Khi bố con là… thợ điện

Hà Nội vừa trải qua đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt và kéo dài. Đâu đó, giữa chảo lửa như đang thiêu đốt, những bóng áo cam vẫn đang miệt mài kiểm tra đường dây, trạm biến áp đảm bảo cho dòng điện an toàn, liên tục và ổn định. Nét đẹp trong lao động của người thợ điện khi đó đã được những "thi sĩ nhí" vẽ lên hết sức chân thực, bình dị mà gây xúc động mạnh mẽ.

Nhọc nhằn - thợ điện

Mùa hè đối với những người thợ điện luôn một cuộc chiến. Khi nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát của người dân tăng cao, phụ tải của lưới điện tăng cao đột biến và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cung cấp điện, những người thợ điện luôn ở trong tâm thế trực chiến, sẵn sàng khôi phục nhanh nhất có thể các sự cố, cấp điện trở lại cho người dân.

“Các bác ơi đừng mắng

Bố con lại đi rồi

Cơm vừa ăn một bát

Rồi mặc quần áo ngay

Chỉ kịp báo với mẹ

Lại mất đường dây rồi

Thời tiết nóng quá trời

Lưới điện không chống được…”

Đó là những vần thơ của cháu Đoàn Thị Hiền Mai - Học sinh lớp 5A3 Trường Tiểu học Ba Trại, huyện Ba Vì kể về người bố của mình là anh Đoàn Văn Trang, công nhân ngành Điện.

Bài thơ đầy xúc động của cô con gái viết về bố là “Thợ điện Thủ đô” đã nhận được rất nhiều tương tác khi đăng tải trên nhóm Đồng nghiệp EVN.

Ở cái tuổi thơ ngây, tình cảm của con gái nhỏ đối với người bố làm thợ điện là tất cả sự sáng trong, gần gũi, trìu mến và thiết tha, song lại ẩn chứa những nỗi niềm day dứt khó tả. Đó là có bữa cơm gia đình, mẹ mới kịp bày biện dăm ba món, “cơm vừa ăn một bát”, bố đã vội buông đũa đứng dậy, bởi… “lại mất đường dây rồi”...

"Tác phong vội vã của bố mỗi lúc mất điện luôn in đậm trong tâm trí cháu. Mỗi lần nhìn vào mâm cơm còn đang ăn dở, tiếng cười bỏ lửng trong căn nhà nhỏ, quay ra thấy bóng áo cam của bố đã dần xa, cháu không tủi thân, không hờn dỗi mà chỉ thấy thương bố mà thôi" - Đoàn Thị Hiền Mai chia sẻ.

Quả thực, sự cảm thông và hiểu chuyện không đợi tuổi. Những câu thơ mộc mạc nhưng ứa nước mắt người đọc cũng lời dãi bày, phân trần, nói thay cho bố của con gái. Cô học trò nhỏ lớp 5 ấy đã hiểu lắm những vất vả, thiệt thòi, hy sinh của bố mình khi làm nghề thợ điện:

“Không phải đâu bác ơi

Bố con cũng mệt lắm

Nước da bố rám nắng

Đen như bác Bao Công

Quần áo bố ướt sũng

Mồ hôi chảy khắp người

Cháu thương bố cháu lắm…”

Lời thơ mộc mạc, sáng trong đủ khiến người đọc cảm nhận phần nào về nỗi vất vả, nhọc nhằn của nghề thợ điện giữa những ngày nắng cháy. Thường xuyên treo mình trên đường dây, leo mình trên cột điện giữa cái nóng bỏng rát, người tắm trong mồ hôi, da sạm đen vì nắng… 

Hiền Mai tâm sự: "Trong bài thơ, cháu tả thêm về bố Trang của cháu bởi không phải ai cũng có thể đứng dưới cột điện giữa cái nắng thiêu đốt, chứng kiến bố cháu làm việc ra sao, đúng không ạ?"

Đôi khi, vì thiếu đi chút thấu hiểu, thấy điện bị mất đột ngột trong nắng nóng, nhiều người có thể vội… đổ lỗi cho người thợ điện. “Các bác ơi đừng mắng/Không phải đâu bác ơi…” - lời thơ như những cái xua tay non nớt của cô gái nhỏ để muốn mọi người hãy dành cho bố mình chút bình tĩnh và sự cảm thông, yêu thương hơn.

Cô bé thương bố nhiều biết bao nhiêu! Cảm xúc lúc này không cần kìm nén mà dâng trào, có lẽ trong dòng nước mắt: “Cháu thương bố cháu lắm…”. Tình yêu thương của Hiền Mai với bố mình, và ngược lại, luôn không cần bất cứ điều kiện gì bởi đó là sự gắn bó máu thịt, chân thành, tha thiết và thuần khiết nhất!


“Các bác ơi đừng mắng

Bố cũng mệt lắm mà

Cuối tuần tất mọi nhà

Cho con cái đi chơi

Bố con thì đi suốt

Chẳng đưa đi bao giờ…”

Thợ điện, một trong những nghề luôn đòi hỏi sự trách nhiệm cao. Một sự cố nhỏ, gây gián đoạn cung cấp điện cũng sẽ ảnh hưởng đến nhiều khách hàng, nhiều hộ gia đình. Đặc biệt là trong nắng nóng, khi hệ thống lưới điện phải “gồng mình” làm việc liên tục trong môi trường nhiệt độ cao, phải căng mình phục vụ nhu cầu tăng cao của người dân, thì đối với những thợ điện, đây cũng là những lúc căng thẳng nhất. Trách nhiệm lớn lao khi phải đảm bảo an toàn vận hành, phải chạy đua với những khó khăn thách thức khắc phục các sự cố nhanh nhất…

Hơn ai hết, thợ điện hiểu điện quan trọng như thế nào trong cuộc sống. Hệ thống lưới điện trên địa bàn Thủ đô ngày càng phát triển hiện đại, dòng điện luôn được duy trì chất lượng theo năm tháng và người dân đều có cảm nhận của riêng mình. Những sự cố đáng tiếc, không mong muốn có thể xảy ra nhưng chưa bao giờ thiếu vắng sự tận tâm, tận tụy của thợ điện. Họ luôn muốn nhận được sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ của khách hàng, của người dân.  

Đôi khi, nguồn động viên to lớn đối với họ lại đến từ những lời nhắn nhủ nhỏ bé như vậy:

“…Nhưng con hiểu mà bố

Cố lên nhé bố yêu

Con muốn nói rất nhiều

Con yêu bố nhiều lắm

Bố ơi bố cố gắng

Xong việc về với con

 Con vẫn luôn tự hào

Là có bố thợ điện!” 

Sự thấu hiểu, tình cảm yêu thương của con trẻ với những người làm cha, làm mẹ luôn là nguồn năng lượng vô tận, tiếp thêm sức mạnh cho người Thợ điện Thủ đô.

 


  • 01/06/2023 03:14
  • Đình Ngà - Huyền Trang
  • 6288