Không để miền Nam mất điện, thiếu điện trong mùa hè oi bức

Việc bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho các phụ tải trong khu vực phía Nam, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), luôn là nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi các đơn vị truyền tải điện trong ngành Điện phải nỗ lực hết mình.

Công nhân PCT4 kiểm tra vận hành tại trạm biến áp 500 kV Duyên Hải. Ảnh: Minh Ngọc

Phụ tải liên tục tăng cao

Tháng 5, điện thương phẩm khu vực phía Nam tăng mạnh. EVN cho biết, trong tháng 5, điện thương phẩm toàn Tập đoàn ước đạt 13,535 tỷ kWh, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, các đơn vị có mức tăng trưởng cao nhất là Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC) và Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC).

Cụ thể, điện thương phẩm của EVNSPC và EVNHCMC lần lượt có mức tăng trưởng 13,23% và 13,07% so với cùng kỳ năm 2015.

Tại khu vực phía Nam, nắng nóng gay gắt, khô hạn diện rộng kéo dài, kéo theo nhu cầu sử dụng các thiết bị máy điều hòa, quạt, máy bơm nước... của người dân tăng cao, phụ tải quản lý tiêu dùng tại 2 tổng công ty điện lực này đều tăng hơn 16%.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2016, điện thương phẩm toàn Tập đoàn ước đạt 61,899 tỷ kWh, tăng 12,31% so cùng kỳ năm 2015. Trong đó, điện thương phẩm nội địa ước đạt 61,21 tỷ kWh, tăng 12,45%.

Như vậy, trong 5 tháng đầu năm 2016, EVN đã nỗ lực cung ứng điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng tăng mạnh của người dân cả nước trong mùa nắng nóng. Đặc biệt, EVN đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, đảm bảo cung ứng điện ổn định, an toàn, tin cậy cho 61.460 điểm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2020 trên cả nước.

Lãnh đạo EVN khẳng định: “Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam có vai trò hết sức quan trọng, là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước. Đồng thời, khu vực này có tốc độ tăng trưởng phụ tải liên tục ở mức cao nhất so với các vùng miền khác. Chính vì vậy, việc bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho các phụ tải trong khu vực luôn là nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi các đơn vị trong ngành truyền tải điện phải nỗ lực hết mình, có những giải pháp đồng bộ từ vận hành đến đầu tư đúng tiến độ các công trình lưới điện”.

Thực tế, hệ thống điện 500 kV luôn phải truyền tải công suất cao từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam. Trong điều kiện phải truyền tải với công suất cao nếu xảy ra sự cố trên một đường dây 500 kV thì truyền tải trên những đường dây 500 kV còn lại sẽ tăng lên tương ứng, khi đó, việc cấp điện cho miền Nam sẽ càng trở nên căng thẳng.

Ông Nguyễn Tuấn Tùng-Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVN NPT) cho biết, để đảm bảo điện cho miền Nam, hệ thống đường dây siêu cao áp 500 kV luôn phải truyền tải với công suất lớn để đưa điện từ miền Bắc vào miền Nam. Nếu năm 2015, sản lượng điện truyền tải trên lưới 500 kV từ miền Bắc vào miền Trung là 9 tỷ kWh, từ miền Trung vào miền Nam là 16,1 tỷ kWh thì năm 2016 dự kiến sản lượng điện truyền tải trên lưới 500 kV Bắc-Trung là 13,3 tỷ kWh, tăng 47,8%; Trung-Nam là 19,2 tỷ kWh, tăng 19,3% so với năm 2015.

Triệt để ngăn ngừa, xử lý sự cố

Để nâng cao chất lượng vận hành lưới điện truyền tải, bảo đảm cung cấp điện cho nhân dân, quán triệt các chỉ đạo của EVN, EVNNPT, PTC4 (phụ trách việc vận hành lưới điện truyền tải cao áp (220 - 500 kV) ở địa bàn 19 tỉnh, thành phố phía nam là Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4) thuộc EVNNPT) đã tập trung vào việc tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý vận hành, quản lý kỹ thuật, kịp thời phát hiện các bất thường và xử lý triệt để nhằm ngăn ngừa sự cố. Tiếp đó là tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong vận hành, không để xảy ra sự cố chủ quan, chú trọng nâng cao chất lượng công tác trong công trình đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên.

Công ty đã chủ động bằng nhiều giải pháp kỹ thuật và tuyên truyền trong nhân dân bảo đảm an toàn hành lang an toàn lưới điện bằng nhiều giải pháp hữu hiệu như: Tổ chức các đợt tuyên truyền trực tiếp giải thích cho nhân dân, các chương trình văn nghệ, dùng các xe cổ động tuyên truyền, các chương trình thanh niên với người dân sống dọc hành lang đường dây, phát vở cho học sinh có in nội dung tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lưới điện… được sự đồng tình và hưởng ứng trong nhân dân, công ty cũng đã tổ chức ký kết quy chế phối hợp bảo vệ an toàn lưới điện với công an các tỉnh và thành phố.

Ông Nguyễn Tuấn Tùng cho biết, EVNNPT chỉ đạo các đơn vị thường xuyên phối hợp lực lượng bảo vệ đường dây 500 kV, chính quyền địa phương và người dân sinh sống gần hành lang đường dây 220 kV, 500 kV để nắm bắt thông tin về đốt rừng, nương rẫy, thi công gần hành lang an toàn lưới điện, từ đó chủ động phối hợp xử lý. Các đơn vị truyền tải cũng tổ chức ký cam kết phòng cháy chữa cháy rừng với tất cả các hộ có rẫy dọc hành lang đường dây 220 kV, 500 kV và ký biên bản phối hợp phòng cháy chữa cháy rừng với hạt kiểm lâm tại các khu vực tuyến đường dây đi qua…

Cùng với công tác vận hành, công ty cũng đang tích cực đầu tư mới, nâng cấp, nâng công suất các công trình lưới điện, nhằm bảo đảm sự phát triển của phụ tải, bảo đảm an toàn, liên tục cung cấp điện cho nhân dân, phấn đấu đến năm 2020 lưới điện có dự phòng đầy đủ, bảo đảm các sự cố sẽ không gây mất điện. 

Từ cuối năm 2015, EVNNPT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, phối hợp các địa phương, trường học tuyên truyền về đảm bảo an toàn hành lang lưới điện, giúp người dân nắm rõ và tuân thủ theo pháp luật. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay không có sự cố nào do vi phạm hành lang an toàn lưới điện trên đường dây 500 kV làm ảnh hưởng đến việc cung cấp điện.

 


  • 08/06/2016 10:50
  • Theo danviet.vn
  • 5831