Hồ thủy điện miền Bắc cần theo dõi sát diễn biến bão để đảm bảo an toàn

Với lượng mưa như hiện tại của bão số 3 gây ra, các đơn vị ngành Điện cần theo dõi sát tình hình mưa bão để đảm bảo an toàn vận hành hồ chứa thủy điện và nhất là cắt lũ cho hạ du - Đó là khuyến cáo của bà Đặng Thanh Mai - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương.

Để cập nhật tình hình diễn biến và tác động của bão số 3, evn.com.vn đã phỏng vấn nhanh bà Đặng Thanh Mai - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương.

PV: Đến thời điểm hiện tại, bão số 3 đang diễn biến và tác động cụ thể như thế nào đến nước ta, thưa bà?

Bà Đặng Thanh Mai: Bão số 3 đã đổ bộ vào nước ta từ khoảng 20 giờ tối nay (16/9) trên địa phận các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng và ảnh hưởng đến một số tỉnh lân cận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 - 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12. 

Do ảnh hưởng của bão, ở đảo Bạch Long Vĩ đã có gió giật cấp 12, đảo Cô Tô có gió giật cấp 11; ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn) gió giật cấp 13; ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn có gió giật mạnh cấp 9 - 10, các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Dương có gió giật cấp 6 – 8. Ở các tỉnh Đông Bắc Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 20 – 40 mm, riêng đảo Cô Tô 111 mm.

Tâm bão số 3 hồi 21h ngày 16/9/2014 - Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTV TƯ

PV: Với sức gió như vậy, bão số 3 có khả năng ảnh hưởng thế nào đến các đơn vị ngành Điện, thưa bà?

Bà Đặng Thanh Mai: Trên lý thuyết thì với cấp độ gió giật từ cấp 9, cấp 10 là đã có thể tác động xấu (làm đổ, gãy, mất liên kết...) hệ thống cây cối, cột điện, lưới điện và tốc mái, thậm chí xô đổ các ngôi nhà không kiên cố. Và với sức gió giật như hiện tại của bão số 3, nguy cơ ảnh hưởng đến hệ thống lưới điện là rất lớn. Tùy vào mức độ chịu đựng của hệ thống điện cụ thể các địa phương khác nhau, tuy nhiên theo tôi thiệt hại là rất khó tránh.

Đặc biệt, hiện bão số 3 đang gây mưa to khiến mực nước các sông suối lên nhanh. Số liệu từ hệ thống quan trắc cho biết, lượng mưa phổ biến ở các tỉnh Bắc bộ đang giao động từ 100 - 200 mm, thậm chí một số tỉnh có thể đạt mức trên 300 mm.Theo đó, mực nước tại hệ thống sông suối nhỏ các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang... đang lên rất nhanh, có thể đạt tới trên báo động 3. Lũ ở một số sông cũng đang và sẽ tiếp tục lên nhanh, hiện Sông Lục Nam đã lên tới mức báo động 3. Với tình hình này, hệ thống các hồ chứa, nhất là các hồ chứa thủy điện miền Bắc rất có thể sẽ chạm ngưỡng báo động. Vì vậy, nguy cơ mất an toàn vận hành và xả lũ là yếu tố không được loại trừ trong công tác phòng chống tác động của mưa lũ.

PV: Vậy khuyến cáo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đối với các hồ chứa thủy điện là gì, thưa bà?

Bà Đặng Thanh Mai: Các đơn vị ngành Điện, đặc biệt là các chủ hồ thủy điện, cần theo dõi sát diễn biến của mưa bão, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương các cấp để vận hành các hồ chứa một cách an toàn nhất có thể. Trong trường hợp phải xả lũ, cần tính toán các phương án tối ưu để đảm bảo an toàn cao nhất cho hạ du.

Dự báo ngày mai - 17/9, sau khi bão tiến sâu vào đất liền nước ta và tan thành một vùng áp thấp, tiếp tục gây mưa lớn. Nhiều khả năng sẽ xuất hiện lũ trên hệ thống sông Đà. Vì vậy, các hồ thủy điện trên các bậc thang thủy điện Sông Đà cần đề cao cảnh giác, chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch đối phó ngay từ bây giờ.

 PV: Xin cảm ơn bà!

 

 

 


  • 16/09/2014 10:56
  • Vĩnh Long
  • 3629


Gửi nhận xét