KPI không chỉ đơn thuần là công cụ quản lý

Thay đổi hệ thống quản lý luôn là vấn đề nan giải với bất kỳ doanh nghiệp nào vì đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả mọi người trong tổ chức. Xung quanh vấn đề này, PV TCĐL đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Nam Phương - Phó tổng giám đốc, Tư vấn trưởng Công ty CP tư vấn quản lý OCD.

Bà Nguyễn Thị Nam Phương

PV: Theo bà, hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu suất cốt lõi KPI có vai trò thế nào trong nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp?

Bà Nguyễn Thị Nam Phương: Hệ thống chỉ tiêu KPI là một công cụ quản lý, hướng tới quản lý công việc ngày càng hiệu quả hơn. Để thay đổi cách nhìn về hiệu suất công việc, đòi hỏi người quản lý các cấp phải thay đổi kỹ năng quản lý. 

Điều đó đồng nghĩa với việc, muốn nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp phải thay đổi từ những công việc nhỏ nhất; lập kế hoạch chi tiết nhất và sau đó đòi hỏi tất cả mọi người cùng thực hiện để đạt được hiệu quả cao nhất. Một doanh nghiệp “dám” áp dụng KPI là một doanh nghiệp có tâm thế hướng tới phát triển bền vững và có phương pháp quản trị bài bản. 

PV: Bà đánh giá thế nào về việc EVN đang từng bước nghiên cứu áp dụng KPI vào quản trị doanh nghiệp?

Bà Nguyễn Thị Nam Phương: Việc thay đổi hệ thống quản lý là việc làm khó khăn đối với một doanh nghiệp. EVN là một doanh nghiệp lớn, để thay đổi và điều chỉnh đòi hỏi nhiều công sức, nỗ lực của các cấp quản lý. 

Áp dụng KPI là nhằm mục đích tạo sự phát triển bền vững trong cạnh tranh lành mạnh. Vì vậy, việc EVN đang từng bước triển khai KPI là một sự thay đổi đáng mừng, tạo động lực cho các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp cùng thay đổi. 

Việc EVN áp dụng KPI từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên còn khẳng định tính nhất quán của hệ thống và các mục tiêu định hướng phát triển của mình. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, EVN đặt mục tiêu chuẩn hóa các quy trình quản trị, đồng nhất được tư tưởng chỉ đạo trong quản lý. Mô hình điều hành thay đổi nghĩa là cơ cấu quản lý phải thay đổi và chuẩn hóa theo. 

Cùng với những thay đổi trong kinh doanh và dịch vụ khách hàng, những năm gần đây, việc áp dụng hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu suất cốt lõi của EVN và các đơn vị thành viên là một tín hiệu đáng mừng, khẳng định nỗ lực của EVN trong việc nâng cao hiệu quả công việc và năng lực quản trị doanh nghiệp. 

PV: Cụ thể, áp dụng KPI sẽ mang lại lợi ích gì cho các đơn vị thành viên của EVN, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Nam Phương: Đề cập đến lợi ích khi áp dụng chỉ số KPI phải nói đến chuỗi giá trị trong 3 ngành nghề kinh doanh chính của EVN. 

Cụ thể, trong khối phát điện, đối với các công ty cổ phần, đặc biệt là các chủ sở hữu rất quan tâm đến KPI, bởi đó là công cụ để “nói chuyện” với các cổ đông trên cơ sở hiệu quả hoạt động của các nhà máy. Còn đối với các nhà máy phụ thuộc, Tập đoàn cũng đã giao chỉ tiêu hiệu quả khá cụ thể. Với các chỉ tiêu về nhân sự và chi phí được giao, hệ thống KPI sẽ giúp các nhà máy điều chỉnh có định hướng các hệ thống quản lý khác, đặc biệt là hệ thống quản lý theo tổ chức, quy trình. Có thể khẳng định, lợi ích khi áp dụng KPI đối với khối phát điện là rõ nét nhất. 

Còn với Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), khi được Tập đoàn giao các chỉ tiêu chung, EVNNPT sẽ phân chia về các đơn vị trực thuộc, trên cơ sở phân tích đặc thù của mỗi đơn vị. Theo đó, khi áp dụng KPI, EVNNPT sẽ quản lý đầy đủ và nhất quán các đơn vị theo từng vùng miền. 

Đối với khối phân phối, vì đang chuẩn bị bước vào thị trường bán buôn điện cạnh tranh, nên việc xử lý nguồn mua và bán rất phức tạp. Tuy nhiên, họ có thể sử dụng KPI để đơn giản hóa các vấn đề. Khối phân phối cũng lấy mục tiêu của Tập đoàn và lấy các chỉ tiêu lõi, từ đó xây dựng mục tiêu riêng cho từng đơn vị. 

Ví dụ, trong Đề án nâng cao năng suất lao động, 2 năm qua, EVN đã giao rất nhiều chỉ tiêu cho các đơn vị tương ứng với mục tiêu chiến lược trong bản đồ chiến lược của Tập đoàn. Trên cơ sở các chỉ tiêu đó, các đơn vị thuộc khối phân phối sẽ cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, phù hợp với nội tại của từng đơn vị. Tuy nhiên, nếu tất cả các Tổng công ty/Công ty/Điện lực cùng thay đổi sẽ tạo áp lực rất lớn về thời gian, do lực lượng quá đông, quá nhiều cấp quản lý. Song, trong nguy có cơ, nếu các đơn vị thuộc khối phân phối gặp phải khó khăn đó, các chỉ tiêu KPI sẽ giải quyết được các vấn đề căn bản nhất, không chạy đua theo tất cả những vấn đề phát sinh. 

Đối với các bộ phận phụ trợ khác, việc áp dụng chỉ số KPI để phù hợp với từng chương trình hoạt động, mục tiêu chiến lược của từng đơn vị. Thực tế đã chứng minh, KPI là phương thức quản lý khá phổ biến trong các lĩnh vực quản trị doanh nghiệp trên thế giới. Điều quan trọng là mỗi đơn vị, doanh nghiệp khi áp dụng KPI phải sử dụng một cách linh hoạt, sáng suốt, không nên phức tạp hóa vấn đề. Đặc biệt, trong thời gian đầu nên áp dụng một cách đơn giản nhất để nâng cao hiệu quả công việc. 

PV: Theo bà, EVN và các đơn vị cần phải làm gì trước tiên để áp dụng thành công KPI?

Bà Nguyễn Thị Nam Phương: Điều kiện thành công đối với việc áp dụng hệ thống KPI luôn là yếu tố lãnh đạo và nhà quản lý. Nhà lãnh đạo cấp cao phải cam kết và luôn coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cần phải đầu tư nhiều thời gian và công sức. Tất cả lãnh đạo các đơn vị phải là người trực tiếp tạo nên hệ thống chỉ tiêu cho doanh nghiệp, sau đó mới giao về từng bộ phận. 

Điều đó có nghĩa, các trưởng bộ phận muốn thành công thì phải có lãnh đạo tâm huyết, phải tích cực truyền thông từ tập đoàn xuống từng đơn vị/ bộ phận/ cá nhân... Khi lãnh đạo tâm huyết sẽ “lôi kéo” được tất cả các phòng/ ban/ bộ phận/ cá nhân thực hiện. Để đánh giá được thành công của KPI phải qua được một chu kỳ kinh doanh, ít nhất phải sau một năm, các bộ phận mới có thể hoạt động ổn định. EVN đã có quyết tâm, định hướng và cần phải vượt qua được sự sốt ruột mới có thể triển khai được KPI thành công. 

PV: Xin cảm ơn bà! 

Hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc là một bộ phận của hệ thống đo lường hiệu suất và kết quả công việc của một tổ chức, một bộ phận hay một cá nhân.
Tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc gồm 2 loại:
- Chỉ tiêu đánh giá hiệu suất cốt lõi (KPI - Key Performance Indicators)
- Chỉ tiêu đánh giá kết quả cốt lõi (KRI - Key Result Indicators)
Sự khác biệt giữa KPI và KRI:
- KPI - tập trung vào các nhân tố hiệu suất của một doanh nghiệp hoặc đơn vị.
- KRI - tập trung vào đo lường kết quả cuối cùng của một đơn vị hoặc một cá nhân.


 


  • 01/01/2017 03:07
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 17524