Kinh nghiệm truyền thông về điện hạt nhân của Cộng hòa Séc: Cần có thông điệp tốt

Khởi đầu từ năm 1955, đến nay, năng lượng hạt nhân của Cộng hòa Séc đang chiếm khoảng 33,6% tổng sản lượng điện quốc gia. Con đường dẫn tới thành công nói chung và kinh nghiệm xây dựng các thông điệp về điện hạt nhân nói riêng là nội dung cuộc trao đổi của bà Marie Dufkova – Chuyên gia, Tập đoàn Điện lực CEZ với chúng tôi.

Bà Marie Dufkova

PV: Con đường nào dẫn tới sự thành công của năng lượng hạt nhân tại Cộng hòa Séc như hiện nay, thưa bà?

Bà Marie Dufkova: Tính đến năm 2012, năng lượng hạt nhân tại Cộng hòa Séc chiếm khoảng 33,6% tổng sản lượng điện của cả nước. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới thành công này là sự kiên trì, bền bỉ và tích cực của hoạt động thông tin tuyên truyền về điện hạt nhân tới mọi đối tượng liên quan, với từng thông điệp cụ thể.

Cũng giống như các quốc gia khác, phát triển điện hạt nhân sẽ tạo cơ hội việc làm, đảm bảo an ninh năng lượng... Vì vậy, bên cạnh việc thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân gắn liền với các lợi ích này, Cộng hòa Séc còn “đánh mạnh” vào yếu tố tâm lý của người dân. Họ luôn đề cao tính độc lập, tự chủ, trong khi điện hạt nhân là nguồn năng lượng rẻ tiền nhất, nâng cao năng lực của Cộng hòa Séc trong việc tự cung cấp năng lượng cho quốc gia mà không phải nhập khẩu. Từ đó, chúng tôi tập trung thông tin, tuyên truyền để người Séc có thể tự hào vì ngành công nghiệp điện hạt nhân của đất nước mình, giúp họ hiểu được, điện hạt nhân không phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và là con đường duy nhất để đảm bảm an ninh năng lượng bền vững.

Ngoài ra, thông tin, tuyên truyền để nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ từ phía Chính phủ cũng là một nhân tố quan trọng góp phần vào tiến trình phát triển điện hạt nhân ở Cộng hòa Séc.

PV: Bà có thể nói rõ hơn thông điệp truyền thông đối với người dân?

Bà Marie Dufkova: Mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, thậm chí giữa các địa phương trong cùng một nước lại có văn hóa khác nhau. Vì vậy, thông điệp truyền thông phải được soạn thảo sao cho phù hợp với từng đối tượng công chúng về mặt văn hóa. Khi thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân cũng không nên sử dụng thông điệp quá dài và phải có sự đồng bộ, thống nhất nhằm lôi kéo sự ủng hộ cao của người dân.

Người dân C.H. Sec có tính độc lập rất cao, vì vậy Séc đã lựa chọn những thông điệp phản ánh được đặc tính này. Ví dụ như: “Điện hạt nhân là công nghệ đã được kiểm chứng”, “Phát triển điện hạt nhân là chia sẻ năng lượng với toàn cầu”, “Điện hạt nhân là cơ hội tài chính cho các đối tượng kinh doanh”; “Phát triển điện hạt nhân đồng nghĩa với việc phát triển năng lượng bền vững”...

Như vậy, một thông điệp truyền thông tốt, có tầm ảnh hưởng sâu rộng phải là thông điệp cho thấy được tầm quan trọng, tính cấp bách hoặc mức độ của vấn đề. Thông điệp đó phải gắn kết với các giá trị, niềm tin, hoặc mối quan tâm cụ thể của từng đối tượng truyền thông cũng như phản ánh được sự hiểu biết về động cơ thúc đẩy đối tượng truyền thông suy nghĩ, hành động.

Nhà máy điện hạt nhân Temelin tại Séc do Nga xây dựng - Ảnh: sưu tầm

PV: Quá trình phân tích ý kiến công chúng đóng vai trò quan trọng, góp phần tạo nên hiệu quả thông điệp truyền thông. Kinh nghiệm của Tập đoàn Điện lực CEZ về vấn đề này?

Bà Marie Dufkova: Trước khi đưa ra thông điệp và thực hiện công tác truyền thông, chúng tôi bắt buộc phải tìm hiểu thời điểm khởi đầu, phải nắm được quan điểm thông tin của các bên liên quan (đối tượng truyền thông), mối quan tâm của họ, kiến thức, nguồn thông tin, người mà họ tin tường...

Trong quá trình thực hiện công tác truyền thông, chúng tôi luôn giữ thái độ tỉnh táo để nhận biết mình có đang đi đúng hướng không và vấn đề nào mới phát sinh. Đồng thời, các chuyên gia thực hiện thông tin, tuyên truyền phải thường xuyên nắm bắt được thái độ của các bên liên quan, các hoạt động/nhân tố không hiệu quả, sớm thay đổi, bổ sung cho phù hợp.

Sau khi hoàn thành kế hoạch truyền thông (hoặc một bước trong kế hoạch), Tập đoàn Điện lực CEZ thu thập phản hồi và đánh giá kết quả công tác truyền thông. Cuộc thăm dò ý kiến mới nhất do tổ chức thăm dò IBRS tiến hành tháng 6/2013 đối với một nhóm gồm 500 người có độ tuổi từ 18 trở lên là đại diện cho công dân C. H. Sec. Kết quả, 67% ủng hộ việc tiếp tục phát triển điện hạt nhân. 33% người được hỏi cho biết, họ phản đối điện hạt nhân, nhưng 20% trong số này thừa nhận rằng không thể thay thế điện hạt nhân bằng các nguồn năng lượng khác và 10% cho biết điện hạt nhân sẽ là nguồn điện năng quan trọng trong tương lai.

Trên cơ sở này, chúng tôi sẽ đánh giá hiệu quả của các thông điệp truyền thông và xây dựng kế hoạch cụ thể cho các bước tiếp theo.

PV: Nguồn nhân lực hiện đang là thách thức chung của thế giới cũng như Việt Nam trong phát triển điện hạt nhân. C.H. Séc đã có giải pháp gì trong việc thông tin, tuyên truyền để tạo nguồn nhân lực cho tương lai?

Bà Marie Dufkova: Điện hạt nhân là lĩnh vực khá nhạy cảm và có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định tới sức khỏe con người trong trường hợp rủi ro hay gặp sự cố. Vì thế, trong quá trình xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân, vấn đề an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Do đó, nội dung tuyên truyền về điện hạt nhân cũng khác biệt so với các ngành khác, giúp mọi người cảm thấy cân bằng hơn, đặc biệt là giới trẻ để khơi gợi sự hứng thú đối với điện hạt nhân.

Chương trình giáo dục về điện hạt nhân tại C. H. Séc bắt đầu từ năm 1992 với chương trình “Năng lượng cho mọi người”. Đồng thời, tại CH Séc cũng thường xuyên tổ chức các cuộc tranh luận về lĩnh vực điện hạt nhân dành cho học sinh khối THPT.

Từ năm 2000 đến nay, trên 4.500 cuộc tranh luận, thu hút sự tham gia của trên 160.000 học sinh. Các cuộc thi nhóm cho học sinh “Bạn biết gì về năng lượng” được tổ chức 2 lần 1 năm. Bên cạnh đó, Tập đoàn Điện lực CEZ còn phối hợp với giáo viên kiểm tra kiến thức và chất lượng của các em học sinh về toán, vật lý. Điều quan trọng, chúng ta phải giáo dục, tuyên truyền kiến thức về điện hạt nhân ở tất cả các cấp học, nhằm hỗ trợ, kích thích sự ham mê học hỏi của học sinh, quảng bá hình ảnh điện hạt nhân, từ đó thu hút nhân lực cho tương lai.

PV: Thông tin – tuyên truyền là 1 trong 19 nội dung của công tác phát triển kết cấu hạ tầng điện hạt nhân tại Việt Nam. Theo bà, làm thế nào để Việt Nam có thể thực hiện tốt nội dung này?

Bà Marie Dufkova: Không có một công thức cụ thể cho bất kỳ một quốc gia nào thực hiện nội dung thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân, bởi việc làm này còn phụ thuộc vào đặc điểm địa lý, văn hóa truyền thông ở mỗi khu vực khác nhau sẽ khác nhau.

Song, đối với một chương trình phát triển điện hạt nhân thì sự ủng hộ của Chính phủ có vai trò quan trọng. Vì vậy, nhiệm vụ trước tiên của hoạt động thông tin, tuyên truyền phải đạt được là sự ủng hộ của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước của quốc gia đó. Đồng thời, sự ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là của chính quyền, nhân dân địa phương và những hỗ trợ, giúp đỡ quốc tế cũng có ảnh hưởng nhất định đối với sự thành công của một dự án điện hạt nhân. Không còn cách nào khác, cùng với kế hoạch chuẩn bị xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, Việt Nam nên thực hiện thông tin, tuyên truyền thường xuyên, liên tục và lâu dài, vì khi dừng lại thì việc truyền thông sẽ gần như phản tác dụng.

Nói cách khác, thông tin, truyền thông về điện hạt nhân là công việc thường xuyên, liên tục, không ngừng nghỉ. Các cấp, các ngành liên quan phải tập trung thực hiện trách nhiệm nòng cốt của mình một cách kịp thời, đầy đủ để nâng cao nhận thức, hiểu biết đúng đắn về sự cần thiết và lợi ích của điện hạt nhân trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

PV: Xin cảm ơn bà!


  • 04/11/2013 03:30
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 3342


Gửi nhận xét