Khẩn trương tuyên truyền rộng rãi cách phòng, chống dịch Ê-bô-la

Trước tình hình dịch bệnh do vi rút Ê-bô-la diễn biến phức tạp và không ngừng lan rộng khắp Tây Phi, gây tâm lý hoang mang, lo sợ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa có công văn yêu cầu các đơn vị trực thuộc khẩn trương tuyên truyền các thông tin về dịch bệnh này đến toàn thể công nhân viên chức lao động, nhằm chủ động phòng, chống dịch và tránh tâm lý hoang mang.

Theo đó, EVN yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền về dịch bệnh do vi rút Ê-bô-la như: Tình hình mắc dịch bệnh hiện nay trên thế giới và Việt Nam, nguồn lây nhiễm và cách lây nhiễm của dịch bệnh, các đối tượng dễ bị lây nhiễm, các biện pháp vệ sinh để phòng ngừa dịch bệnh Ê-bô-la…

Tập đoàn cũng yêu cầu các đơn vị hạn chế tối đa việc cử công nhân viên chức lao động đi học tập, công tác tại các vùng đang có dịch bệnh do vi rút Ê-bô-la thuộc Tây Phi.

Phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế tại địa phương để theo dõi, giám sát và phòng, chống dịch. Trường hợp có công nhân viên chức lao động mắc dịch bệnh, phải báo cáo kịp thời theo quy chế giám sát dịch của Bộ Y tế.

Ê-bô-la là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh và  tỷ lệ tử vong cao đến 90%. Ngày 13/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, hiện đã có 1.975 ca mắc Ê-bô-la được ghi nhận, trong đó 1.069 trường hợp đã tử vong.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh do vi rút Ê-bô-la, tuy nhiên nguy cơ lây lan dịch bệnh thông qua các đối tượng như khách du lịch, người làm việc, học tập và lao động nhập cảnh trở về từ châu Phi là hoàn toàn có thể.

Triệu chứng và cách phòng bệnh do vi rút Ê-bô-la

* Các triệu chứng thường gặp: Sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, đau họng, nôn, tiêu chảy, phát ban, suy giảm chức năng gan và thận, một số trường hợp xuất huyết trong và ngoài.

* Biện pháp phòng bệnh:

- Không đi du lịch, công tác tới vùng dịch. Trong trường hợp cần thiết, cần tìm hiểu thông tin về tình hình dịch bệnh tại nước đến trước khi đi.

- Thực hành vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn.

- Tránh tiếp xúc với máu và dịch thể của người hoặc động vật nhiễm bệnh hay thi thể của người nhiễm vi rút Ê-bô-la.

- Tránh tiếp xúc hoặc giết mổ động vật hoang dại, tránh ăn thịt sống hoặc chưa nấu chín của các động vật này.

-Tránh tiếp xúc với vật dụng như kim tiêm đã bị ô nhiễm với máu hay dịch thể của người nhiễm bệnh.

- Không cầm, nắm các vật dụng có thể đã dính máu hoặc dịch thể của người nhiễm.

- Đến cơ sở y tế để khám và điều trị nếu vừa trở về từ vùng dịch và thấy xuất hiện các triệu chứng như: Sốt, đau đầu, mệt mỏi, đau họng, tiêu chảy, nôn, đau dạ dày, phát ban.

(Nguồn: Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)

 


  • 15/08/2014 08:00
  • Hồng Hoa
  • 2989


Gửi nhận xét