Hệ thống điện mặt trời mái nhà lớn nhất Singapore

Các nhà ga của sân bay Changi đang trở thành nơi lắp đặt hệ thống năng lượng trên mái nhà lớn nhất Singapore. Theo kênh Channel News Asia (CNA), tập đoàn sân bay Changi (CAG) đã chọn Tập đoàn Keppel để thiết kế, xây dựng và vận hành hệ thống quang điện (PV) trong thời hạn 25 năm.

Theo thông báo chung hôm 14/2 của CAG và Keppel, hệ thống này sẽ được lắp đặt trên mái các tòa nhà ga của sân bay Changi cùng với mái các cấu trúc phụ trợ và kho hàng. Một khi hoàn thành vào đầu năm 2025, hệ thống PV này sẽ tạo ra công suất tối đa 43MW. Trong đó, 38MW trên các mái nhà và 5MW còn lại được sản xuất bởi một hệ thống khác lắp đặt trên mặt đất ở khu vực rộng 4 ha (gần bằng 6 sân bóng đá) trong sân bay nhưng không ảnh hưởng tới hoạt động của máy bay.

Tổng cộng, cả 2 hệ thống này dự kiến tạo ra lượng điện mặt trời "đủ để vận hành hơn 10.000 căn hộ 4 phòng mỗi năm". Hai hệ thống này còn giúp cắt giảm khoảng 20.000 tấn carbon phát thải của CAG hằng năm - CNA dẫn thông cáo của CAG và Keppel.

Dự án năng lượng mặt trời trên mái lớn nhất Singapore đã được khởi công tại sân bay Changi trong tháng 2/2024

CAG còn giao cho Công ty SolarGY nhiệm vụ làm "xanh" hơn trung tâm bảo dưỡng và nhà kho sân bay, bằng cách lắp đặt hệ thống PV có công suất 640kW trên mái. Lượng phát thải của trung tâm này cũng nhờ đó mà giảm khoảng 50% - theo ông Koh Ming Sue, phó chủ tịch điều hành về kỹ thuật và phát triển của CAG.

Cả CAG và Keppel đều khẳng định đây là lần đầu một hệ thống PV được lắp đặt ở sân bay. Chính vì vậy, dự án này đối mặt "hàng loạt thử thách có một không hai" so với các hệ thống truyền thống lắp đặt tại những địa điểm thương mại, công nghiệp hay dân cư. Chẳng hạn, phải xem xét và thử nghiệm kỹ lưỡng để bảo đảm các tấm pin mặt trời vẫn đủ độ nghiêng nhằm thu thập quang năng nhưng không gây chói lóa cho nhân viên không lưu và phi công; không ảnh hưởng đến tín hiệu thông tin liên lạc, định hướng hay giám sát, khí tượng. Ngoài ra, việc lắp đặt và bảo trì phải tuân thủ các quy tắc an toàn và an ninh hàng không, bao gồm quy định về cháy nổ của Lực lượng Phòng vệ dân sự Singapore.

Hệ thống này sau khi hoàn thiện sẽ được tích hợp với Trung tâm Điều hành của Keppel đặt trong sân bay Changi. Nhờ đó, chúng theo dõi từ xa và báo cáo lượng điện tạo ra theo thời gian thực cũng như đề phòng sai sót, sẵn sàng bảo trì... Trí tuệ nhân tạo cũng được ứng dụng tại trung tâm này để có những dự báo và quản lý năng lượng tốt hơn - theo thông báo của CAG và Keppel.

Không tiết lộ mức đầu tư của dự án song ông Koh khẳng định CAG xem nhu cầu năng lượng của sân bay là yếu tố cốt lõi. "Chúng tôi thường xuyên nâng cấp hệ thống bằng những mô hình tối ưu hóa năng lượng sử dụng và không ngừng ủng hộ năng lượng sạch" - ông Koh nhấn mạnh. CAG đặt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Nhận xét công suất 43 MW của dự án nói trên là rất lớn, TS Thomas Reindl, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu năng lượng mặt trời Singapore (thuộc Đại học Quốc gia Singapore - NUS), nhận định với báo The Straits Times rằng CAG đã "tận dụng hết cỡ" để tối ưu hóa không gian. Theo tờ báo này, sân bay Changi có một hệ thống pin mặt trời trên mái nhà với tổng công suất 22MW, tức khoảng 4% lượng điện sân bay tiêu thụ trước đại dịch COVID-19.

Cũng đánh giá cao dự án song TS David Broadstock, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Tài chính xanh và bền vững thuộc NUS, cho rằng CAG vẫn còn khả năng thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo để giảm phát thải carbon hơn nữa. Ông Broadstock lưu ý sân bay sẽ cần nhiều năng lượng hơn trong tương lai. Do đó, CAG có thể tích hợp các giải pháp lưu trữ năng lượng mặt trời dư thừa vào ban ngày để dùng cho khoảng thời gian chiều tối. 

Link gốc


  • 20/02/2024 09:30
  • Theo nld.com.vn
  • 3469