Hàng nghìn tỷ đồng và sự hy sinh thầm lặng…

Hơn 400 tỷ đồng là thiệt hại do cơn bão số 8 năm 2012 gây ra đối với ngành Điện tại các tỉnh miền Bắc. Khoảng 47 tỷ đồng là thiệt hại do cơn bão số 6 gây ra cho ngành Điện tháng 8/2013. Cuối tháng 9 đầu tháng 10/2013, thiệt hại do bão số 10 gây ra trên toàn lưới điện miền Bắc là 184,3 tỷ đồng và ở khu vực miền Trung là 48,5 tỷ đồng. Chỉ tính riêng Tổng công ty Điện lực miền Bắc, 9 tháng đầu năm 2013, thiệt hại do mưa bão đã lên tới hơn 86 tỷ đồng.

Đằng sau những con số…

Thống kê về thiệt hại của ngành Điện sau mỗi mùa bão lũ có thể khiến rất nhiều người phải giật mình: Hàng trăm cột điện bị đổ, hàng nghìn km đường dây bị đứt, hàng loạt các trạm biến áp bị hỏng hóc… Và đằng sau những con số ấy còn là sự gồng mình chống chọi với bão lũ của cán bộ, công nhân ngành Điện, là trách nhiệm khôi phục hậu quả nặng nề của các đơn vị trong Ngành, là những nhọc nhằn không thể kể hết của các cán bộ, kỹ sư, công nhân điện - những người luôn “trực chiến” trước, trong và sau bão.

“Thiên tai là điều không ai muốn, cũng là điều không thể tránh được. Vấn đề quan trọng là chúng ta làm gì để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra? Đặc biệt là cảm thông, chia sẻ gánh nặng với những ngành chịu nhiều thiệt hại từ thiên tai bão lũ, như ngành Điện” - Tiến sỹ Đặng Thanh Mai – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương (TTDB KTTVT TW) bày tỏ quan điểm.

Trên cương vị là một cán bộ của TTDB KTTV TW, nắm rõ những đặc thù, nguy cơ và tác động của bão lũ, bà Mai cho rằng, dù ngành Điện đã làm rất tốt công tác phòng chống và giảm thiệt hại do bão lũ gây ra, nhưng như vậy không có nghĩa là thiệt hại do bão lũ sẽ giảm dần theo năm tháng. Ngược lại, với diễn biến ngày càng bất thường của thời tiết do biến đổi khí hậu toàn cầu, tính chất của bão lũ cũng sẽ ngày càng phức tạp và khó lường hơn. “Tác động trực tiếp của bão lũ đến ngành Điện có thể sẽ còn tăng, và tăng nhiều – điều này không ai dám chắc được” – Tiến sỹ Đặng Thanh Mai khẳng định.

Sau mỗi cơn bão đi qua, thợ điện lại căng mình khắc phục sự cố.... - Ảnh: Dương Anh Minh

Nhìn từ một góc độ khác, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đặng Hùng Võ cho rằng: Chúng ta lâu nay vẫn nhìn thấy và phàn nàn nhiều về những mặt chưa được của ngành Điện. Cụ thể ở đây là EVN, mà chưa nhìn rõ hoặc thấu hiểu cho những khó khăn, nhọc nhằn của họ. Thiệt hại do bão lũ gây ra đối với EVN là một ví dụ. Nếu cứ mỗi cơn bão ảnh hưởng trực tiếp vào đất liền, làm cho ngành Điện thiệt hại mấy trăm tỷ đồng, thì con số tổng thiệt hại sau mỗi năm sẽ lại tăng lên một cách khủng khiếp. Ai sẽ bù đắp những khoản này cho họ? Chưa kể, những người thợ điện phải vất vả như thế nào để khắc phục sự cố sau bão, để nhanh chóng cấp lại điện an toàn cho người dân, liệu có mấy người hiểu được?  Theo Giáo sư Võ, đằng sau câu chuyện thiệt hại hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn tỷ đồng do bão lũ đối với EVN, còn rất nhiều những câu chuyện khác, sâu xa hơn…

Sự hy sinh thầm lặng…

Thiệt hại về vật chất, dẫu rất lớn, thì vẫn là những thiệt hại có thể thống kê được. Nhưng những hy sinh thầm lặng, những nỗ lực không mệt mỏi, những nhọc nhằn trong bão giông và thậm chí là cả tính mạng… của những người làm Điện, liệu có ai thấu hiểu, cảm thông và có thể đo đếm, lượng hóa được?

Mất vài ba ngày, thậm chí là vài ba tuần, để có thể khôi phục hoàn toàn các sự cố lớn về Điện sau bão. Đó cũng là thời gian mà những kỹ sư, công nhân ngành Điện phải căng mình làm việc không ngơi nghỉ. Lội ruộng, ngâm mình trong nước, lấm lem bùn đất là chuyện hết sức bình thường.

Cơn bão số 10 năm 2013 quét qua miền Trung phá hủy hàng nghìn cột điện - Ảnh: Ngọc Sơn

Gian nan nhất vẫn là làm sao tái cấp điện sớm cho nhân dân – anh Nguyễn Thanh Hưng – Cán bộ Điện lực thành phố Nam Định (thuộc công ty Điện lực Nam Định), chia sẻ. Nhiều năm gắn bó với ngành Điện trên mảnh đất Nam Định có đường bờ biển dài, anh Hưng đã quen với việc thức trắng đêm chống bão, rồi lặn lội hàng tuần để khắc phục sự cố sau bão lũ.

Với những cơn bão lớn như cơn bão số 8 năm 2012, hàng nghìn cột điện của Công ty Điện lực Nam Định bị gãy đổ, gần như 100% lực lượng được huy động xuống hiện trường. Lãnh đạo Tập đoàn cũng về thăm và động viên tinh thần làm việc của anh em, thậm chí  thưởng “nóng” ngay tại hiện trường để anh em có thêm động lực – Anh Hưng chia sẻ. Trong ký ức của những cán bộ, công nhân làm điện như anh Hưng, mỗi cơn bão đi qua là một miền “giông tố” với rất nhiều cảm xúc ở lại…

Phải mất rất nhiều thời gian để có thể khôi phục lưới điện sau bão - Ảnh: Dương Anh Minh

Hàng nghìn tỷ đồng bị bão lũ cuốn đi, cũng có nghĩa là ngành Điện phải đầu tư một lượng tiền tương tự, thậm chí là lớn hơn, để khắc phục hậu quả. Đây có thể là một trong những nhiệm vụ khó khăn mà EVN phải hoàn thành, mặc dù bài toán kinh tế sẽ không hề đơn giản – Giáo sư Đặng Hùng Võ phân tích.

Một vấn đề nữa có thể đặt ra là, nên chăng, có sự vào cuộc của các đơn vị liên quan, cũng như cộng đồng xã hội, để có một quỹ khắc phục thiên tai cùng với ngành Điện? Hay ít ra cũng là giảm bớt phần nào gánh nặng, hoặc đơn giản chỉ là sự cảm thông, chia sẻ với những hy sinh thầm lặng của những người thợ điện đã, đang và vẫn sẽ còn phải nhọc nhằn trong mỗi mùa giông bão!?
 


  • 30/10/2013 10:09
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 2924


Gửi nhận xét