Khi các bộ, ngành xắn tay cải cách

Chỉ số tiếp cận điện năng tăng trưởng vượt bậc trong bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới. Năm 2020, chỉ số này xếp hạng thứ 27, tăng 108 bậc, cắt giảm 2 thủ tục, giảm 84 ngày so với năm 2015.

 

Các bộ, ngành đã nỗ lực như thế nào để thúc đẩy cuộc cải cách này?

Bộ Công Thương, mà trực tiếp là EVN, chủ trì chịu trách nhiệm về việc cải thiện chỉ số tiếp cận điện. Các cơ quan phối hợp bao gồm Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên phạm vi của tỉnh, thành phố có các Sở Công thương (chủ trì), Xây dựng, Kiến trúc, Giao thông Vận tải và UBND các quận, huyện v.v…

Ngoài EVN, Bộ Công Thương cũng ý thức được trách nhiệm và tầm quan trọng của cải thiện chỉ số tiếp cận điện. Bộ đã tích cực và nhanh chóng sửa đổi các thông tư nhằm hỗ trợ EVN giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong việc tiếp cận điện. Trong 5 năm, Bộ đã 4 lần sửa đổi Thông tư 33 theo kiến nghị của EVN.

Cải cách, cải thiện chỉ số tiếp cận điện hoàn toàn phù hợp với lợi ích và yêu cầu phát triển ngành Điện nói chung và EVN nói riêng. Vì vậy, EVN đã chủ động thực hiện nhiều công việc ngoài yêu cầu của Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02.

Cụ thể, EVN đã chuẩn hóa, mẫu hóa, đơn giản hóa và điện tử hóa tất cả quy trình và thủ tục hành chính nội bộ; đi đầu trong chuyển đổi số, cung cấp các dịch vụ số phục vụ khách hàng. Những cải thiện điểm số chỉ số sau cấp điện phần nhiều là kết quả của các nỗ lực trong việc áp dụng các thiết bị, công nghệ hiện đại trong vận hành, duy tu, bảo dưỡng hệ thống điện v.v…

Cuối cùng, các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện chỉ số cấp điện trong các nghị quyết đều thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Công Thương và các cấp chính quyền địa phương.

Duy trì thứ hạng, cải thiện điểm số của tiếp cận điện năng tiếp tục là nhiệm vụ của chương trình cải cách.

Động lực cho cải cách

Từ các thành công và nguyên nhân thành công trong cải thiện chỉ số tiếp cận điện, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây cho tiến trình cải cách:

Một là, có thể cải thiện vượt bậc chỉ số môi trường kinh doanh từ hạng nhóm cuối bảng lên đầu bảng trong một thời gian không dài; qua đó, có cải thiện thực chất chất lượng tương ứng của môi trường kinh doanh.

Hai là, sự phù hợp giữa lợi ích của cải và lợi ích của cơ quan, tổ chức chủ trì thực thi cải cách sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ, bền vững cho cải cách. Họ sẽ sáng tạo, năng động, phát huy hết năng lực trong thực thi nhiệm vụ được giao để đạt mục tiêu cao nhất có thể.

Ba là, bám sát thực tiễn, nhanh chóng đưa thực tiễn vào chính sách để chính sách quay trở lại phục vụ giải quyết các vấn đề thực tiễn. Từ đó, các rào cản bất hợp lý sẽ được xóa bỏ; cách thức và công nghệ quản lý hiện đại sẽ được áp dụng, và cuối cùng, chất lượng môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện.

Trong giai đoạn tiếp theo đây, duy trì thứ hạng, cải thiện điểm số của tiếp cận điện năng vẫn tiếp tục là nhiệm vụ của chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Những giải pháp cải cách phải đi vào chiều sâu, có thể bao gồm:

Nghiên cứu triển khai áp dụng các thông lệ quốc tế tốt của các các quốc gia hàng đầu về chỉ số tiếp cận điện năng.

Đồng bộ các giải pháp trong công tác đầu tư xây dựng, quản lý vận hành hệ thống điện để đưa yếu tố độ tin cậy cung cấp điện và minh bạch giá điện đạt điểm tuyệt đối 8/8. Các chỉ số độ tin cậy cung cấp điện: Số lần mất điện bình quân của khách hàng (SAIFI) ≤ 1 lần/năm; thời gian mất điện bình quân của khách hàng (SAIDI) ≤ 1 giờ/năm.

Triển khai ứng dụng CNTT, tự động hóa lưới điện phân phối để chủ động phát hiện sớm, xử lý sớm sự cố, tự động đóng cắt, tự động tính toán các chỉ số SAIDI, SAIFI.

Hoàn thiện cơ sở dữ liệu lưới trung thế, hạ thế, áp dụng công nghệ bản đồ số (GIS), tích hợp các hệ thống phần mềm quản lý, trang bị phần mềm ứng dụng hiện trường cho người lao động để thực hiện cho các công việc nhằm cắt giảm thủ tục nội bộ giữa các bộ phận (cung cấp vật tư lắp đặt, phê duyệt hồ sơ thủ tục...) để rút ngắn thời gian và cắt giảm thủ tục với khách hàng ở các bước khảo sát, cấp điểm đấu nối.

Kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, doanh nghiệp, đất đai liên thông và cắt giảm hồ sơ khách hàng phải cung cấp, đồng thời chủ động tiếp cận đến khách hàng ngay từ khi khách hàng bắt đầu đăng ký thành lập doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Minh Thảo

(Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương)

Link gốc


  • 08/07/2021 09:54
  • Nguồn: vietnamnet.vn
  • 3867