Lấy chủ động phòng chống là chính

Câu chuyện về đảm bảo an toàn lưới điện truyền tải trong mùa mưa bão tuy không mới nhưng luôn “nóng”. Đặc biệt trước diễn biến bất thường của thời tiết trong năm 2015, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia yêu cầu các đơn vị thành viên không được chủ quan, phải chủ động phòng chống, ứng phó kịp thời với mọi tình huống. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Tùng - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Theo bản tin đặc biệt về El Nino và nhận định xu thế thời tiết, thủy văn từ tháng 9/2015 đến tháng 2/2016 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, số cơn bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta sẽ ít hơn TBNN. Vậy việc chuẩn bị và thực tế ứng phó với bão lũ của EVNNPT trong mùa mưa bão năm nay có khác biệt gì so với mọi năm, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Vâng, thông tin này có thể xem là một tín hiệu tốt đối với hệ thống điện nói chung cũng như lưới truyền tải của EVNNPT và các đơn vị thành viên. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng tôi được phép lơ là, chủ quan, thiếu cảnh giác. Bởi lẽ, đối với El Nino 2015 kéo dài nhất trong lịch sử 60 năm qua, thời tiết diễn biến rất bất thường. Thực tế đã cho thấy, trong khi khô hạn kéo dài và diễn ra trên diện rộng tại các tỉnh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên thì một số địa phương lại xảy ra những đợt mưa trái mùa lớn nhất trong lịch sử như khu vực Thừa Thiên – Huế đến Quảng Ngãi (tháng 3/2015), Quảng Ninh (tháng 7/2015). Một số khu vực ở thành phố Hồ Chí Minh bị mưa rất to gây ngập úng cục bộ ảnh hưởng đến vận hành an toàn trạm. Áp lực đối với EVNNPT và các đơn vị thành viên là vừa đảm bảo truyền tải công suất cao từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam, vừa phải tập trung nhân lực và chuẩn bị thiết bị, vật tư đối phó với mưa lũ ở phía Bắc. Đến thời điểm này, chưa có sự cố lớn nào xảy ra, làm gián đoạn tình hình cung ứng điện.
 
Cũng trong năm El Nino kéo dài, còn có khả năng làm xuất hiện các đợt lũ quét, sạt lở đất và các cơn bão xuất hiện đột biến, không tuân theo quy luật thông thường hàng năm. Trong khi đó, từ nay đến cuối năm 2015, công suất truyền tải điện trên đường dây 500 kV Bắc – Nam tiếp tục tăng cao và cao nhất vào các tháng cuối năm. Trong trường hợp xảy ra dù chỉ một sự cố rất nhỏ sẽ ảnh hưởng đến huyết mạch của hệ thống điện quốc gia, làm gián đoạn tình hình cung ứng điện cho các vùng miền của đất nước. Vì vậy, dù ít hay nhiều bão, EVNNPT luôn xác định không lơ là, chủ quan, chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp ứng phó, kể cả trong các tình huống xấu nhất nhằm đảm bảo vận hành an toàn lưới điện truyền tải.
 
PV: Cụ thể đó là những giải pháp nào, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Ngay từ đầu năm 2015, EVNNPT và các đơn vị thành viên đã đánh giá, tổng kết công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả lũ, bão, thiên tai năm 2014, rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện phòng chống lụt bão năm 2015. Đồng thời, củng cố, kiện toàn tổ chức Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn EVNNPT và các đơn vị trực thuộc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; 7/7 đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai năm 2015 cụ thể, chi tiết, sát với thực tế, phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng đơn vị theo phương châm “4 tại chỗ”.
 
Cuối tháng 03/2015, EVNNPT và các đơn vị cũng đã hoàn thành công tác kiểm tra, sửa chữa thiết bị, công trình, nhà xưởng, kho tàng…, khắc phục kịp thời những tồn tại của thiết bị, đường dây, trạm điện (đặc biệt tại các địa bàn xung yếu, các cột điện đường dây ở các vị trí có nguy cơ bị sạt lở, trạm biến áp dễ bị ngập lụt...) đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão, lũ. Trong đó, đặc biệt lưu ý công tác kiểm tra, gia cố để các mái tôn không bị cuốn bay khi có gió bão, lốc gây nguy hiểm, mất an toàn cho người và thiết bị, trường hợp không đảm bảo an toàn thì phải có giải pháp xử lý ngay. 
 
EVNNPT còn yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm chỉnh chế độ trực ban và báo cáo theo đúng quy định; đảm bảo thông tin được liên lạc thông suốt trong mọi tình huống, phục vụ chỉ đạo, điều hành; đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người trong phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão, thiên tai. Tăng cường phối hợp giữa Ban chỉ huy PCLB ở các đơn vị với Ban chỉ huy PCLB, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng ở địa phương và với đơn vị trên cùng địa bàn.
 

Ông Nguyễn Tuấn Tùng ( áo trắng, thứ 2 từ trái qua) kiểm tra công tác quản lý vận hành lưới điện mùa mưa bão - Ảnh: Quang Thắng

 

PV: Có thể nhận thấy một số kịch bản được xem là “cố định” hàng năm. Vậy, mùa mưa bão năm nay, EVNNPT xác định đâu là giải pháp trọng tâm, thưa ông?

Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Hàng năm, câu chuyện về ứng phó với mùa mưa bão, đảm bảo vận hành an toàn lưới điện truyền tải không phải là mới, nhưng luôn “nóng” bởi mưa bão vẫn thường xuyên xảy ra và ngày càng phức tạp, khó lường. Vì vậy, bên cạnh những giải pháp được xem là “bất di bất dịch” hàng năm, EVNNPT còn xây dựng các kịch bản mới, ứng phó kịp thời với diễn biến của thời tiết. Năm 2015, để chủ động đối phó với thiên tai, EVNNPT thực hiện theo phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng, chống là chính”. 
 
Bên cạnh đó, rút kinh nghiệm năm 2014, EVNNPT đã thường xuyên bổ sung, sửa đổi các phương án cho phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, diễn biến mưa bão. tăng cường hơn nữa sự phối hợp, trợ giúp của các đơn vị trong cùng Tổng công ty hoặc yêu cầu chi viện từ các đơn vị bạn nằm ngoài vùng ảnh hưởng để khắc phục nhanh chóng hậu quả thiên tai, bão lụt.
 
Ngoài ra, sự đồng thuận và chia sẻ nỗ lực khắc phục khó khăn trong công tác phòng chống lụt bão của người dân cũng là động lực để EVNNPT và các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, kịp thời ứng phó với mưa bão, đảm bảo vận hành an toàn hệ thống lưới điện truyền tải của quốc gia.
 
PV: Để đảm bảo an toàn hệ thống điện quốc gia trong mùa mưa bão, lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia làm gì để chia sẻ khó khăn đó với lực lượng công nhân truyền tải điện?
 
Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Xác định công việc đảm bảo an toàn lưới điện truyền tải dù trong mùa nắng nóng hay mưa bão vẫn luôn đặc biệt khó khăn, lãnh đạo Tổng công ty luôn sẵn sàng có mặt tại hiện trường, chỉ đạo, phối hợp cùng anh em truyền tải điện kiểm tra, nhanh chóng khắc phục sự cố và kịp thời khen thưởng, động viên để mọi người hoàn thành tốt nhiệm vụ. Gian nan, vất vả là vậy, nhưng đó cũng là trách nhiệm cao cả của những người giữ cho dòng điện an toàn, liên tục. 
 
PV: Xin cảm ơn ông! 
 
Một số cơn bão lớn gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành Điện từ năm 2012 đến 2014 
 

Năm

Cơn bão

Ảnh hưởng đến các nhà máy điện

Thiệt hại đối với hệ thống lưới điện

2012

Bão số 8 (Sontinh) Đổ bộ vào VN và gây thiệt lại lớn cho các tỉnh, thành phố Bắc bộ

 

Nhà máy nhiệt điện Uông Bí bị đứt dây dẫn trong giàn phân phối trạm 220kV; tổ máy 300 MW phải tách khỏi vận hành.

 

 

- Gây sự cố trên 2 đường dây 220 kV, 29 đường dây 110 kV, 7 TBA 110 kV.

- 355 đường dây trung thế và hàng nghìn cột điện hạ thế bị gãy đổ.

 

2013

Bão số 10 (Wutip): Đổ bộ vào VN và gây thiệt lại lớn cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên

8 nhà máy thủy điện phải xả điều tiết và xả lũ gồm: Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp, Srepốk 3, Pleikrông, Sông Ba Hạ, Ialy, Sê San 3 và Sê San 4.

 

- 2 đường dây 500 kV, 4 đường dây 220 kV và 7 đường dây 110kV bị sự cố.

- 21 TBA 110 kV bị mất điện.

- 191 đường dây trung thế, 7.530 TBA phân phối gặp sự cố; hàng nghìn cột điện hạ thế bị gãy, đổ.

- 873 xã ở 57 huyện của khu vực miền Trung - Tây Nguyên bị mất điện.

Bão số 11 (Nari): Đổ bộ vào VN và gây thiệt hại lớn cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên

Các hồ thủy điện vận hành bình thường

- 2 đường dây 500 kV, 2 đường dây 220 kV, 10 đường dây 110 lV bị sự cố.

- 296 đường dây trung thế; 15.091 TBA phân phối bị mất điện, hàng nghìn cột điện hạ thế bị gãy, đổ.

 - 1.358 xã bị mất điện.

Bão số 14 (Haiyan): Đổ bộ vào VN và gây thiệt lại lớn cho các địa phương từ Quảng Ninh đến Quảng Nam

 

 6 hồ thủy điện xả điều tiết gồm: Quảng Trị, A Lưới, Buôn Kuốp, A Vương, Vĩnh Sơn, Sông Ba Hạ.

 

- 2 đường dây 220kV, 16 đường dây 110 kV, 01 TBA 110 kV bị sự cố.

- 359 lộ đường dây của khu vực miền Bắc bị sự cố; một số lộ đường dây của khu vực miền Trung phải sa thải phụ tải nhằm đảm bảo an toàn cung cấp điện.

 

2014

Bão số 3 (Kalmaegi): Đổ bộ vào VN và gây thiệt hại cho các tỉnh, thành phố phía Bắc

- 2 nhà máy nhiệt điện Uông Bí và Hải Phòng bị ảnh hưởng: Một số tấm tôn và bản lề cửa bị bong rời, không ảnh hưởng vận hành.

 

- Đường dây truyền tải 500 kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa bị sự cố thoáng qua; 10 đường dây 110 kV và 4 TBA 110 kV bị mất điện.

- 296 đường dây trung áp bị sự cố.

 

 

Tổng hiệt hại do bão, lũ gây ra với ngành Điện tính theo giá trị từ 2012 đến tháng 8/2015 

Năm

Thiệt hại

2012

Hơn  310 tỷ đồng

2013

Hơn 330 tỷ đồng

2014

Hơn 55 tỷ đồng

8 tháng năm 2015

Hơn 106 tỷ đồng

 
 


  • 05/11/2015 09:48
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 3445


Gửi nhận xét