Kinh nghiệm của EVNSPC về điều chỉnh phụ tải

Việc điều chỉnh phụ tải đã được Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) thực hiện hiệu quả từ rất sớm (năm 2010), góp phần đảm bảo điện cho 21 tỉnh, thành phía Nam ngay cả những thời điểm căng thẳng về nguồn.

Nghiên cứu điều chỉnh phụ tải hợp lý 

Ông Nguyễn Phước Đức - Tổng giám đốc EVNSPC cho biết, sau giai đoạn thiếu điện 2008-2009, EVNSPC đã xác định được những khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo điện khi nguồn cung thiếu. Chính vì vậy, ngay từ năm 2010, Tổng công ty đã phân tích, tìm ra những giải pháp mang tính chủ động, linh hoạt, đảm bảo cung cứng điện an toàn, tin cậy; trong đó phương án điều chỉnh phụ tải được đặc biệt chú trọng.

Cũng theo ông Đức, việc điều chỉnh phụ tải được EVNSPC tiến hành khi xảy ra hai trường hợp: Thiếu nguồn có kế hoạch và thiếu nguồn đột xuất. Với trường hợp thiếu nguồn có kế hoạch (khi EVN cân đối nguồn phát trong toàn EVN không đảm bảo, hoặc thời gian bảo trì các nguồn khí hàng năm), Tổng công ty sẽ căn cứ các phương án, kế hoạch cung cấp điện đã được UBND các tỉnh phê duyệt, từ đó lựa chọn nhóm khách hàng tiết giảm công suất hoặc sản lượng theo các biên bản đã thoả thuận. 

Tổng công ty cũng tiến hành rà soát tình hình sử dụng điện thực tế của nhóm khách hàng trong tháng, trong tuần liền kề, các ngày liền kề và ngày tương đồng để xác định khả năng tiết giảm sản lượng điện thực tế của khách hàng. Trên cơ sở đó, lập lịch tiết giảm sản lượng điện phù hợp cho từng khách hàng, tránh trường hợp tiết giảm liên tục trên 2 ngày. Đồng thời, Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc cũng thông báo bằng văn bản, đề nghị khách hàng hỗ trợ lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, sử dụng điện theo kế hoạch tiết giảm. Trong quá trình tiết giảm, Tổng công ty cũng tiến hành giám sát qua hệ thống thu thập dữ liệu từ xa, kịp thời thông báo đến những khách hàng chưa tiết giảm đủ công suất theo cam kết.

Công nhân Công ty Điện lực Sóc Trăng kiểm tra hệ thống điện và tuyên truyền cách sử dụng điện tiết kiệm - hiệu quả cho doanh nghiệp

Công tác chuẩn bị cung cấp điện cũng được Tổng công ty dự báo sớm và làm việc với khách hàng ngay từ tháng 11 hàng năm. Trên cơ sở thống kê theo sản lượng thực tế khách hàng sử dụng trong năm liền kề, dự báo kế hoạch dùng điện do khách hàng đăng ký cho năm tiếp theo, Công ty chủ động nắm bắt dây chuyền sản xuất của khách hàng, thu thập các dữ liệu lịch sử về sử dụng điện, từ đó có cơ sở đàm phán sát với thực tế.

Với trường hợp thiếu nguồn đột xuất (thường xảy ra sự kiện này khi có sự cố đột xuất nhà máy điện phía Nam hoặc trên lưới điện truyền tải Bắc Nam), Tổng công ty sẽ lựa chọn nhanh nhóm khách hàng tham gia sự kiện, tính toán sản lượng, công suất theo lịch sử 07 ngày liền kề ngày bắt đầu sự kiện. Đồng thời, thông báo đến khách hàng qua kênh liên lạc nhanh nhất như điện thoại (khách hàng trong nước), email (khách hàng nước ngoài)..., cùng phối hợp thực hiện.

Dù điều chỉnh phụ tải trong bất kỳ trường hợp nào, hàng năm, EVNSPC đều tiến hành rà soát thông tin sử dụng điện năm trước, kết hợp với chủ trương của địa phương, từ đó lập sơ bộ danh sách khách hàng quan trọng cần ưu tiên cấp điện; làm việc với khách hàng lớn có sản lượng từ 50.000 kWh/tháng trở lên, đặc biệt, khách hàng sắt thép, xi-măng, hóa chất, có nguồn phát điện riêng, lập đăng ký nhu cầu sử dụng điện. Trên cơ sở đó, đề nghị khách hàng tự tiết giảm công suất, tiết giảm sản lượng, hỗ trợ ngành Điện trong trường hợp thiếu nguồn, mất cân đối cung cầu trên hệ thống điện bằng cách huy động nguồn diesel của khách hàng, tiết giảm hoạt động sản xuất... Những nội dung làm việc sẽ được hai bên ghi vào Biên bản thỏa thuận hoặc ký Phụ lục hợp đồng.Sau mỗi chương trình tiết giảm phụ tải, Tổng công ty đều có thư cảm ơn từng khách hàng bằng văn bản, mail, hoặc điện thoại... 

Với những giải pháp đồng bộ, từ năm 2013 đến nay, tình hình cung cấp điện của EVNSPC đã thực sự đi vào nề nếp, có kế hoạch và phương án cụ thể, phản ứng và triển khai nhanh khi có sự kiện đột xuất. Vì vậy, với việc ngừng, giảm cung cấp khí theo kế hoach bảo trì của Nam Côn Sơn, Cửu Long và các sự cố đột xuất, EVNSPC vẫn đảm bảo cung cấp điện cho 21 tỉnh/thành phố phía Nam, đồng thời thực hiện tiết giảm hiệu quả theo chỉ đạo của Tập đoàn. 

Tạo được sự đồng thuận của khách hàng 

Theo ông Nguyễn Phước Đức, việc điều chỉnh phụ tải đã nhận được sự đồng thuận của nhiều khách hàng. Đó là yếu tố quan trọng nhất. Bởi nhiều trường hợp, khi đàm phán, khách hàng không chia sẻ sơ đồ bố trí dây chuyền sản xuất (do liên quan đến công nghệ); một số khách hàng chỉ có 2-3 dây chuyền liên hoàn, nếu điều chỉnh hầu như phải ngừng sản xuất... Đó là chưa kể, khách hàng tham gia tiết giảm công suất, sản lượng thường yêu cầu cung cấp thông tin thiếu nguồn, mất cân đối cung cầu của hệ thống điện miền Nam, trong khi EVNSPC chưa có được đầy đủ, do tình huống cấp bách.

Ngoài ra, EVNSPC cũng đã gặp phải tình huống khách hàng đã đồng ý tiết giảm công suất, nhưng các thỏa thuận chưa có tính ràng buộc pháp lý, do đó, đến thời điểm cần tiết giảm, một số khách hàng từ chối tham gia do đang sản xuất theo đơn hàng, hay thời gian thực hiện tiết giảm kéo dài (trên 05 giờ/ngày), mức tiết giảm cao, thời gian thông báo quá ngắn không điều chỉnh kịp thời... Trong khi đó, có những sự kiện EVNSPC chỉ nhận được yêu cầu trước thời điểm thực hiện từ 2-6 giờ, rất khó thông báo để khách hàng kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất...

Hiện nay, các chương trình điều chỉnh phụ tải chủ yếu được thực hiện theo cơ chế phi thương mại, khuyến khích khách hàng tự nguyện tham gia với các ưu đãi từ dịch vụ chăm sóc khách hàng của ngành Điện. Điều này chưa đủ sức khuyến khích khi mức tiết giảm cao. Khách hàng thường đề nghị tham gia chương trình phải tính đến chi phí thiệt hại.

Để giải quyết những khó khăn này, EVNSPC hướng đến là những khách hàng lớn, có tổ chức quản lý điện riêng, hiểu rõ được những khó khăn của ngành Điện; đặc biệt là hiểu được những thiệt hại khi doanh nghiệp bị gián đoạn cung cấp điện, giúp họ hiểu rõ và đồng thuận với ngành Điện. Ngoài ra, thông tin về cung cấp điện cũng được EVNSPC công khai kịp thời để khách hàng chia sẻ và ủng hộ.

Đặc biệt, khi tiếp nhận yêu cầu về điều chỉnh phụ tải, Công ty Điện lực sẽ đánh giá ngay khả năng huy động tiết giảm được từ khách hàng để xem xét báo cáo Sở Công Thương. Trong trường hợp không thể huy động đủ sản lượng cần tiết giảm, đề nghị Sở Công Thương tham gia phối hợp vận động khách hàng và hỗ trợ thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Theo ông Nguyễn Phước Đức, năm 2019, Tổng công ty phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong công tác cung ứng điện. Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, lắp đặt nguồn năng lượng mặt trời áp mái..., Tổng công ty sẽ phối hợp với các đơn vị trong Tập đoàn ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng hệ thống điều chỉnh phụ tải điện ngày càng hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Phước Đức cũng kiến nghị, Chương trình điều chỉnh phụ tải phi thương mại rất khó đạt được mục tiêu đề ra do khách hàng không bị ràng buộc bởi bất kỳ chế tài nào khi không thực hiện. Do đó, đề nghị Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiên cứu, xây dựng chế tài điều chỉnh phụ tải thương mại, tạo động lực, khuyến khích khách hàng tích cực tham gia. 

Cùng với việc thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải, EVNSPC còn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức Ngày hội Tiết kiệm điện, nhằm kêu gọi sự hưởng ứng mạnh mẽ, sâu rộng trong cả cộng đồng.

Năm 2018, trong thời gian bảo trì đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn và Cửu Long, EVNSPC đã làm việc với 15 khách hàng 110 kV và 2.105 khách hàng 22 kV, thỏa thuận được công suất tiết giảm là :

- 430 MW vào các khung giờ 9h30-11h30 và 14h00-16h00, trong các ngày từ 8-10/8/2018 
- 530 MW vào các khung giờ 9h30-11h30 và 14h00 vào ngày 19-20/8/2018.
- 390 MW vào các khung giờ 9h30-11h30 và 14h00-16h00 từ ngày 26/9- 02/10/2018.


  • 24/04/2019 03:00
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 18565