Hà Nội sẽ không kéo lùi tốc độ cấp nước đổ ải vụ Đông Xuân

Hằng năm, dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ NN&PTNT đều có phương án xả nước tăng cường từ các hồ chứa thuỷ điện Hoà Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, nhưng nhiều trạm bơm dọc lưu vực sông Hồng vẫn bị “treo” vì bể hút không đủ nước.

Những năm qua, Hà Nội là một trong những địa phương lấy nước gieo cấy vụ đông xuân khó khăn nhất trong 12 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Tốc độ xói lở lòng sông diễn biến phức tạp khiến mực nước trên lưu vực sông Hồng bị hạ thấp.

 Trạm bơm Phù Sa đã sẵn sàng vận hành hết công suất

Đơn vị kêu khó nhiều nhất là Công ty Đầu tư Phát triển thuỷ lợi Sông Tích. Bởi dù nguồn nước tại các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai và TX Sơn Tây đang thiếu, nhưng chỉ với 21 tổ máy bơm dã chiến của trạm bơm Phù Sa (hiệu suất bơm chỉ đạt 65% do tuổi thọ cao và mực nước sông Hồng xuống thấp), tốc độ lấy nước rất chậm. Công ty phải luân phiên điều tiết nước để giảm tối đa xung đột về nhu cầu nước tưới giữa các địa phương.

Ông Nguyễn Trí Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty cho biết: Trước những khó khăn trên, năm 2018, TP Hà Nội đã cấp cho đơn vị 14,5 tỷ đồng để thay thế, bổ sung 32 tổ máy bơm (công suất mỗi tổ máy là 1.100 m3/giờ). Qua đó cải thiện năng lực lấy nước rất lớn.

“Trước đây, khi mực nước sông Hồng tại bể hút trạm bơm dã chiến phải đạt từ 3,2m trở lên thì 21 tổ máy bơm mới vận hành được. Tuy nhiên, với sự đầu tư nâng cấp trạm bơm dã chiến Phù Sa, Công ty có thể bảo đảm vận hành khi mực nước sông Hồng +2,2m”, ông Hải nói.

Ngoài nâng cấp, bổ sung các tổ máy của trạm bơm dã chiến Phù Sa, TP Hà Nội còn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp trạm bơm Xuân Phú (huyện Phúc Thọ) gồm 3 máy bơm lưu lượng 2.100 m3/giờ. Từ vụ Đông Xuân 2017, trạm bơm này đã chủ động nguồn nước tưới cho 950 ha đất sản xuất nông nghiệp của các xã phía Bắc huyện Phúc Thọ.

Để chủ động cung cấp điện phục vụ vận hành các trạm bơm trong vụ Đông Xuân 2018 – 2019, ông Nguyễn Hải Nam, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sơn Tây (EVNHANOI) cho biết: Ngay từ cuối tháng 11/2018, sau khi có sự chỉ đạo của EVN, Công ty đã có văn bản đề nghị Trung tâm Điều độ hệ thống điện Hà Nội đăng ký thời gian đảm bảo điện, không tắt điện trung thế trên các đường dây trung áp để cấp điện cho các trạm bơm trong vụ Đông Xuân.

Công ty cũng phân công cho các đơn vị trực thuộc tổ chức đi kiểm tra các đường dây và trạm biến áp, tăng cường kiểm tra tiếp xúc bằng camera nhiệt, chặt cây phát quang hành lang và phối hợp với Công ty Thuỷ lợi Sông Tích lập biên bản phân định ranh giới về trách nhiệm quản lý.

Công ty cũng đã thay thế một aptomat tổng cho trạm bơm dã chiến Phù Sa. Ngoài ra các trạm bơm lẻ cấp điện từ các trạm công cộng thì giao cho các trạm quản lý điện để tăng cường kiểm tra, xử lý nhanh nếu có sự cố. Vào thời điểm bơm nước, bắt đầu từ 21/1, Công ty bố trí trực 24/24h.

Đánh giá cao nỗ lực lấy nước chuẩn bị đổ ải của Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi lưu ý, đảm bảo lấy nước một cách chủ động và hiệu quả các địa phương cần rà soát các công trình lấy nước. Ngoài ra bổ sung một số trạm bơm dã chiến để trong trường hợp mực nước sông xuống thấp vẫn lấy được nước và không phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước xả từ các hồ chứa thủy điện. Các địa phương cũng cần thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hướng dẫn nông dân lấy nước đổ ải một cách tiết kiệm, hiệu quả.

“Chúng tôi đánh giá cao sự chủ động của thành phố Hà Nội, đề nghị Sở NN-PTNT Hà Nội chỉ đạo quyết liệt và giao cho các công ty khai thác công trình thủy lợi tận dụng tối đa nguồn nước khi các hồ thủy điện xả nước...”, ông Nguyễn Văn Tỉnh nói.


  • 18/01/2019 11:27
  • Theo Hà Nội Mới
  • 20880