IMIS: Bước đột phá của EVN trong quản lý đầu tư xây dựng

Với công nghệ hiện đại, tính năng hỗ trợ nghiệp vụ đầy đủ, phần mềm Quản lý đầu tư xây dựng (IMIS) từ khi được ứng dụng đã làm thay đổi phương thức quản lý các dự án đầu tư xây dựng của EVN. PV Tạp chí Điện lực đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Ngọc Hiển - Phó Giám đốc Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ Thông tin (EVNICT) về vấn đề này.

Ông Phạm Ngọc Hiển

PV: Thưa ông, phần mềm quản lý đầu tư xây dựng mới được trao danh hiệu Sao Khuê 2018? đâu là thế mạnh giúp IMIS vượt qua các đề cử khác?

Ông Phạm Ngọc Hiển: Phải khẳng định rằng, trong 100 đề cử, thì 73 sản phẩm, dịch vụ CNTT đạt danh hiệu Sao Khuê 2018 đều rất xuất sắc, có những ưu thế của riêng mình và do các công ty hàng đầu về CNTT của Việt Nam phát triển. Điều làm cho IMIS nổi bật trong sự thẩm định hết sức nghiêm túc của các chuyên gia đến từ Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) là: IMIS là phần mềm duy nhất cung cấp một giải pháp toàn diện, đáp ứng đầy đủ các quy trình nghiệp vụ, tích hợp các công nghệ hiện đại, thỏa mãn tốt nhất yêu cầu của người sử dụng cũng như cung cấp số liệu trực quan cho các cấp quản lý của một dự án đầu tư xây dựng.

Cụ thể, IMIS đáp ứng đầy đủ các thông tin, tài liệu, văn bản pháp luật liên quan đến quản lý dự án đầu tư. Đồng thời, có thể theo dõi, xử lý các công việc một cách tổng thể trong toàn bộ vòng đời của dự án, từ khâu chuẩn bị, thực hiện đến kết thúc đầu tư. Đặc biệt, phần mềm đã cung cấp các giải pháp đột phá như: Giám sát thi công theo từng loại công trình, kho dữ liệu nhà thầu tập trung, hay việc phê duyệt tài liệu thiết kế nhằm nâng cao chất lượng thi công cũng như giảm thiểu chi phí và sự rủi ro của các công trình xây dựng. Phần mềm đã tích hợp công nghệ GPS và các công nghệ mobile để xây dựng các chức năng, app di động. IMIS còn sử dụng các công nghệ nổi bật trong quản lý cơ sở dữ liệu lớn để áp dụng một cách thống nhất và xuyên suốt trong một Tập đoàn lớn như EVN. 

PV: Từ khi được đưa vào áp dụng, IMIS đem lại những lợi ích cụ thể nào, thưa ông? 

Ông Phạm Ngọc Hiển: Đến nay, IMIS đang áp dụng tại 209 đơn vị, trong đó có 25 đơn vị cấp 2 và Tổng công ty thành viên, 183 đơn vị cấp 3 của EVN. Sau một thời gian đưa vào áp dụng, phần mềm IMIS đã mang lại hiệu quả thiết thực trong quản lý, và mang lại lợi ích kinh tế đáng kể giúp lãnh đạo Tập đoàn, lãnh đạo đơn vị kiểm tra, giám sát tiến độ và kịp thời cập nhật các thông tin điều hành, chỉ đạo. Đồng thời, IMIS hỗ trợ cán bộ dự án dễ dàng theo dõi, xử lý các công việc. IMIS ra đời cũng đã thay đổi cục diện toàn bộ phương thức quản lý tại các Ban quản lý dự án trong EVN. Trước đây, việc quản lý dự án chủ yếu được thực hiện thủ công, nay toàn bộ công tác này đã được số hóa, thực hiện một cách chuyên nghiệp, hiện đại.

Đặc biệt, phần mềm mang lại hiệu quả kinh tế lớn khi hỗ trợ các đơn vị của EVN chấm điểm đánh giá, lựa chọn nhà thầu, giám sát thi công, nâng cao chất lượng dự án đầu tư xây dựng, tạo tiền đề cho tiết kiệm chi phí sửa chữa, thay thế, cũng như giảm thiểu rủi ro trong quá trình vận hành sau này. 

PV: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thiết kế, phát triển phần mềm này, nhóm Dự án của EVNICT có gặp những khó khăn, thách thức gì, thưa ông? 

Ông Phạm Ngọc Hiển: Tháng 8/2016, lãnh đạo Tập đoàn đã giao EVNICT thực hiện xây dựng và phát triển phần mềm quản lý đầu tư xây dựng. Thực tế, đây là một “đề bài” khó. Việc thống nhất các yêu cầu và dữ liệu trao đổi từ nhiều Ban chuyên môn của EVN là một thách thức lớn đối với EVNICT.

Bên cạnh đó, trước IMIS, các tổng công ty của EVN đều đã xây dựng và triển khai phần mềm riêng biệt của đơn vị mình, với công nghệ, module chức năng hoàn toàn khác nhau. Tại các dự án, mỗi nhà thầu thực hiện có các phương pháp quản lý và cách thức báo cáo, trao đổi dữ liệu với Bản quản lý dự án một cách độc lập, không thống nhất. Việc đưa phần mềm IMIS vào áp dụng cần phải giải quyết những vấn đề rất khó khăn như: Vừa đảm bảo tính thống nhất nghiệp vụ toàn Tập đoàn, vừa phải đáp ứng các yêu cầu quản lý riêng biệt của từng đơn vị, không được làm thay đổi nhiều thói quen của người sử dụng, cũng như cần phải đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu đã có và những dữ liệu phát sinh.

Ngoài ra, công tác giám sát thi công đều do các đơn vị ngoài EVN thực hiện, nên đối tượng sử dụng rất  đa dạng. Việc yêu cầu sử dụng các app, chức năng của phần mềm IMIS đối với đơn vị tư vấn giám sát cũng không dễ dàng.

Tuy nhiên, để hoàn thành nhiệm vụ tưởng như “bất khả thi” này, EVNICT đã phối hợp chặt chẽ với các Ban chuyên môn Tập đoàn, cũng như các Tổng công ty, thống nhất “đề bài” về phần mềm IMIS. EVNICT đã chủ động hợp tác chặt chẽ với các đơn vị Viễn thông và CNTT tại các Tổng công ty để trao đổi các kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển phần mềm trước đây, đồng thời phát huy được những tinh túy từ các phần mềm đó. Nhờ vậy, IMIS không chỉ có “sức mạnh” từ các phần mềm hiện đang sử dụng tại các đơn vị, mà còn được phát triển thêm các chức năng và tiện ích theo yêu cầu mới. Đồng thời, EVNICT đã xây dựng các công cụ đảm bảo chuyển đổi 100% dữ liệu đã có tại các đơn vị.

PV: Xin cảm ơn ông! 


  • 27/06/2018 03:01
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 23317