AHLĐ Thái Phụng Nê - Nguyên UV Trung ương Đảng, Phái viên của Thủ tướng Chính phủ trực tiếp theo dõi, thẩm định thiết kế và thi công Dự án Thuỷ điện Sơn La, Lai Châu; Cố vấn Tập đoàn Điện lực Việt Nam
|
Thủy điện Hòa Bình – Để có quyết định cuối cùng
PV: Được biết, tháng 9/1971, Tổ máy 1 Nhà máy Thủy điện Thác Bà phát điện cũng là ngày đặt mũi khoan đầu tiên khảo sát thăm dò địa chất khu vực dự kiến xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình và ông được điều chuyển về Đoàn khảo sát này. Đó có phải là những ngày “khởi đầu nan”, thưa ông?
AHLĐ Thái Phụng Nê: Câu thơ “Một Thác Bà reo gọi điện Sông Đà” của nhà thơ Tố Hữu đã diễn đạt đúng sự kiện tổ máy 1 Thủy điện Thác Bà phát điện, cũng là ngày đặt mũi khoan số 1 xuống đập Thủy điện Hòa Bình. Tuy nhiên, đây không phải là mũi khoan đầu tiên, mà ngay từ năm 1940, người Pháp đã tiến hành khoan thăm dò tuyến Hòa Bình và phát hiện bên dưới lòng đất ở khu vực đó chứa toàn cùi sỏi, kỹ thuật thời đó không thể xử lý được. Sau đó, họ tiếp tục khoan tại Chợ Bờ, suối Rút, vẫn gặp nguyên lớp cùi sỏi đó và đưa ra kết luận: “Sông Đà bất trị”.
Với mũi khoan số 1 vào tháng 9/1971, các chuyên gia cũng đặt dấu hỏi về lớp cùi sỏi này, có thể làm được không, có an toàn không. Để lý giải một cách khoa học, phải kiểm tra toàn bộ các tuyến, từ đó tiến hành so sánh các tuyến với nhau. Vấn đề chọn tuyến lúc bấy giờ hết sức căng thẳng.
PV: Có những tuyến nào được đưa ra, thưa ông?
AHLĐ Thái Phụng Nê: Có 6 tuyến. Suối Rút là tuyến đầu, xuất phát từ cao nguyên Mộc Châu, mỗi lần mưa xuống nước chảy xiết. Tuyến thứ 2 là suối Hoa, xuất phát từ Thanh Hóa, đổ về sông Đà, trên lưu vực suối Hoa hình thành huyện Cao Phong. Tuyến thứ ba là Chợ Bờ hay còn gọi là Đà Bắc. Tuyến thứ tư là Hiền Lương. Tuyến thứ năm là Hòa Bình trên và tuyến cuối cùng là Hòa Bình dưới.
Lúc đó, khoan khảo sát cả 6 tuyến trên đều có lớp cùi sỏi ở bên dưới. Nhưng chỉ có hai tuyến được lập dự án thiết kế rất chi tiết là Hòa Bình trên và Hòa Bình dưới. Các chuyên gia từ Viện Thiết kế Thủy công của thành phố Ba Cu - nước Cộng hòa Adecbaizan sang hỗ trợ thì chọn tuyến Hòa Bình trên. Còn chuyên gia của Viện Thiết kế Thủy công ở Matxcơva chọn phương án Hòa Bình dưới. Đây là cả một cuộc tranh luận nảy lửa, kéo dài đến tận năm 1975.
PV: 1975 là năm giải phóng miền Nam với nhiều sự kiện lịch sử, cũng là lúc ông được cử sang Ba Cu và Matxcơva khảo sát, nghiên cứu thực tế kinh nghiệm nước bạn, cảm xúc của ông lúc đó thế nào?
AHLĐ Thái Phụng Nê: Tháng 4/1975, tôi và anh em được cử sang Ba Cu và Matxcơva. Một ngày đầu tháng 5, trên đường từ Ba Cu ra sân bay đi Matxcơva, tôi nghe tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Mừng rơi nước mắt. Là người miền Nam, tôi muốn về thăm nhà ngay. Bao nhiêu kỷ niệm dồn nén bỗng hiện về càng làm tôi nhớ quê hương, gia đình da diết. Nhưng lúc đó, Bộ Trưởng Hà Kế Tấn - đặc trách công trình Thủy điện Hòa Bình lại chỉ đạo tôi ở lại nghiên cứu, khảo sát kỹ kinh nghiệm thực tế của nước bạn. Vậy là đành gạt tình riêng sang một bên…
PV: Từ báo cáo sau chuyến đi thực tế của ông, Bộ Chính trị đã quyết định như thế nào?
AHLĐ Thái Phụng Nê: Ở Matxcơva tôi đã gặp ông Malưxep - Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ). Ông đã giúp đỡ tôi, cung cấp nhiều tài liệu quan trọng. Tôi ở lại Matxcơva 2 tuần, thêm 1 tuần đi tàu thủy từ Matx cơ va về Việt Nam. Chưa kịp về thăm nhà thì Bộ Trưởng Hà Kế Tấn thông báo Bộ Chính trị mời đến báo cáo về tình hình Thủy điện Hòa Bình. Tôi lại cấp tập chuẩn bị tài liệu để lên đường ngay. Nỗi nhớ gia đình lại đành dẹp sang một bên…
Không khí lúc đó căng thẳng đến mức, một đoàn mấy chục người cùng sang sân bay Gia Lâm bay vào thành phố Hồ Chí Minh, nhưng không ai biết cụ thể đi đến chỗ nào, mục đích làm gì? Khi đến sân bay Tân Sơn Nhất, có hai bảo vệ bồng súng ra đón chúng tôi, đưa thẳng vào Trung ương Cục. Bản báo cáo viết tay của tôi dài hàng chục trang được đưa đi đánh máy, in thành 30 tập, trình Bộ Chính trị. Các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Lê Thanh Nghị… tranh luận rất sôi nổi. Sau khi nghe tôi báo cáo có khả năng khắc phục, xử lý được cùi sỏi, tiết kiệm được chi phí, Bộ Chính trị đã quyết định chọn phương án Hòa Bình dưới. Ông Lê Thanh Nghị ngay lập tức làm công điện gửi sang Liên Xô khẳng định: Việt Nam chọn tuyến Hòa Bình dưới.
Thủy điện Sơn La: Khó khăn tưởng như lao đầu vào đá…
PV: Với mỗi công trình thủy điện lớn, như Hòa Bình trước đây và Sơn La sau này, không thể tránh được nhiều ý kiến trái chiều khiến những “người trong cuộc” luôn phải chịu nhiều sức ép. Với Thủy điện Sơn La, khi được giao nhiệm vụ, ông đã 65 tuổi - là độ tuổi cần được nghỉ ngơi, thư thái, việc đối mặt với những sức ép có khác gì so với trước?
AHLĐ Thái Phụng Nê: Đây là nhiệm vụ do TW giao và quan trọng hơn là phù hợp chuyên môn của tôi. Vì vậy, tôi không ngại gì cả. Lúc đó đúng là có nhiều tranh luận xung quanh lựa chọn phương án Sơn La cao, Sơn La thấp hay Sơn La nhỏ. Mỗi phương án đều có các chuyên gia nhiều kinh nghiệm đứng ra bảo vệ, ai cũng có lập luận, lý lẽ riêng. Nhưng cuối cùng, Quốc hội quyết định thông qua phương án Sơn La thấp, theo tôi là rất tối ưu.
Đại biểu các ngành, nhân dân và CBCNV công trường xây dựng Thủy điện Hòa Bình trong ngày hội ngăn sông Đà đợt 2 (thị xã Hòa Bình, 1986). Nguồn: Trần Nguyên Hợi
|
PV: Thưa ông, điều gì đáng lo ngại nhất khi tính toán xây dựng Thủy điện Sơn La?
AHLĐ Thái Phụng Nê: Tình huống xấu nhất được tính đến là khả năng vỡ đập dây chuyền cộng hưởng với đập Thủy điện Hòa Bình thì sẽ là một thảm họa khủng khiếp đối với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có thủ đô Hà Nội. Phải tính toán làm sao nếu xảy ra vỡ đập Sơn La vẫn không ảnh hưởng đến đập Hòa Bình. Phương án Sơn La thấp hài hòa, hợp lý các mục tiêu cụ thể như an toàn cho hạ lưu, khả năng chống lũ tương đối cao, di dân không quá lớn so với phương án còn lại…
PV: Những yếu tố nào góp phần thúc đẩy công trình Thủy điện Sơn La về đích trước 3 năm, thưa ông?
AHLĐ Thái Phụng Nê: Theo kế hoạch được duyệt, năm 2005 khởi công Dự án, chạy máy 1 vào năm 2012, kết thúc công trình năm 2015. Nhưng thực tế công trình đã được hoàn tất vào năm 2012. Trước hết là nhờ Chính phủ đã cho phép EVN được áp dụng cơ chế đặc thù – thi công trước cống dẫn dòng và một số hạng mục phụ trợ trong thời gian chờ phê duyệt thiết kế kỹ thuật cuối cùng. Năm 2005, xây xong cống dẫn dòng và thực hiện ngăn sông luôn. Việc tranh luận dùng bê tông đầm lăn hay đầm dùi cũng diễn ra quyết liệt. Thi công bê tông đầm lăn hiệu quả kinh tế hơn, nhanh hơn, nhưng muốn làm được lại phải có phụ gia trơ, làm chất lượng bê tông đông cứng tốt hơn. Phụ gia trơ chính là đất bô zê lăng, tìm ở miền Bắc không đâu có, ở miền Nam thì chỉ có tại tỉnh Bà Rịa, nhưng vận chuyển về Bắc thì chỉ đi bằng đường thủy, nếu gặp mưa bão thì không đi được, trong khi khối lượng cần rất lớn. Kinh nghiệm thế giới có thể dùng tro bay thay thế. Lúc đó tận dụng được nguồn tro bay từ Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, nhưng tro bay này từ than antraxit, đốt không hết, trong tro bay còn tới 20% lượng than không cháy hết. Quy phạm của thế giới là lượng than này không được quá 6%, tro bay phải khô, độ ẩm không lớn hơn 3%. Năm 2008, bắt đầu đắp đập bê tông đầm lăn mà vẫn loay hoay chưa biết xử lý tro bay như thế nào? Thật là một vấn đề toát mồ hôi!
Nhưng rồi Ban Quản lý công trình và một công ty tư nhân ở Hải Dương đã có sáng kiến sản xuất tro bay số lượng lớn. Nếu đổ bê tông thường 50 – 60 nghìn m3/tháng, nhưng với công nghệ đầm lăn, đạt được 120 nghìn m3/tháng, cao nhất có lúc được 180 nghìn m3/tháng. Khó khăn tưởng chừng như lao đầu vào đá, nhưng khi khắc phục được thì hiệu quả vô cùng lớn, tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức, tiền của…
PV: Khi xây dựng Thủy điện Sơn La, hơn 20 nghìn hộ dân buộc phải di dời nhưng không có bất cứ sự phản kháng, đơn thư kiện cáo. Thưa ông, đây hẳn là một bài học quý cho công tác giải phóng mặt bằng - vốn hết sức nhạy cảm?
AHLĐ Thái Phụng Nê: Công trình đòi hỏi cuộc di dân lớn với hơn 20 nghìn hộ dân, phải đảm bảo tái định cư tốt hơn chỗ ở cũ. Nếu dân không ủng hộ thì không thể làm được. Ban Quản lý công trình đã tạo ra cơ chế dân tự nguyện làm, trả tiền theo quy hoạch, hỗ trợ dân dỡ nhà, tận dụng khung nhà cũ, làm nhà mới theo ý muốn của từng hộ dân. Vừa có nhà mới, vừa có thể tiết kiệm được 20 - 30 triệu đồng để cải thiện đời sống và lo cho con đi học, người dân nào cũng đồng tình, ủng hộ. Hệ thống giao thông, trường học, bệnh viện đều được xây dựng chuẩn hóa trong khu tái định cư, tạo môi trường sống, phát triển bền vững cho người dân. Phần đất dựng nhà của từng hộ thì tiến hành bốc thăm cho công bằng. Nước sinh hoạt thì xây đường ống dẫn nước về từng hộ. Một điều đơn giản, nhưng cốt lõi là vì dân mà làm, thế thôi.
PV: Từ công trình Thủy điện Hòa Bình, ông đã được phong tặng danh hiệu AHLĐ. Năm 2013, khi khánh thành Thủy điện Sơn La, được biết ông tiếp tục được đề nghị phong tặng danh hiệu AHLĐ lần 2?
AHLĐ Thái Phụng Nê: Đúng là thế nhưng tôi không dám nhận, ai lại nhận 2 lần anh hùng lao động. Còn rất nhiều người đóng góp công sức lớn chứ không phải mình tôi. Để ghi công, Nhà nước đã tặng Huân chương Lao động hạng Nhất lần 2, như vậy là tôi toại nguyện rồi!
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi thú vị này.
AHLĐ Thái Phụng Nê:
- Sinh năm 1936, tại Phú Yên.
- Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông được cử sang Liên Xô học tại Trường Đại học Xây dựng Matxcơva, chuyên ngành thủy công.
- Năm 1964, ông bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ. Trở về nước, ông tình nguyện lên xây dựng Thủy điện Thác Bà.
- Cuộc đời ông gắn bó với các công trình thủy điện: 7 năm ở Thác Bà, 14 năm ở Hòa Bình, 3 năm ở Yaly, rồi đến Thác Mơ, Hàm Thuận – Đa Mi, Thủy điện Sơn La. Và bây giờ là Thủy điện Lai Châu.
- Ông từng giữ các cương vị quan trọng: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Năng lượng; Thứ trưởng Bộ Công nghiệp; Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên.
- Năm 2001, sau khi nghỉ hưu ông được cử làm Phái viên của Thủ tướng Chính phủ chuyên theo dõi Thủy điện Sơn La, Phó trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án Thủy điện Sơn La - Lai Châu.
|