Hạn hán có khả năng sẽ tiếp tục kéo dài trên diện rộng

Bà Đặng Thanh Mai - Phó giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương (KTTV TW) cho biết: Hạn hán đang đang đe dọa nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân nói chung, ngành Điện nói riêng.

Bà Đặng Thanh Mai - Phó giám đốc TT DBKTTV TW

PV: Bà cho biết thực trạng và những tác động của hạn hán đối với đời sống và sinh hoạt của người dân cũng như tình hình thủy văn tại các hồ thủy điện hiện nay?

Bà Đặng Thanh Mai: Biến đổi khí hậu đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến nước ta, khiến tình trạng khô hạn ngày càng gia tăng và tiềm ẩn các yếu tố bất thường, khó dự báo.

Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2013, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đã phải hứng chịu hạn hán sớm và nghiêm trọng nhiều hơn so với các năm trước. Trên một số sông như ĐăkBla, Srêpôk, mực nước đã xuống đến mức thấp kỷ lục. Lượng chảy trung bình tuần trên các hệ thống sông miền Trung và Tây Nguyên nói chung thiếu hụt từ 35% đến 60% so với trung bình nhiều năm (TBNN).

Vấn đề đáng lo ngại là dự báo lượng mưa của cả mùa mưa năm nay cũng sẽ thấp hơn nhiều so với TBNN, dẫn đến nguy cơ hạn hán không chỉ diễn ra cục bộ mà còn có thể kéo dài trên diện rộng.

Khô hạn cục bộ và căng thẳng đang de dọa nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Đặc biệt, đối với các hồ thủy điện, tình trạng này đang tác động từng ngày, từng giờ đến mực nước hồ. Tính đến thời điểm hiện tại, mực nước ở hầu hết các hồ thủy điện của miền Trung và Tây Nguyên đều thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 1- 9m. Thậm chí, một số hồ thấp hơn rất nhiều như: Cửa Đạt: -31,4m; A Vương: -27,75m; Sông Tranh 2: -34,85m.  

Riêng một số hồ như Cửa Đạt (Thanh Hóa), Hòa Trung (Đà Nẵng), ĐăkLô (Lâm Đồng), các hồ ở Bình Định, Ninh Thuận và Kon Tum mới chỉ đạt từ 10 - 40% dung tích thiết kế.

Khô hạn cục bộ và căng thẳng tại các hồ thủy lợi, thủy điện trên cả nước đang de dọa nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân - Ảnh: Vũ Lam

PV: Bà có thể cho biết cụ thể hơn về nguy cơ mà EVN và các nhà máy thủy điện phải đối mặt?

Bà Đặng Thanh Mai: Với tình hình khô hạn hiện nay và dự báo trong thời gian tới, nguy cơ thiếu nước để sản xuất điện, theo tôi, là rất khó tránh. Nghiêm trọng hơn, tình hình này có thể kéo dài trong nhiều tháng của năm 2013.

Tôi có tham dự cuộc họp của EVN với báo giới về kế hoạch xả nước phục vụ sản xuất Đông Xuân và kế hoạch cung ứng điện mùa nắng nóng 2013 hồi đầu năm nay. Tại đó, Lãnh đạo EVN cũng đã có đề cập đến nguy cơ khô hạn, thiếu nước dẫn đến thiếu điện cục bộ cho một số tỉnh phía Nam và EVN sẽ phải huy động các nguồn điện giá cao để đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dân. Đó là câu chuyện của người trong cuộc.

Còn cá nhân tôi thì nghĩ rằng, nước chính là tài nguyên quốc gia. Hiện nguồn tài nguyên đó đang cạn kiệt. Điện cũng như các nguồn năng lượng khác cũng vậy, là tài nguyên nhưng không vô tận. Trong bối cảnh hiện tại, tuyên truyền để người dân sử dụng điện sao cho tiết kiệm, hiệu quả là điều cần thiết, và đó là việc ngành Điện phải làm nhiều hơn nữa!

Khô hạn là điều không ai muốn. Và thiếu điện lại càng không, tôi nghĩ vậy.

PV: Vâng, xin cảm ơn bà!


  • 14/03/2013 03:17
  • Vĩnh Long
  • 3194