LS Vi Văn Diện, Đoàn luật sư TP.Hà Nội: Chống đối nhân viên điện lực làm nhiệm vụ, là chống đối người thi hành công vụ

Trong thời gian vừa qua liên tiếp có những vụ việc chống đối, cản trở, thậm chí tấn công gây thương tích cán bộ điện lực làm công tác kiểm tra tổn thất điện năng. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Vi Văn Diện, Đoàn luật sư TP.Hà Nội về vấn đề này.

Luật sư Vi Văn Diện

PV: Xin ông cho biết, trường hợp nhân viên điện lực được giao nhiệm vụ đi kiểm tra an toàn đường điện, tổn thất điện năng thì có được coi là người đang thi hành công vụ?

LS Vi Văn Diện: Việc nhân viên đi kiểm tra an toàn điện, tổn thất điện năng, nếu là công việc, nhiệm vụ được giao, thì khách thể trong quan hệ này đã đáp ứng được yêu cầu đối với người thi hành công vụ. Tức là, nhân viên điện lực đó được coi là người đang thi hành công vụ.

PV:  Vậy các hành vi chống đối, cản trở, thậm chí là nhốt nhân viên điện lực đi kiểm tra tổn thất điện năng thì có được coi là các yếu tố cấu thành tội chống người thi hành công vụ?

LS Vi Văn Diện: Điều 257 Bộ luật Hình sự quy định, hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác nhằm cản trở công việc của người thi hành nhiệm vụ, chức trách được giao là hành vi chống người thi hành công vụ. Trong trường hợp dùng vũ lực cản trở người thi hành công vụ có xảy ra thương tích thì còn có thể xem xét đối với tội danh “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 104 Bộ Luật hình sự.

PV: Mới đây, tại huyện Thanh Oai (Hà Nội), đối tượng còn dùng dao để cản trở, tấn công nhân viên điện lực phải đi cấp cứu, khâu 15 mũi trên mặt. Quan điểm của ông về vụ việc này ra sao?

LS Vi Văn Diện: Như tôi đã nói, hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác nhằm cản trở người đang thực thi nhiệm vụ được giao là hành vi chống người thi hành công vụ. Trong trường hợp này, đối tượng đã dùng hung khí nguy hiểm, cụ thể là dao để cản trở, uy hiếp nhân viên điện lực. Hậu quả là nạn nhân đã phải đi cấp cứu, khâu 15 mũi trên mặt. Căn cứ vào kết quả giám định, nếu đủ cơ sở thì cơ quan điều tra phải tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo hai tội: “Chống người thi hành công vụ” (Điều 257) và tội “Cố ý gây thương tích” (Điều 104) Bộ Luật hình sự.

PV: Để hạn chế những vụ việc chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực Điện, theo ông cần phải làm gì?

LS Vi Văn Diện: Cần phải xử lý nghiêm khắc những đối tượng này để đảm báo tính nghiêm minh của pháp luật, cũng như để răn đe những kẻ coi thường pháp luật, có  thể có những hành vi chống đối tương tự. Bên cạch đó, cần phải tuyên truyền cho người dân hiểu rằng, hành vi chống đối nhân viên điện lực trong khi họ đang làm nhiệm vụ là vi phạm pháp luật.

PV: Xin cảm ơn ông!

Trích Điều 257 Bộ luật Hình sự: Tội chống người thi hành công vụ

1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a. Có tổ chức;  
b. Phạm tội nhiều lần;
c. Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
d. Gây hậu quả nghiêm trọng;
e. Tái phạm nguy hiểm.





 


  • 09/05/2013 06:34
  • Theo TCĐL chuyên đề TGĐ
  • 4151


Gửi nhận xét