Hồ thủy điện đã tham gia tích cực và hiệu quả trong điều tiết chống lũ

Đó là khẳng định của ông Đỗ Đức Quân – Vụ trưởng Vụ Thủy điện (Tổng cục Năng lượng – Bộ Công Thương) khi trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện lực về công tác điều tiết xả lũ của các nhà máy thủy điện.

Ông Đỗ Đức Quân

Phóng viên (PV):  Xin ông cho biết, vai trò của thủy điện đối với đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như phục vụ phát triển kinh tế xã hội trong đó có việc điều tiết xả lũ vào mùa mưa và chống hạn và mùa khô cho hạ du?

Ông Đỗ Đức Quân: Việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện đã và đang góp phần rất quan trọng trong việc đảm bảo điện cũng như phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong điều kiện nguồn nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt. Hiện các nhà máy thuỷ điện đang đóng góp gần 50% công suất nguồn và gần 44% sản lượng điện cho hệ thống điện Việt Nam.

Về vai trò điều tiết nước: Mặc dù số lượng hồ thủy điện chỉ có 268/7.000 hồ chứa, nhưng chiếm khoảng 86% tổng dung tích các hồ chứa (56/65 tỷ m3 nước). Đây là nguồn dự trữ nước quan trọng, bảm đảm an ninh nguồn nước, chủ động cấp nước về mùa khô và cắt giảm lũ cho vùng hạ du mùa mưa bão.

Trong những năm qua, các hồ thủy điện có vai trò quan trọng trong việc điều tiết nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân. Đặc biệt, tại khu vực phía Bắc, các hồ thủy điện: Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà đã cấp nhiều tỷ m3 nước cho đồng bằng Bắc Bộ nhất là vụ Đông Xuân trong mùa khô hằng năm. Các hồ thủy điện khu vực miền Trung như: Hương Điền, Bình Điền, A Vương, Sông Tranh 2, Buôn Tua Srah, Đa Nhim, Đại Ninh cũng đã cung cấp hàng tỷ m3 nước phục vụ chống hạn cho hạ du. Các hồ chứa này là công cụ điều tiết nước một cách  chủ động cho các địa phương trong mùa khô, nhất là trong các đợt hạn hán vừa qua.

Về vai trò cắt giảm lũ: Nhiều hồ thủy điện lớn đã thực hiện tốt chức năng phòng chống lũ cho hạ du. Hiện nay, tổng dung tích phòng lũ của các hồ thủy điện khoảng 10 tỷ m3. Do điều kiện tự nhiên về địa hình và khí hậu, miền Bắc và bắc Trung Bộ có khả năng xây dựng được các hồ chứa dung tích lớn, có thể chủ động phòng lũ cho hạ du. Vì vậy, vai trò chống lũ của các hồ thủy điện ở khu vực này phát huy được hiệu quả. Với dung tích phòng lũ 7 tỷ m3 tại các hồ thủy điện: Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Thác Bà, các trận lũ lớn trên hệ thống sông Hồng cơ bản được khống chế, đảm bảo Hà Nội an toàn với trận lũ có chu kỳ 500 năm (lớn hơn nhiều so với lũ năm 1971). Đối với khu vực miền Trung, do điều kiện địa hình và khí hậu (sông ngắn, dốc, mưa lớn và tập trung), không có khả năng xây dựng được các hồ chứa lớn để cắt lũ hiệu quả. Vì vậy, các hồ chứa này chỉ có tác dụng giảm và làm chậm đỉnh lũ. Qua các trận lũ năm 2013 tại miền Trung cho thấy, vai trò cắt giảm đỉnh lũ và lượng nước lũ cho hạ du của các hồ thủy điện là hiệu quả, như hồ Đắk Mi 4 giảm 10% đỉnh, Sông Tranh 2 giảm trên 50% đỉnh…

Thủy điện Ialy

PV: Nhằm đảm bảo vận hành hiệu quả các hồ thủy điện, Bộ Công Thương, Vụ Thủy điện Tổng cục Năng lượng có trách nhiệm ra sao, thưa ông?

Ông Đỗ Đức Quân: Với vận hành các hồ thủy điện, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy trình vận hành liên hồ chứa. Bộ Công Thương thẩm định phê duyệt quy trình vận hành đơn đối với các hồ chứa dung tích lớn trên 1triệu m3. Trong quá trình xây dựng quy trình vận hành, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, tính toán xét đến đặc điểm mưa, lũ từng lưu vực và khu vực hạ du, khả năng phòng chống lũ của các hồ chứa, tính toán việc cấp nước vào mùa khô và phát điện cung cấp cho hệ thống… từ đó đưa ra các quy định phù hợp cho từng hồ chứa và hệ thống hồ chứa.

Với vai trò quản lý nhà nước về thủy điện, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT, các địa phương, chỉ đạo, kiểm tra các chủ hồ chứa thực hiện nghiêm túc các quy định về xả lũ trong quy trình vận hành, cấp nước mùa khô, các quy định về đảm bảo an toàn đập và phê duyệt phương án phòng chống lụt bão. Trong và sau lũ, Bộ  luôn theo dõi, phối hợp với các cơ quan chức năng, kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định khi vận hành xả lũ của các chủ hồ. Về mùa khô, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và UBND các tỉnh phối hợp với các nhà máy thủy điện lập kế hoạch vận hành cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt vùng hạ du.

Thời gian qua, sau các đợt kiểm tra, rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành các công trình thủy điện, đảm bảo thủy điện hoạt động hiệu quả, đồng thời  bảo vệ môi trường sinh thái và an toàn cho vùng hạ du, Bộ Công Thương đã có báo cáo trình Chính phủ và ngày 13/5/2010 đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-BCT, yêu cầu các địa phương phải thẩm định kỹ trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó lưu ý thẩm định nguồn lực tài chính, năng lực và kinh nghiệm tổ chức quản lý dự án thủy lợi, thủy điện của chủ đầu tư. Yêu cầu các chủ đầu tư cam kết thực hiện bảo vệ môi trường, đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ thực hiện và ghi rõ các nội dung này trong giấy chứng nhận đầu tư.

Năm 2014, để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du các dự án thủy điện, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-BCT ngày 13/5/2014 về việc thực hiện công tác cảnh báo vận hành hồ chứa và nhà máy thủy điện.

PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của EVN trong việc điều tiết xả lũ các hồ thủy điện trong những năm qua, thưa ông?

Ông Đỗ Đức Quân: EVN là chủ sở hữu hầu hết các hồ thủy điện lớn và quan trọng. Vì vậy công tác vận hành điều tiết lũ đã được EVN đặc biệt quan tâm với sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ và bài bản của Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan. Thực tế, các hồ thủy điện đã tham gia tích cực và có hiệu quả trong vận hành điều tiết chống lũ, giảm lũ tại các lưu vực hạ du cũng như cấp nước chống hạn cho hạ du. Việc phối hợp với các ngành và địa phương ngày càng chặt chẽ, một số nhà máy có nhiều sáng kiến trong công tác điều tiết xả lũ đạt hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn ông!                 
 

Nguyên tắc vận hành liên hồ chứa trên một số lưu vực sông:

1. Lưu vực sông Ba (các hồ: Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông H'Năng, Ayun Hạ và An Khê - Ka Nak):

- Phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các công trình thủy điện Sông Ba Hạ, Krông H'Năng, An Khê - Ka Nak,  không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước kiểm tra với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 1.000 năm;

- Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình thủy điện Sông Hinh, không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước thiết kế với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 200 năm;

- Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình hồ chứa Ayun Hạ, không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước gia cường ứng với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 100 năm.

- Việc vận hành các hồ phải góp phần giảm lũ cho hạ du và bảo đảm hiệu quả phát điện...

2. Liên hồ chứa các hồ Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp, Srêpôk3 và Srêpôk4:

- Từ ngày 1/8 đến 30/11 hàng năm, các hồ này phải vận hành theo nguyên tắc và thứ tự ưu tiên đảm bảo an toàn công trình; góp phần giảm lũ cho hạ du và không gây biến động dòng chảy đột ngột vùng biên giới Việt Nam và Cămpuchia, đảm bảo hiệu quả phát điện.

(Nguồn: Chinhphu.vn)
 

Một số quy định vận hành liên hồ chứa Hòa Bình – Sơn La – Tuyên Quang - Thác Bà (theo Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 10/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ).

- Từ ngày 15/6 đến 15/9 hàng năm, các hồ Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang phải được điều tiết để phục vụ chống lũ và phát điện.

- Quy định việc vận hành xả lũ:
- Hồ Hòa Bình, mở lần lượt 6 cửa xả đáy đầu tiên, mỗi cửa cách nhau 6 giờ, các cửa tiếp theo có thể đóng, mở nhanh hơn.

- Hồ Tuyên Quang đóng, mở lần lượt 4 cửa xả đáy đầu tiên, mỗi cửa cách nhau 6 giờ, các cửa tiếp theo có thể đóng, mở nhanh hơn.

* Trường hợp xả lũ hồ Hòa Bình làm cho mực nước tại TP Hòa Bình vượt cao trình 24 m và xả lũ hồ Tuyên Quang làm cho mực nước tại TP Tuyên Quang vượt cao trình 26m, phải được thông báo trước 6 giờ tính đến thời điểm thực hiện.

* Trước khi hồ Hòa Bình xả lũ, dự kiến có thể làm mực nước sông Đà tại TP Hòa Bình vượt cao trình 24m, Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình phải thông báo cho Chủ tịch UBND và Trưởng Ban chỉ huy PCLB tỉnh Hòa Bình biết trước 6 giờ tính đến thời điểm mực nước lũ đạt tới cao trình 24m.

* Trước khi hồ Tuyên Quang xả lũ, dự kiến có thể làm mực nước tại TP Tuyên Quang vượt cao trình 27m, Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang phải thông báo cho Chủ tịch UBND và Trưởng Ban chỉ huy PCLB tỉnh Tuyên Quang biết trước 6 giờ tính đến thời điểm mực nước lũ đạt tới cao trình 27m.
 

 


  • 04/09/2014 04:42
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 6464


Gửi nhận xét