Hệ thống đo đếm hiện đại: Những “bước đi số”

Phát triển từ công tơ cơ, tới công tơ điện tử và hiện nay là công tơ điện tử đo xa; đổi mới từ việc ghi chỉ số thủ công, tới tự động dữ liệu thu thập về máy tính và tiếp đó là phân tích, khai thác dữ liệu chỉ số điện qua các ứng dụng, phần mềm, “những bước đi số” đã giúp cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tạo nên thay đổi căn bản trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng.

Công tơ điện tử, dữ liệu số

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, Công ty Điện lực Quảng Bình đã thực hiện kiểm tra, phát hiện và xử lý tới hơn 2.700 vụ vi phạm sử dụng điện, vượt hơn 45% kế hoạch Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) giao trong năm 2021. Góp phần đạt được kết quả trên, lực lượng kiểm tra viên của đơn vị thường xuyên sàng lọc các trường hợp công tơ có sản lượng điện bất thường trên hệ thống đo đếm từ xa RF-Spider. Lúc này, dữ liệu từ công tơ điện tử đo xa không chỉ đơn thuần giúp các điện lực tính toán hoá đơn tiền điện, mà còn được các đơn vị khai thác hiệu quả để giảm tổn thất điện năng, nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành lưới điện. 

Tại TP. Đà Nẵng, số liệu công tơ đo xa hàng ngày không chỉ được cung cấp tới người dân để kiểm soát lượng điện tiêu thụ của gia đình, mà còn giúp các điện lực nhanh chóng khoanh vùng các trường hợp bất thường trong sử dụng điện. Rất nhiều các trường hợp xảy ra chạm chập sau công tơ, rò điện trong hệ thống điện của khách hàng đã được Điện lực kịp thời phát hiện và hỗ trợ xử lý, nhờ đó, tránh được tai nạn điện đáng tiếc trong các gia đình. Từ hiệu quả của “Ứng dụng cảnh báo chỉ số điện bất thường” của Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, EVN đã nâng cấp, tích hợp vào hệ thống Quản lý thông tin khách hàng (CMIS) và nhân rộng toàn Tập đoàn trong năm 2021.

Công nhân Điện lực kiểm soát thu thập chỉ số điện từ công tơ đo xa. Nguồn ảnh: Tạp chí Điện lực

Hay tại Thủ đô Hà Nội, việc triển khai rộng khắp của các app (ứng dụng) trên thiết bị di động như EVNHANOI, E-point đã thực sự tạo nên một “Mùa hè mới” với cả người sử dụng và người cung cấp điện. Nhờ khai thác thành công dữ liệu từ công tơ đo xa, các app này đã cung cấp tường minh, chính xác chỉ số điện tiêu thụ theo từng ngày của từng hộ gia đình. Do đó, người dân đã nắm rõ mức tiêu thụ điện, giảm hẳn những nghi ngại, thắc mắc không đáng có về chỉ số điện, hoá đơn tiền điện trong các tháng mùa hè cao điểm. Các app khai thác dữ liệu công tơ đo xa đã trở thành cầu nối để người mua - người bán điện hiểu và chia sẻ với nhau hơn.

Đó chỉ là một số ví dụ từ hiệu quả của việc lắp đặt công tơ điện tử và khai thác chỉ số từ xa tại các đơn vị trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tới cuối tháng 6/2021, EVN đã lắp đặt trên 18,95 triệu công tơ điện tử, chiếm tỷ lệ khoảng 64,6% trong tổng số công tơ do EVN và các Tổng công ty Điện lực quản lý. Những công tơ cơ còn lại sẽ dần được thay thế theo lộ trình. 

EVN và khách hàng đều kiểm soát được chỉ số điện hàng ngày

Để đảm bảo hiệu quả, chuẩn xác của việc khai thác dữ liệu, chỉ số điện được Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý chặt chẽ ngay từ khâu “đầu vào”. Theo Ban Kinh doanh EVN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý toàn bộ chỉ số của hơn 29 triệu công tơ trên phần mềm CMIS, không có tình trạng ghi chép, nhập, tính toán số liệu bằng phương pháp thủ công.

Với công tơ cơ, công nhân sẽ ghi chỉ số tại hiện trường bằng máy tính bảng có kết nối CMIS. Các phần mềm ghi chỉ số đều có cảnh báo khi chỉ số tiêu thụ điện của khách hàng tăng vượt ngưỡng 30% so với kỳ trước đó. Do vậy, công nhân ghi chỉ số sẽ kiểm tra, xác nhận lại ngay chỉ số điện. Thậm chí, theo quy trình ghi chỉ số và lập hoá đơn tiền điện của EVN, khi sản lượng điện của khách hàng tăng quá cao, vượt ngưỡng cảnh báo được thiết lập thì phần mềm CMIS sẽ không cho xác nhận chỉ số để tính hoá đơn. Khi đó, lãnh đạo đơn vị phải tổ chức kiểm tra số liệu và ký xác nhận điện tử số liệu trên chương trình quản lý khách hàng thì mới lập được hóa đơn. Trong vòng 24h sau khi ghi chỉ số, Điện lực sẽ gửi thông báo theo các hình thức SMS/Email/Zalo/Web CSKH/App CSKH… để khách hàng có thể giám sát việc ghi chỉ số công tơ của Điện lực. 

Đối với công tơ điện tử có thu thập dữ liệu từ xa, chỉ số được tự động cập nhật hàng ngày để CMIS tính toán hóa đơn. Theo lộ trình chuyển đổi số mà EVN đang triển khai, các đơn vị Điện lực sẽ tiến tới khai thác nguồn dữ liệu lớn từ hành vi sử dụng điện của hơn 100 triệu người dân qua hơn 29 triệu công tơ điện tử thông minh, kết hợp với các đối tác theo tinh thần “kinh tế chia sẻ”, để tạo nhiều giá trị hơn, phục vụ tốt hơn khách hàng sử dụng điện. 


  • 12/10/2021 04:27
  • Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 11071