Hiệu quả từ chiến lược năng lượng sạch ở Trung Quốc

Sự khao khát lợi nhuận từ nhiên liệu hóa thạch của Trung Quốc đã kéo theo những bất ổn về an ninh năng lượng và các vấn đề về môi trường. Sớm nhận ra mối nguy hại đó, Trung Quốc đã nhanh chóng thực hiện một chiến lược tăng trưởng sạch dựa trên sự phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và đã đạt được những bước tiến đáng kể.

Năm 2005, Luật năng lượng tái tạo được thông qua, định hướng cho sự phát triển của năng lượng tái tạo ở Trung Quốc. Bộ Luật này cung cấp một loạt các ưu đãi tài chính (thành lập một quỹ quốc gia), cho vay, ưu đãi về thuế cho các dự án năng lượng tái tạo; yêu cầu các nhà khai thác lưới điện mua nguyên liệu từ các nhà sản xuất năng lượng tái tạo đã đăng ký. Sự kết hợp giữa đầu tư và các chính sách ưu đãi đã tạo điều kiện cho những bước tiến lớn trong việc phát triển năng lượng gió và năng lượng mặt trời ở Trung Quốc.

Một năm sau, Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc đã ban hành các biện pháp tạm thời về quản lý thuế và phân bổ phí năng lượng tái tạo. Cùng với Luật Năng lượng tái tạo, các quy định về khuyến khích giảm giá năng lượng gió đã tạo ra những mô hình giá cả cạnh tranh đấu thầu được sử dụng cho thị trường điện gió ở Trung Quốc.

Việc liên tiếp ban hành các chính sách ưu đãi và hỗ trợ về năng lượng tái tạo đã tạo tiền đề cho tốc độ tăng trưởng năng lượng gió hàng năm của Trung Quốc đạt hơn 100% trong giai đoạn 2005 – 2009, riêng trong năm 2009 đạt 13,8 GW. Tham vọng phát triển ngành này của Chính phủ Trung Quốc còn thể hiện ở mục tiêu nâng công suất lên 100 GW năm 2020.

Để trực tiếp khuyến khích sản xuất tuabin gió ở các địa phương, Trung Quốc còn thực hiện chính sách khuyến khích liên doanh và chuyển giao công nghệ, đặc biệt, còn bắt buộc các công trình phải sử dụng các sản phẩm tuabin gió của chính địa phương này sản xuất. Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cũng trợ cấp chi phí nghiên cứu và phát triển cho việc sản xuất năng lượng gió. Vì vậy, số lượng các nhà sản xuất tuabin gió địa phương như Sinovel Wind, Goldwind Science and Technology, Dongfang Electric… tính đến năm 2008 đã chiếm hơn một nửa thị trường - một thị trường mà lâu nay vẫn bị chi phối nặng nề bởi các nhà cung cấp nước ngoài.

Trung Quốc hiện cũng là thị trường lớn nhất thế giới về bình nước nóng năng lượng mặt trời, chiếm gần 2/3 tổng lượng tiêu thụ toàn cầu. Hơn 10% hộ gia đình ở Trung Quốc sử dụng thiết bị đun nước nóng mặt trời, với hơn 160 triệu m2 diện tích lắp đặt. Trong chính sách phát triển, việc lắp đặt hệ thống năng lượng nước nóng mặt trời được ưu tiên cho các khu vực như bệnh viện, trường học, nhà hàng, hồ bơi…. Sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp sản xuất bình nước nóng năng lượng mặt trời đã mang lại lợi nhuận đáng kể cho nhà sản xuất và hộ gia đình.

Trung Quốc cũng là quốc gia sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, đáp ứng 45% nhu cầu sử dụng năng lượng mặt trời toàn cầu (năm 2009). Thị trường trong nước về năng lượng mặt trời khá phát triển, với khoảng 160 MW được cài đặt và kết nối với lưới điện (năm 2009), mục tiêu đến năm 2020 sẽ là 20 GW.

Những kinh nghiệm của Trung Quốc trong thời gian qua cho thấy, rõ ràng, phát triển năng lượng tái tạo đã góp phần đáng kể trong việc hạn chế sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch, tạo ra việc làm và tăng thu nhập, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh.

                   


  • 27/02/2013 09:07
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện
  • 5001


Gửi nhận xét