Kon Pne đổi thay nhờ có điện

Sau hơn 10 năm có điện, cuộc sống của người dân trên khu vực biệt lập Kon Pne, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai đã có nhiều khởi sắc. Những cái khó, cái khổ đã dần dần qua đi, nhường chỗ một Kon Pne với diện mạo mới.

Vùng đất nhiều “cái nhất”...

Trong cơn mưa rừng tầm tã của Tây Nguyên, chúng tôi đến với xã Kon Pne, nơi từng được nhắc đến với nhiều cái nhất: Nghèo nhất, lạc hậu nhất, đường sá đi lại khó khăn nhất của tỉnh Gia Lai. Ngồi cùng xe với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne, ông Lê Văn Dũng cho biết: “Kon Pne hiện có 258 hộ, 1.200 nhân khẩu, hầu hết là bà con dân tộc Bana. Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo của xã thường xuyên ở mức 98%. Từ năm 1975 đến 1996, dân số cả xã hầu như không tăng. Nhiều bệnh tật hoành hành quanh năm. Trẻ em, người già ở đây mắc đủ các thứ bệnh như: sốt rét, dịch tả, dịch hạch… nhưng dịch vụ y tế không phát triển. Tất cả vì thiếu điện, thiếu đường, thiếu trạm y tế... Vì vậy, cái nghèo, cái đói vẫn bám riết lấy bà con”. 

Theo hồi tưởng của ông Dũng, đường từ thị trấn huyện Kbang vào xã Kon Pne dài cả trăm cây số, nhưng không thấm vào đâu so với hơn chục cây số đường đèo phải vượt qua để tới được trung tâm xã. Đường hẹp, dốc, quanh co liên tục, nhiều đoạn xuống cấp, một bên là vách núi dựng đứng, bên kia là vực sâu, quanh năm sương mù bao phủ… Cũng vì lẽ đó mà xã Kon Pne được coi như một khu vực biệt lập giữa núi rừng Tây Nguyên. 

Năm 2004, khi lưới điện quốc gia được kéo về nhiều vùng nông thôn, biên giới, hải đảo thì tại xã Kon Pne, điện vẫn là thứ hàng hóa quá xa xỉ, người dân chưa dám mơ. Để tạo sức bật cho phát triển kinh tế, không cách nào khác là phải hoàn thiện kết cấu hạ tầng điện - đường - trường - trạm. Trong đó, đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện phục vụ sản xuất và đời sống người dân là một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh Gia Lai. Nhờ đó, đã tạo nên sự đổi thay kỳ diệu về phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở Kon Pne. 

Trung tâm xã Kon Pne đã thay đổi diện mạo sau hơn 10 năm có điện

Đổi thay nơi miền ngược

Sau hơn 2 giờ, xe đưa chúng tôi đến trung tâm xã Kon Pne. Khác xa với hình dung về một “ốc đảo” ngày nào,  Kon Pne hôm nay có nhiều nhà mái ngói đỏ tươi, đường vào xã được đổ bê tông phẳng lì, xe cộ vào ra tấp nập, nhộn nhịp. Cùng với trụ sở UBND xã hai tầng khang trang, các công trình thuộc kết cấu hạ tầng cũng đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng phục vụ dân sinh như: Hệ thống lưới điện hạ áp, đường dây điện thoại, trường học, trạm y tế, nhà rông văn hóa và đặc biệt là trạm thu phát truyền hình... 

Sự thay đổi được bắt đầu từ năm 2004, khi đường vào xã được trải bê tông phẳng lỳ. Và chỉ một năm sau đó, Công ty Điện lực Gia Lai đã hoàn thành công trình đưa điện lưới quốc gia đến với bà con xã Kon Pne, xã cuối cùng của tỉnh Gia Lai chưa có điện. Với việc đầu tư 28,4 km đường dây trung thế, 1,6 km đường dây hạ thế và 3 trạm biến áp phân phối, 620 hộ dân Ba Na được sử dụng điện lưới quốc gia. 

Theo ông Ngô Văn Toàn, Phó giám đốc Điện lực Kbang: “Để hoàn thành công trình đúng vào dịp 30/04/2005, là sự nỗ lực hết mình của CBCNV Điện lực Kbang và Công ty Điện lực Gia Lai. Quá trình thi công gặp rất nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở, thời tiết xấu, nhưng những người làm điện luôn làm hết sức mình với tâm niệm, phải đưa ánh sáng điện tới vùng đất cách mạng sau 30 năm giải phóng”. 

Kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất đất nước, bà con nơi đây đón chào ánh sáng điện trong nỗi vui mừng khôn xiết. Cuộc sống của người dân Kon Pne cũng chuyển mình từ đó. Việc giao lưu buôn bán với các địa phương khác, ứng dụng KHCN vào sản xuất đã bắt đầu trở thành thói quen thường nhật của người dân nơi đây. Đường sá đi lại thuận lợi, kinh tế dần phát triển, cuộc sống của bà con bắt đầu thay da đổi thịt. Người dân được chăm sóc sức khỏe, trẻ em được cắp sách đến trường. 

Ông Đinh Tơng, một người dân ở xã Kon Pne xúc động chia sẻ: “Trước đây cái đói luôn thường trực trong gia đình tôi. Mỗi năm, có đến vài ba tháng chúng tôi phải tiết kiệm từng bữa ăn, nay no mai đói. Nhưng từ khi có điện, mua được tivi, tủ lạnh..., được tiếp xúc với thông tin, ứng dụng KHCN trong sản xuất lúa nước, chăn nuôi, nên không còn lo đói cái bụng nữa. Tôi cũng cho 2 con học chữ, biết làm kinh tế, bớt vất vả so với những năm trước đây”.

Trong niềm phấn khởi, ông Trương Văn Tư, Bí thư Đảng ủy xã Kon Pne cho biết, hơn 10 năm qua, diện mạo nông thôn ở Kon Pne đã có sự đổi thay đến ngỡ ngàng. Có được điều này, ngoài sự quan tâm của Đảng và Nhà nước còn có sự nỗ lực của ngành Điện Gia Lai trong việc đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định để phát triển kinh tế của địa phương.

Rời Kon Pne, chúng tôi đều có chung suy nghĩ về Kon Pne trong tương lai. Nơi đây sẽ hình thành một thị tứ văn minh, hòa nhập với các vùng miền trong cả nước, góp phần vào công cuộc CNH-HĐH.  

Xã Kon Pne, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai:

- 100% hộ dân có điện.
- 80% số hộ có phương tiện nghe nhìn.
- 90% số hộ có nhà ngói.
- 573 ha cây trồng và hơn 2.900 gia súc.
- Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 11,5 triệu đồng/năm.
- Doanh thu tiền điện năm 2005 đạt 3 triệu đồng/tháng, đến tháng 5/2016 là trên 50 triệu đồng/tháng.


  • 21/09/2016 09:58
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 12758