Hồ Chủ tịch đến thăm hai nhà máy điện

Sự kiện Bác Hồ đến thăm Nhà máy điện Yên Phụ và Nhà máy đèn Bờ Hồ ngày 21/12/1954 trở thành dấu mốc quan trọng với các thế hệ CBCNV ngành Điện. Đặc biệt, những lời căn dặn giản dị, mộc mạc mà sâu sắc của Người đã luôn ở trong tim những người làm điện. Nhân kỷ niệm lần thứ 65 ngày Truyền thống ngành Điện lực Việt Nam, Tạp chí Điện lực xin giới thiệu bài viết đã đăng trên báo Nhân Dân số ra ngày 24/12/1954, ghi lại sự kiện trọng đại này.

Vừa rồi, Hồ Chủ tịch đã đến thăm Nhà máy điện Yên Phụ và Nhà máy đèn Bờ Hồ (Hà Nội). Cùng đi với Người có đồng chí Trần Danh Tuyên - Tổng thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội.

Nỗi niềm chứa chan đến với tất cả mọi người khi Bác Hồ bước vào nhà máy. Anh chị em gọi truyền nhau ríu rít: “Bác đến! Bác đến!”, rồi chạy cả ra sân reo mừng đón Bác. Hồ Chủ tịch đi thăm các bộ phận trong Nhà máy điện Yên Phụ: Máy bơm nước, máy phát điện,…

Hồ Chủ tịch tới Nhà máy đèn Bờ Hồ giữa lúc một số đông anh em đang nghiên cứu, thảo luận tình hình mới. Mọi người nhảy lên sung sướng: “Bác! Bác đến kìa! Sung sướng cho Nhà máy quá!”

Chỉ trong nháy mắt, tất cả anh chị em, trừ những người đang bận trông máy, đã quây quần chung quanh Hồ Chủ tịch, chăm chú ngắm gương mặt hiền từ của Người, đón nghe những lời dạy bảo của Người.

Ở cả hai nơi, Hồ Chủ tịch đã thăm hỏi sức khỏe, tình hình công tác và sinh hoạt của anh chị em cán bộ, công nhân viên. Bác nói: “Trong lúc quân Pháp sắp rút lui, các cô, các chú từ cán bộ đến công nhân đã ra sức đấu tranh giữ nhà máy tương đối được hoàn toàn. Đấy là một điều rất tốt. Sau khi Chính phủ ta về tiếp quản Thủ đô, các cô, các chú đã cố gắng sản xuất điện đều, làm cho sinh hoạt của đồng bào trong thành phố được tiếp tục như thường. Bác thay mặt Chính phủ khen ngợi và cảm ơn các cô, các chú.

Bác Hồ về thăm và nói chuyện với CBCNV ngành Điện năm 1954 - Ảnh tư liệu

Sau đó, Hồ Chủ tịch căn dặn anh chị em cán bộ, công nhân viên:

Trong nhà máy có lao động trí óc và lao động chân tay, cán bộ kỹ thuật và công nhân, nam có, nữ có. Tuy khác nhau, nhưng cùng chung một mục đích. Ngày trước chúng ta là người nô lệ. Vì muốn thoát vòng nô lệ mà chúng ta kháng chiến. Trước chúng ta làm cho thực dân Pháp, nay chúng ta làm cho nhân dân. Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô, các chú. Các cô, các chú là chủ thì phải giữ gìn nhà máy làm cho nó phát triển hơn nữa.

Muốn thế, trước hết phải đoàn kết một lòng. Trong thời kỳ thuộc Pháp, chúng chia nhân viên kỹ thuật ra một hạng, cai xếp một hạng, công nhân một hạng, chia để trị làm cho ba hạng không đoàn kết và đều phải làm nô lệ. Bây giờ tất cả chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ.

Mỗi người đều có sáng kiến hay, nhưng cũng đều có khuyết điểm. Sáng kiến là tinh thần của dân tộc ra, khuyết điểm là kết quả của chế độ cũ. Ai có hay thì truyền bá cho nhau học, thấy khuyết điểm gì thì lấy tinh thần đoàn kết, thương yêu nhau mà phê bình, giúp nhau sửa chữa. Phê bình không phải để mỉa mai, nói xấu. Phê bình là để giúp nhau tiến bộ. Học nhau điều này, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, thế là đoàn kết thực sự.

Chúng ta đoàn kết để thi đua. Thi đua phải có tổ chức, có kế hoạch. Thi đua không phải là ganh đua, giấu nghề. Thi đua có nghĩa là mọi người phát triển tài năng, sáng kiến của mình, học hỏi điều hay lẫn nhau, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm để cùng nhau tiến bộ. Thi đua nhằm:

1. Tăng năng suất

2. Tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu. Đồng thời phải tuyên truyền cho nhân dân và cơ quan ý thức tiết kiệm điện.

Các cô, các chú giống như một bộ máy. Nếu có một bộ phận, một người nào mắc khuyết điểm mà không sửa chữa thì ảnh hưởng xấu đến cả guồng máy chung. Vì thế, các cô, các chú, lao động trí óc và lao động chân tay, phải đoàn kết chặt chẽ thi đua làm cho Nhà máy phát triển. Hiện nay, nước ta còn nghèo, đời sống của anh chị em công nhân còn chưa được đầy đủ. Đảng, Chính phủ và Bác đều lo nghĩ đến điều đó. Nhưng chúng ta cần nhận rõ giai cấp lao động là giai cấp lãnh đạo, nghĩa là giai cấp chịu khổ trước hết, đấu tranh mạnh hơn hết.

Nay trong hoàn cảnh hòa bình, muốn cải thiện sinh hoạt thì giai cấp lao động ta phải tăng năng suất. Ở nhà máy, công nhân phải thi đua chế tạo. Ở nông thôn, nông dân phải thi đua sản xuất lúa gạo. Sản xuất tăng thì mức sống sẽ được nâng cao. Muốn ăn quả thì phải chịu khó trồng cây.

Hiện nay, miền Nam chưa được giải phóng, đế quốc Mỹ còn lăm le phá hoại hòa bình, chúng ta phải chống đế quốc Mỹ một cách thiết thực bằng cách thi đua tăng năng suất. Tiết kiệm được một cân than, tăng được một kilôoát điện là góp thêm một phần lực lượng đánh vào đế quốc Mỹ.

Chúng ta có quyết tâm, chúng ta nhất định khôi phục được kinh tế, nâng cao đời sống của toàn dân. Chúng ta tin chắc là chúng ta làm được vì dân ta tốt, công nhân ta oanh liệt, đường lối lãnh đạo của Đảng và Chính phủ ta đúng lại có thêm sự giúp đỡ nhiệt tình, cao cả của nhân dân các nước bạn.

Chúc các cô, các chú mạnh khỏe, vui vẻ đoàn kết, thi đua cho tốt.

Bác vừa dứt lời, anh chị em cán bộ, công nhân, nhân viên vui sướng nhảy cả lên hô: “Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ sống lâu!”.

Hồ Chủ tịch trao cho mỗi nhà máy 10 chiếc huy hiệu làm giải thưởng cho những người có thành tích thi đua nhiều nhất.

Toàn thể anh chị em công nhân đều hứa ra sức thi đua làm đúng lời Bác dạy để được giải thưởng của Bác”.

(Báo Nhân Dân đăng ngày 24/12/1954)

Tất cả cán bộ và công nhân cần phải đoàn kết chặt chẽ, hăng hái thi đua, tăng năng suất và tiết kiệm, để xứng đáng là người chủ của nhà máy

(Lời Hồ Chủ tịch)

“Chúng ta đoàn kết để thi đua. Thi đua phải có tổ chức, có kế hoạch. Thi đua không phải là ganh đua, giấu nghề. Thi đua có nghĩa là mọi người phát triển tài năng, sáng kiến của mình, học hỏi điều hay lẫn nhau, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm để cùng nhau tiến bộ”


  • 17/12/2019 09:29
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 14717