Gỡ vướng cho các nhà đầu tư IPP phát triển nguồn điện tại Việt Nam

Hội thảo "Cơ chế, chính sách cho các nhà đầu tư IPP phát triển nguồn điện tại Việt Nam - Những vấn đề đối với nhà đầu tư" do Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực và Tạp chí Năng lượng Việt Nam đồng tổ chức sáng 18/9, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng.

Tham dự hội thảo, về phía EVN có ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV EVN, ông Nguyễn Tài Anh – Phó Tổng giám đốc EVN.

Đây là dịp để các nhà đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực năng lượng gió, năng lượng mặt trời, điện khí, nhiệt điện than, thủy điện trình bày những vướng mắc trong phát triển các dự án điện theo hình thức IPP (dự án điện độc lập). Đồng thời, bàn giải pháp thúc đẩy các dự án nguồn điện của Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu khai mạc tại hội thảo

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực cho biết, dự báo giai đoạn 2020 - 2030 nhu cầu điện sẽ tăng bình quân khoảng 7,5-8%/năm. Theo kết quả sơ bộ của Báo cáo Quy hoạch điện VIII do Viện Năng lượng nghiên cứu, dự báo nhu cầu sản xuất điện ở kịch bản cơ sở đến năm 2030 khoảng trên 526 tỷ kWh, tương ứng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống là 131.000MW.

Từ nay đến năm 2030 sẽ cần xây dựng thêm 75.100MW nguồn điện (trung bình 7.500MW/năm), với nhu cầu vốn khoảng 7-8 tỷ USD/năm.

Hiện nay, trong cơ cấu nguồn điện cả nước, quy mô và tỷ trọng của các nhà đầu tư tư nhân đã ngày càng lớn. Cụ thể, đến cuối năm 2019, đã có 19.253MW thuộc khối tư nhân (bao gồm cả nhà máy điện IPP và BOT), chiếm tới 34,4% tổng công suất toàn hệ thống.

"Đặc biệt, hai năm vừa qua đánh dấu sự bùng nổ của các dự án điện mặt trời, điện gió với đại đa số thuộc về các chủ đầu tư tư nhân, với tổng công suất lên tới 5.700MW (chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn điện). Đây là một thông điệp rõ ràng về chủ trương đúng đắn của Nhà nước đi vào cuộc sống, trong việc huy động mọi nguồn lực xã hội vào sản xuất, kinh doanh điện”, ông Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN phát biểu tại hội thảo

Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55 về định hướng, chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Có thể nói, các chính sách khuyến khích của Nhà nước đã thu hút nhiều nhà đầu tư tư nhân cho phát triển năng lượng đất nước.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư IPP, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, trong quá trình phát triển, đã xuất hiện nhiều khó khăn, vướng mắc như: hạ tầng cơ sở hệ thống lưới điện còn yếu, chưa sẵn sàng tiếp nhận và truyền tải các dự án nguồn điện với quy mô lớn trong thời gian ngắn; sự thiếu đồng bộ, phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương trong đền bù, giải phóng mặt bằng; Luật Quy hoạch ban hành đi theo một số quy định mới, nên quá trình phê duyệt, bổ sung quy hoạch hàng loạt dự án điện phải chờ hướng dẫn, làm mất hoặc suy giảm cơ hội thu hút, huy động nguồn lực đầu tư.

Do đó, các nhà đầu tư, chuyên gia, nhà quản lý kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực đề xuất tới Chính phủ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho các dự án năng lượng phát triển nhanh, bền vững.

Phát biểu tại hội thảo này, ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV EVN cho hay, thời gian qua, hơn 100 nhà đầu tư điện mặt trời đã triển khai các dự án mà không cần bảo lãnh của Chính phủ. Mấu chốt chính là mức giá điện ưu đãi rất hấp dẫn: 9,35 UScent/kWh. Do đó, cần phải có chính sách giá điện đồng bộ, phù hợp cả đầu vào và đầu ra, để thu hút đầu tư bên ngoài ngành Điện trong thời gian tới.

Nếu phát huy được lợi thế của các nhà đầu tư IPP, sẽ phát triển được các nguồn điện trong tương lai, ông Dương Quang Thành cho hay.

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực sẽ tiếp thu các ý kiến, tâm tư, các đóng góp thiết thực tại hội thảo, nhằm tìm được giải pháp tốt nhất, nhanh nhất đáp ứng nhu cầu thực tế, tháo gỡ các khó khăn cho các nhà đầu tư IPP trong phát triển hạ tầng nguồn điện Việt Nam.


  • 18/09/2020 02:51
  • Nguyễn Thủy
  • 7646