắc phục, tỉnh này đã tận dụng các đợt xả nước của EVN và huy động các trạm bơm trữ nước vào hệ thống kênh mương dọc hệ thống sông Phan, sông Cà Lồ để “dùng dần”, tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Theo ông Phong, để chủ động việc lấy nước, không phụ thuộc vào các đợt xả nước của EVN, hiện tại UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi công dự án xây dựng 3 trạm bơm bổ sung bên cạnh các trạm bơm cũ tại trạm bơm Bạch Hạc, Liễu Trì và Đại Định, với kinh phí khoảng 100 tỉ đồng. Các trạm bơm mới sẽ đổ nước vào kênh chính của trạm bơm cũ, và có thể lấy nước sông Hồng trong bất kỳ thời điểm nào, kể cả khi EVN không xả nước.

“Hiện tại, 3 trạm bơm mới đã được thi công phần móng. Khi các trạm này đi vào hoạt động, từ vụ Đông Xuân năm sau, Vĩnh Phúc sẽ không còn phải trông chờ vào các đợt xả nước của thủy điện nữa”, ông Phong cho biết.


  • 09/02/2017 09:54
  • Theo nongnghiep.vn
  • 9520