Lạm bàn về cấp than cho sản xuất điện

Trong bối cảnh giá than thế giới đang giảm sâu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ cho phép bán than trong nước cho sản xuất điện được thực hiện theo cơ chế thị trường, đồng thời, EVN được chủ động nhập khẩu than cho các dự án điện mà EVN đầu tư.

3 lý do chính được EVN đưa ra: Thứ nhất, hiện nay giá than trong nước cao hơn giá than nhập khẩu; Thứ 2 là chất lượng than trong nước không ổn định; Thứ 3, rất quan trọng là năng lực vận chuyển của ngành Than còn có những hạn chế nhất định. Vì vậy, EVN và các chủ đầu tư mong muốn được thiết lập giá than theo cơ chế thị trường. Thời gian tới, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng không cấp đủ sản lượng than đáp ứng nhu cầu của các dự án nhiệt điện than. Điều này đã được chỉ ra trong Quyết định số 403/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/9/2016 phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét đến năm 2030. 

Từ năm 2017 sẽ nhập khẩu than

Theo ông Nguyễn Khắc Thọ - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương, năm 2017 dự kiến sẽ phải nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn than cho sản xuất điện và sẽ tăng dần lên khoảng 70 triệu tấn vào năm 2030. Mặc dù, Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã giảm bớt nguồn nhiệt điện than và tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo (như điện gió, mặt trời…), song nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu nguồn điện và là giải pháp chủ đạo, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong dài hạn (cụ thể, đến năm 2020, nhiệt điện than chiếm khoảng 40 - 43% và sẽ đạt khoảng 50% vào năm 2030). 

Vì vậy, để đảm bảo cung cấp đủ than cho các dự án nhiệt điện, Bộ Công Thương đang xây dựng Đề án cấp than cho điện theo từng giai đoạn. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã cho TKV và PVN được nhập khẩu than cho các nhà máy điện. Đối với EVN, Bộ Công Thương cũng đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ cho phép EVN được nhập khẩu than cho một số nhà máy, như Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng và Vĩnh Tân 4…” - ông Nguyễn Khắc Thọ cho biết.

Đảm bảo cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện được đặt ra cấp bách

Cần chiến lược dài hạn

PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam – Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho rằng, để các nhà máy nhiệt điện than hoạt động ổn định, hiệu quả cần phải có nguồn cung ứng than với khối lượng lớn, ổn định và lâu dài. Điều đó đòi hỏi phải có sự chuẩn bị sẵn sàng  từ khâu xác định nhu cầu (kể cả dự phòng trong trường hợp nhu cầu sử dụng than tăng đột biến), xây dựng kế hoạch đầu tư, lập, phê duyệt và triển khai dự án xây dựng khai thác các mỏ than, đến việc chuẩn bị hệ thống vận chuyển, bốc dỡ, cảng biển, kho bãi... đảm bảo việc cung ứng than không bị gián đoạn.

Chính phủ, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo, xây dựng đề án cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện và giao nhiệm vụ cung cấp than ổn định, lâu dài cho các đơn vị chủ lực là TKV và Tổng công ty Đông Bắc - Bộ Quốc phòng (TCT Đông Bắc) trên cơ sở thỏa thuận giữa các đơn vị nhiệt điện than và các đơn vị cung cấp than theo cơ chế thị trường. Chính phủ cũng đã đề ra mục tiêu và định hướng phát triển nhiệt điện than trên cơ sở khai thác tối đa nguồn than trong nước cho phát triển các nhà máy nhiệt điện, ưu tiên sử dụng than trong nước cho các nhà máy nhiệt điện khu vực miền Bắc. “Do nguồn than sản xuất trong nước hạn chế, cần xây dựng một số nhà máy nhiệt điện tại các trung tâm điện lực: Duyên Hải, Long Phú, Sông Hậu, Long An… sử dụng nguồn than nhập khẩu”, PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam - Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) dẫn chứng.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Hồng Nguyên - Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư mỏ và Công nghiệp - Vinacomin (đại diện đơn vị trực tiếp nghiên cứu thiết kế Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam), để giải quyết giá than cho điện thì không chỉ một mình ngành Than làm. Ở đây phải giải quyết cả các điểm nút của ngành Điện. “Vì chúng ta là DNNN hoạt động trong nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Về nguyên tắc, doanh nghiệp thì phải bảo toàn được vốn, có lợi nhuận. Nhưng hiện nay, các DNNN ngoài việc hoạt động có lãi, còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, đảm bảo chính sách an sinh xã hội. Ví dụ, EVN phải đảm bảo cấp điện cho các xã đồng bào vùng cao, hải đảo… Chính vì vậy, than cung cấp cho EVN cũng không thể phân biệt phần nào dành cho phát triển thị trường hoàn toàn… Vậy, muốn giải quyết được giá bán than thì phải bắt đầu từ giá điện…”, ông Đỗ Hồng Nguyên - Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư mỏ và Công nghiệp - Vinacomin phân tích.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay giá than trong nước bán cho điện đang cao hơn giá than nhập khẩu. Tuy nhiên, đây chỉ là trong ngắn hạn. Nếu không có tầm nhìn chiến lược thì rất khó có thể chủ động được nguồn nhiên liệu cho sản xuất cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Để khắc phục tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương thành lập Ban Chỉ đạo nhập khẩu than, với mục tiêu thu xếp nguồn than, đảm bảo đáp ứng đủ than cho các hộ tiêu thụ trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện theo đúng Quy hoạch điện VII điều chỉnh. 

Phát triển nhiệt điện than theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh (Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ):

Năm

2020

2025

2030

Tổng công suất (MW)

26.000

47.600

55.300

Sản lượng điện sản xuất (tỷ kWh)

131

220

304

Tỷ trọng trong tổng sản lượng điện sản xuất (%)

49,3

55

53,2

Sản lượng than tiêu thụ (triệu tấn)

63

95

129

TS Nguyễn Thành Sơn - Nguyên Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng: Để đảm bảo đủ than cho sản xuất điện, đồng thời đưa giá điện về đúng với giá thị trường thì phải “xóa hẳn cơ chế bù chéo”. Nên mạnh dạn đưa giá than bán cho điện theo cơ chế thị trường, cho phép các nhà đầu tư được chủ động tìm nguồn than cho các dự án điện của họ.

 


  • 26/10/2016 01:59
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 10667