Hà Nam: Triển khai nhiều giải pháp giảm tổn thất điện năng

Với mục tiêu giảm tổn thất điện năng bình quân xuống còn dưới 2,77%, Công ty Điện lực Hà Nam (PC Hà Nam) đã triển khai nhiều giải pháp như: Đầu tư nâng cấp hạ tầng lưới, phát quang hành lang an toàn, chống non tải, thay thế công tơ điện, cân đối lại các pha...

Với cách làm này, không chỉ giảm được tổn thất điện năng mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ điện phục vụ khách hàng. 

Năm 2023, tỷ lệ tổn thất điện năng theo thương phẩm của PC Hà Nam đạt 2,78%, thấp hơn so với kế hoạch Tổng công ty Điện lực miền Bắc giao là 0,3%. Trong đó, tỷ lệ tổn thất lưới điện 110kV đạt 0,57%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 là 0,01% và đạt kế hoạch Tổng công ty giao; tỷ lệ tổn thất lưới điện trung áp đạt 1,83%, giảm so với cùng kỳ năm 2022 là 0,17% và thấp hơn so với kế hoạch Tổng công ty giao là 0,15%; tỷ lệ tổn thất lưới điện hạ áp đạt 4,1%, giảm so với cùng kỳ năm 2022 là 0,15% và đạt kế hoạch Tổng công ty giao.

Để có được kết quả trên, PC Hà Nam đã tập trung đầu tư nâng cấp lưới, từng bước số hóa trong công tác quản lý điện năng. Cụ thể, đến nay công ty đang quản lý vận hành 37 tuyến đường dây 110kV với tổng chiều dài là 343,22 km, 24 trạm biến áp 110kV với tổng công suất đạt 1.934,5 MVA, trong đó có 13 trạm 110kV là tài sản của PC Hà Nam. Hiện tại đã có 13 TBA 110kV được kết nối đầy đủ tín hiệu SCADA về Trung tâm điều khiển xa (TTĐKX) theo quy định của Cục Điều tiết Điện lực. Tất cả các TBA 110kV đều được kết nối bằng hai kênh truyền cáp quang về TTĐKX. Việc kết nối SCADA các thiết bị đóng cắt trung áp và vận hành hệ thống SCADA TTĐKX đã đem lại hiệu quả đáng kể như tiết kiệm nhân lực quản lý vận hành, rút ngắn thời gian thao tác, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng, cải thiện mức độ hài lòng khách hàng với ngành điện và giảm được tổn thất điện năng. Thực hiện việc chuyển đổi số trong quá trình vận hành lưới điện, PC Hà Nam đã đưa 12 TBA 110kV vào chế độ thao tác xa không người trực. Ngoài ra, các TBA 110kV cũng được kết nối với nhau bằng mạch kép, mất điện hoặc xảy ra sự cố ở trạm này sẽ có trạm khác cấp điện ngay.

Công nhân PC Hà Nam lắp đặt TBA chống quá tải tại thị xã Duy Tiên

Ngoài ra, để giảm tổn thất điện năng PC Hà Nam còn thực hiện nhiều giải pháp như: Thường xuyên đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật lưới điện trung áp, hạ áp, phát quang hành lang an toàn lưới điện, đấu nối lại các điểm tiếp xúc, cân đối lại pha; thay thế công tơ cơ bằng công tơ điện tử; luân chuyển máy biến áp không để non tải; tăng cường công tác quản lý vận hành lưới; bảo đảm các TBA hoạt động không quá công suất; tuyên truyền cho khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Ông Lưu Đại Nghĩa, Giám đốc Điện lực Phủ Lý cho biết: Với đặc thù địa bàn cấp điện rộng, lại có nhiều khách hàng nằm phân tán. Để nâng cao chất lượng nguồn điện và giảm tổn thất điện năng, đơn vị thường xuyên khảo sát nhu cầu sử dụng điện của khách hàng hằng năm, đề xuất phương án đầu tư, chuyển đổi các TBA để chống non tải và không để xảy ra quá tải; quan tâm công tác nâng cấp lưới, tăng cường các giải pháp quản lý về mặt kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Ngoài ra, Điện lực thành phố còn chỉ đạo các đội trực thuộc thường xuyên theo dõi tình trạng phụ tải của đường dây cao áp, trung áp, lắp đặt hệ thống đo xa đối với công tơ tổng của TBA công cộng, phục vụ cho công tác quản lý tổn thất điện năng và giám sát từ xa thông số vận hành các TBA; đồng thời, xác định đường dây quá tải, có tổn thất cao để xây dựng kế hoạch xử lý kịp thời. Trên cơ sở đó, phân tích, đánh giá kết quả thực hiện giảm tổn thất hàng tháng đối với từng đường dây và TBA để có biện pháp xử lý như tổ chức thực hiện cân pha, san tải các TBA, vệ sinh và nâng cấp lưới.

Năm 2024, PC Hà Nam phấn đấu tổn thất điện năng giảm xuống dưới 2,77% và hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của Tổng công ty Điện lực miền Bắc giao. Để hoàn thành được kế hoạch, PC Hà Nam thường xuyên kiểm tra lưới, sử dụng các thiết bị công nghệ cao phát hiện sự cố lưới điện, tập trung vệ sinh công nghiệp định kỳ, sửa chữa đấu nối các thiết bị, đường dây, lắp đặt máy cắt tự động; bố trí công suất các TBA phục vụ khách hàng sản xuất công nghiệp và khách hàng sinh hoạt, trong đó bình quân các trạm và đường dây mang tải dưới 80% công suất; duy trì điện áp trong giới hạn cao cho phép theo quy định hiện hành và khả năng chịu đựng của thiết bị. Kiểm tra, bảo dưỡng lưới điện ở tình trạng vận hành tốt.

Thực hiện kiểm tra bảo dưỡng lưới điện bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật vận hành. Thực hiện tốt công tác quản lý kỹ thuật vận hành ngăn ngừa sự cố. Đối với các khách hàng có TBA chuyên dùng mà tính chất của phụ tải hoạt động theo mùa vụ, đơn vị kinh doanh bán điện vận động, thuyết phục khách hàng lắp đặt thêm MBA có công suất nhỏ riêng phù hợp phục vụ cho nhu cầu của khách hàng. Từng bước loại dần các thiết bị không tin cậy, hiệu suất kém, tổn thất cao bằng các thiết bị mới có hiệu suất cao, tổn thất thấp (đặc biệt là đối với MBA)… phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra.

Link gốc


  • 13/03/2024 02:36
  • Theo baohanam.com.vn
  • 4519