JINED chia sẻ kinh nghiệm với EVN về chất thải nhà máy điện hạt nhân

Theo ông Takahashi – Giám đốc Công ty Phát triển Điện hạt nhân Quốc tế Nhật Bản, chất thải trong nhà máy điện hạt nhân là một trong những yếu tố quan trọng liên quan đến an toàn, an ninh của nhà máy.

Hội thảo lần thứ 6 về chất thải trong nhà máy điện hạt nhân đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với Công ty Phát triển Điện hạt nhân Quốc tế Nhật Bản (JINED) tổ chức  tại Hà Nội, ngày 25/11.

Việc xử lý chất thải trong nhà máy điện hạt nhân là vấn đề quan trọng, liên quan đến an toàn, an ninh của nhà máy - Ảnh: P.Trang

Tại Hội thảo, ông Takahashi – Giám đốc JINED cho biết: Với kinh nghiệm hơn 50 năm phát triển, và theo thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, thời gian quan JINED và các công ty điện hạt nhân Nhật Bản thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, chương trình đào tạo nhằm trao đổi kinh nghiệm về nhiều vấn đề liên quan trong lĩnh vực điện hạt nhân.

Về chất thải trong nhà máy điện hạt nhân, chỉ tính riêng trong 2 năm (2013 – 2014), EVN và JINED đã tổ chức 6 hội thảo liên tiếp. Sau hội thảo lần thứ 5 được tổ chức vào tháng 6/2014, dựa trên yêu cầu của Việt Nam, tại hội thảo lần thứ 6 này, Nhật Bản tập trung vào chế độ tiền điện ở Nhật Bản.

Hiện nay, cơ chế giá điện ở Nhật Bản, đặc biệt là giá điện từ điện hạt nhân phải được tính toán làm sao để đảm bảo không để lại gánh nặng cho tương lai và nó phải bao gồm các chi phí liên quan.

Cụ thể, ngay sau khi nhà máy điện hạt nhân đi vào hoạt động, ngoài các yếu tố liên quan như nhiên liệu... giá điện hạt nhân còn phải được tính toán bao gồm các chi phí liên quan đến việc vận chuyển, lưu trữ và quản lý, sử dụng đối với chất thải của nhà máy.

Các chi phí này sau khi được hạch toán trong giá điện sẽ được sử dụng cho việc xử lý các chất thải của nhà máy điện hạt nhân, và phải được hình thành qua một thời gian dài (trong toàn bộ quá trình vận hành nhà máy), để từ đó không tạo “gánh nặng” cho các thế hệ tương lai.

“Những điểm này có thể không hoàn toàn phù hợp với đặc thù của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng rằng, cơ chế này sẽ có giá trị tham khảo đối với Việt Nam trong việc xây dựng cơ chế giá điện phù hợp, đặc biệt trong thời gian tới khi các nhà máy điện hạt nhân đi vào hoạt động”, ông Takahashi nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Cường Lâm – Phó tổng giám đốc EVN, Giám đốc Ban quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cảm ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản và các tổ chức, công ty điện hạt nhân đối với EVN nói riêng và Việt Nam trong thời gian qua, Phó tổng giám đốc EVN cũng hy vọng đây sẽ là những kinh nghiệm quý báu đối với Việt Nam trong tiến trình phát triển điện hạt nhân sắp tới.

Bên cạnh đó, tại hội thảo lần thứ 6 về chất thải nhà máy điện hạt nhân, các nội dung được đề cập đó là khuôn khổ tài chính để hình thành quỹ phục vụ cho việc xử lý chất thải nhà máy điện hạt nhân; quy định của Nhật Bản về các quỹ phục vụ cho việc xử lý chất thải nhà máy điện hạt nhân; cơ chế về quỹ để phục vụ cho việc xử lý cuối cùng đối với chất thải có nồng độ phóng xạ cao trong quá trình xử lý; giám sát việc tuân thủ các mức độ giải phóng mặt bằng; tình hình xử lý chất thải tại một số quốc gia; kế hoạch hình thành các tiêu chuẩn về quản lý chất thải tại Việt Nam…


  • 25/11/2014 01:31
  • Phan Trang
  • 3670


Gửi nhận xét