Huyện Đam Rông (Lâm Đồng): Đổi đời nhờ có điện lưới quốc gia

Đam Rông là huyện vùng xa thuộc diện khó khăn của tỉnh Lâm Đồng. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều dự án về cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm được triển khai…

Vượt hơn 100 cây số đường đèo từ thành phố Đà Lạt, chúng tôi đến Đam Rông thăm bà con thôn 5, xã Rômen. 100% hộ dân của thôn này là đồng bào dân tộc Hơ Mông di cư từ vùng núi cao Tây Bắc để đến đây xây dựng kinh tế mới.

Nhìn những con đường bê tông chạy dài, những rẫy cà phê xanh mướt đang kỳ trổ hoa, những ngôi nhà mọc lên san sát, điện lưới quốc gia được kéo về tận thôn bản khó có thể hình dung được gần 10 năm trước nơi đây chỉ là vùng đất hoang vu.

Anh Giàng Seo Xì, 32 tuổi, quê Tuyên Quang cùng vợ và 3 con vào đây lập nghiệp từ năm 2007 cho biết: Những ngày đầu mới vào lập nghiệp, cuộc sống của gia đình gặp muôn vàn khó khăn, quanh năm chỉ có đèn dầu tù mù. Chỉ đến khi có điện lưới quốc gia, cuộc sống của gia đình anh cũng như nhiều hộ dân khác ở nơi đây mới thực sự thay đổi. Trong thôn bây giờ nhà nào cũng có có xe máy, đài, ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện… Sau hơn 6 năm chăm chỉ làm ăn, giờ đây, cuộc sống của gia đình anh đã có của ăn, của để, con cái được học hành đầy đủ. Vụ cà phê năm nay tuy không được mùa như năm ngoái, song thời điểm này gia đình anh cũng có đến 3 tấn cà phê và 1 tấn lúa dự trữ trong nhà.

Nhờ có điện lưới quốc gia, các em nhỏ huyện Đam Rông (Lâm Đồng) không còn phải ngồi học bài dưới những cây đèn dầu tù mù - Ảnh:L.Anh.

Là người sống lâu năm ở vùng đất này, ông Hoàng Xuân Tháy, Phó trưởng thôn 5, xã Rômen cho biết: Những năm trước khi chưa có điện lưới quốc gia cuộc sống người dân ở đây khá vất vả, chủ yếu chỉ dựa vào nương, rẫy. Đến năm 2009, Dự án cấp điện cho các thôn buôn Tây Nguyên được thực hiện, mang lại ánh sáng cho mọi nhà, bà con vô cùng phấn khởi. Ðiện kéo đến đâu, xóm, ấp theo đó mà thay đổi, phát triển từng ngày, mọi sinh hoạt của người dân đều được cải thiện, trẻ em được học hành đến nơi đến chốn.

Điều đáng nói là khi có điện, qua các phương tiện thông tin đại chúng, bà con đã nắm bắt được khoa học - công nghệ để làm nông nghiệp, trong đó chủ yếu là canh tác cây cà phê cho thu nhập cao. Theo ông Thái Viết Phúc, Phó Bí thư, Chủ tịch xã Rômen, huyện Đam Rông: Từ một xã rất nghèo, 5 năm trở lại đây, đời sống của hơn 1.600 hộ dân trong xã đã phát triển khá toàn diện. Trong các buôn làng, những mái nhà mới mọc lên ngày càng nhiều hơn, người dân địa phương yên tâm sản xuất hướng đến mục tiêu thoát nghèo bền vững. Sản xuất nông nghiệp đang bắt đầu với những mô hình mới, trồng rừng cho thu nhập khá ổn định...

Tính đến hết năm 2013, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 18 triệu đồng/năm, tăng hơn 3 triệu đồng so với năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 11,39%, giảm 8,41% so với đầu năm 2013.

Từ những chương trình, dự án đầu tư theo Nghị quyết 30a của Chính phủ được triển khai tại Đam Rông đã rút ngắn khoảng cách giữa vùng sâu, vùng xa đến trung tâm xã. Hiện 98% hộ dân trong xã có điện, góp phần thúc đẩy xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân.

Điện lưới quốc gia về đã giúp cho vùng đồng bào dân tộc nghèo Đam Rông thực sự thay da, đổi thịt, ngày càng phát triển, góp phần tích cực trong việc thực hiện hoàn thành mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Một mùa xuân mới đang về mang theo niềm vui của bà con khắp các thôn bản nơi này, một mùa xuân của ấm no và hạnh phúc.

Điện lực Đam Rông được thành lập ngày 15/12/2009 với  18 CBCNV.

Khối lượng quản lý bao gồm: 01 trạm trung gian Rô Men với dung lượng là 6.300 KVA. – 35/22 kV; 105,797 km đường dây trung thế 22 kV; 147,793 km đường dây hạ thế; 100 trạm phân phối với dung lượng 3.460 KVA.

Tổng số khách hàng là 6.213.

 


  • 09/02/2014 10:20
  • Lan Anh
  • 4376


Gửi nhận xét