Hiện diện nỗi lo thiếu điện

Đối mặt với thực tế nắng nóng diện rộng liên tục quanh mức 40 độ C tuần qua, lượng điện tiêu thụ liên tiếp lập những mốc mới. Ngành Điện cũng đối mặt với nguy cơ thiếu điện, khi nhiều công trình điện đã không được khởi công từ năm 2016 trở lại đây.

Liên tiếp phá đỉnh

Do tình hình nắng nóng diện rộng duy trì liên tục quanh mức 40 độ C ở miền Bắc và miền Trung tuần qua, nhiều kỷ lục về tiêu thụ điện đã liên tiếp bị xô đổ. Cụ thể, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, công suất phụ tải hệ thống cao nhất đã đạt 35.110 MW vào ngày 3/7/2018, sản lượng điện tiêu thụ toàn quốc đạt kỷ lục mới với con số 725 triệu kWh ngày 4/7/2018.

Đợt nắng nóng gay gắt ở miền Bắc và miền Trung tuần qua khiến lượng điện tiêu thụ tăng vọt

Nhiệt độ tăng mạnh với thời gian kéo dài đã khiến công suất hệ thống tính tới thời điểm này của năm 2018 tăng mạnh so với năm 2017. Theo thống kê của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, đỉnh công suất năm 2017 được thiết lập ở mức 30.857 MW và sản lượng cao nhất đạt 642 triệu kWh, đều rơi vào ngày 9/8/2017.

Như vậy, đỉnh công suất tới thời điểm này đã vượt mức cao nhất của năm 2017 là 4.253 MW, cao hơn so với tổng công suất của Nhà máy Thuỷ điện Lai Châu và Sơn La cộng lại.

Miền Bắc và miền Trung - những nơi chịu tác động nặng nề của đợt nắng nóng gay gắt lần này cũng đã đối mặt với nhu cầu tiêu thụ điện tăng vọt. Công suất phụ tải đỉnh hệ thống điện và sản lượng điện tiêu thụ tại khu vực miền Bắc và miền Trung đều là những số liệu cao nhất từ trước đến nay.

Nỗi lo thiếu điện

Điều đáng nói là, công suất hệ thống điện trong năm 2018 tăng mạnh so với đỉnh của năm 2017 là 4.253 MW đã báo hiệu khả năng thiếu điện trên diện rộng, khi đầu tư cho nguồn điện đang chững lại từ năm 2016.

Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, hiện công suất đặt của hệ thống điện cả nước vào khoảng 45.000 MW. Tuy nhiên, không phải toàn bộ công suất này có thể khai thác được hết, vì còn tùy thuộc vào điều kiện thuỷ văn, tích nước, tình hình cung cấp khí cho các nhà máy và điều kiện kỹ thuật của máy móc.

“Có hơn 2.000 MW công suất đặt luôn trong tình trạng bảo dưỡng, sửa chữa luân phiên, nên không thể phát điện, xét thuần tuý về mặt kỹ thuật. Cũng có hơn 2.000 MW công suất nữa không thể huy động bởi điều kiện thuỷ văn, nước không đủ lượng và áp suất để phát điện tối ưu theo công suất thiết kế hay khí không đủ để chạy toàn bộ các tổ máy”, một chuyên gia của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho hay.

Đó là chưa kể, thực tế có một số tổ máy điện chạy dầu sẽ chỉ huy động trong tình trạng vô cùng căng thẳng để tránh làm tăng chi phí sản xuất điện, gia tăng áp lực tăng giá điện trong điều kiện Chính phủ đã yêu cầu không tăng giá điện trong năm 2018. 

Như vậy, tổng hệ thống hiện nay chỉ có thể huy động được khoảng 38.000 MW.

Theo tính toán của các chuyên gia, để đảm bảo tăng trưởng điện ở mức 10%, mỗi năm cần có thêm 3.000 - 4.000 MW nguồn điện mới.

Năm 2018, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lên kế hoạch đưa thêm 760 MW nguồn điện mới từ hai dự án là Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng và Thủy điện Sông Bung 2. Con số này rất khiêm tốn so với tổng công suất 2.135 MW được đưa vào trong năm 2017 và 2.305 MW năm 2016. Cũng trong khoảng 2 năm trở lại đây, EVN khá “khiêm tốn” khi đầu tư các nguồn điện lớn. Trong năm 2016, chỉ có 1 dự án khởi công mới là Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng (600 MW). 

Năm 2017, có 3 dự án BOT nhận giấy chứng nhận đầu tư, đó là Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, vốn đầu tư 2,79 tỷ USD, quy mô 1.200 MW; Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, vốn đầu tư đăng ký 2,58 tỷ USD, công suất 1.320 MW và Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1, vốn đầu tư 2,07 tỷ USD, công suất thuần khoảng 1.109,4 MW. Tuy nhiên, đến nay chưa rõ thời điểm 3 dự án BOT này bước vào khởi công xây dựng phần nhà máy chính.

Theo các chuyên gia, đối với đầu tư một dự án điện, chỉ riêng phần xây dựng cũng mất ít nhất hơn 4 năm, chưa kể các công tác chuẩn bị trước khi bắt tay vào xây dựng. Nên việc không xây dựng các dự án mới sẽ khiến khả năng đáp ứng điện cho nền kinh tế có những thách thức đáng kể trong thời gian rất gần, khi tốc độ tăng trưởng điện bình quân hiện đang ở mức trên 10%/năm, tức là mỗi năm cần từ 4.000 - 5.000 MW công suất nguồn điện bổ sung.

Khi giá bán lẻ điện cho nền kinh tế vẫn được quyết định bởi mệnh lệnh hành chính, chưa theo thị trường và đang ở mức bình quân là 1.720 đồng/kWh, ngành Điện rất khó hấp dẫn các nhà đầu tư.


  • 12/07/2018 10:49
  • Theo Báo Đầu tư Điện tử
  • 15443