Gỡ “nút thắt” cổ phần hóa các Genco

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh yêu cầu minh bạch thông tin, việc xác định đúng giá trị doanh nghiệp là khâu vô cùng quan trọng, góp phần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa (CPH).

Vướng mắc khâu định giá

Theo quy định, để xác định giá trị doanh nghiệp (DN) khi cổ phần hóa, có thể áp dụng nhiều phương pháp, trong đó có phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) và xác định giá trị theo tài sản. Tuy nhiên, hai phương pháp này đều có rất nhiều hạn chế. 

Cụ thể, nếu lựa chọn phương pháp chiết khấu dòng tiền, việc xác định những thông tin chủ yếu như tỷ suất lợi nhuận của 3-5 năm liên tục và dự kiến trong 5-10 năm tới, tỷ lệ tăng trưởng, hệ số rủi ro... theo như quy định sẽ mất rất nhiều thời gian. Trong khi đó, nếu lựa chọn phương pháp tính theo giá trị tài sản, thì nhược điểm lớn nhất lại là không tính được chính xác lợi thế kinh doanh của DN.

Hơn thế, theo phản ánh của DN, việc thực hiện định giá tài sản còn liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương. Riêng quá trình xem xét, lấy ý kiến thống nhất giữa các cơ quan liên quan cũng mất khá nhiều thời gian. Một số vướng mắc phải có ý kiến của các cơ quan Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới có thể xử lý được. Cụ thể, xác định các khoản đầu tư chưa niêm yết; phân định sở hữu chung, sở hữu riêng tại các dự án nhà ở; xử lý tài chính trước khi xác định giá trị DN; tìm kiếm cổ đông chiến lược… Do đó, DN muốn đẩy nhanh tiến độ CPH cũng khó.

Mặt khác, theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thực hiện kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính, trước khi định giá đối với các doanh nghiệp quy mô lớn có vốn nhà nước trên 500 tỷ đồng hoạt động kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành nghề đặc thù (bảo hiểm, ngân hàng, bưu chính viễn thông, hàng không, khai thác than, dầu khí...), các công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp khác theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, hiện nay, việc DN phải “xếp hàng” chờ KTNN đến kiểm toán kết quả định giá là có thật. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây chậm CPH các DN. Không những thế, do thời gian chờ đợi và kiểm toán kéo dài, kết quả định giá DN trong nhiều trường hợp lạc hậu so với thị trường và chính bản thân DN. 

Là một trong những đơn vị đặt mục tiêu quyết liệt tái cơ cấu DN, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa (CPH) các tổng công ty phát điện (GENCO) theo chỉ đạo của Chính phủ, tuy nhiên, hiện nay, EVN cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là khâu định giá DN.

Chia sẻ tại Hội nghị toàn quốc sắp xếp, đổi mới DNNN cuối năm 2016, ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV EVN cho biết, nếu theo quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP về CPH các DN có cổ phần lớn, các tổng công ty phát điện của EVN mới chỉ được thành lập từ 01/01/2013, năng lực tài chính có hạn, thậm chí có khả năng thua lỗ, nên rất khó bán vốn khi đưa ra thị trường.

Bên cạnh đó, khi tiến hành CPH các GENCO, việc lựa chọn nhà tư vấn, việc đấu thầu chọn tư vấn có kinh nghiệm và năng lực nước ngoài là không thể thực hiện do giá trị phê duyệt thấp, chỉ chọn được các tư vấn trong nước.

Ông Thành cũng kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi các quy định liên quan để tháo gỡ khó khăn, đặc biệt trong khâu thẩm định doanh nghiệp khi CPH.

Để cổ phần hóa các tổng công ty phát điện, cần tính đúng chi phí sản xuất điện  - Nguồn ảnh: Tạp chí Điện lực

Tháo gỡ cách nào?

Rõ ràng, việc xác định giá trị DN là khâu đầu tiên, quan trọng nhất để có thể tiến hành CPH nhanh, đảm bảo không mất vốn nhà nước. Tuy nhiên, giải pháp để gỡ “nút thắt” trong khâu này vẫn còn khá mơ hồ.

Mới đây, ngày 11/4, tại cuộc họp với các bộ, ngành để lấy ý kiến vào dự thảo Nghị định về chuyển DNNN thành công ty cổ phần, đề cập đến việc định giá tài sản DNNN khi cổ phần, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu, ngoài phương pháp định giá tài sản thì Bộ Tài chính sử dụng thêm phương pháp dòng tiền chiết khấu để tính toán linh hoạt giá trị tài sản gắn liền với DN.

Nguyên tắc là phải “tính đúng, tính đủ tài sản hữu hình, vô hình vào giá trị DN như việc tìm cách tính thương hiệu, lợi thế thương mại, phát minh sáng chế, cải tiến kỹ thuật, định giá đất đai” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, làm thế nào để thực hiện được nguyên tắc này là vấn đề không đơn giản. Theo TS. Võ Trí Thành – Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hiện nay, bên cạnh việc định giá tài sản đúng, đủ, thì việc minh bạch thông tin cũng cần được các DN quan tâm hơn.

Đối với ngành Điện, TS. Võ Trí Thành nhìn nhận, mặc dù có nhiều khó khăn, đặc biệt khi chi phí sản xuất điện quá cao, giá bán điện chưa tương xứng, khiến nhà đầu tư chưa mặn mà... Tuy nhiên, nếu lãnh đạo EVN quyết tâm, cùng với đó, tăng cường công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến ngành Điện, sẽ là điều kiện tốt để đẩy nhanh tiến độ CPH.

TS. Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, định giá DN hiện nay chưa áp dụng chuẩn mực quốc tế khiến nhà đầu tư không tin tưởng vào giá trị của DN. Do đó, để có thể đẩy nhanh tiến độ CPH các GENCO, theo ông Doanh, việc quan trọng nhất là EVN phải mời được các chuyên gia quốc tế định giá các GENCO theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.

“Nếu mình tự định giá thì sẽ rất khó, bởi nếu thấp quá thì Chính phủ sẽ khó chấp nhận, cao quá thì nhà đầu tư không mua” – ông Doanh nhấn mạnh. 

Ngoài ra, theo TS. Lê Đăng Doanh, hiện nay, để đảm bảo CPH thành công và thu hút nhà đầu tư thì giá điện cần phải phù hợp và khả thi. Tuy nhiên, hiện nay giá bán điện theo quy định vẫn khá thấp, khiến nhà đầu tư không mặn mà với ngành Điện. Do đó, để có thể CPH đúng tiến độ, việc điều chỉnh giá điện phù hợp với thị trường cũng cần được tính đến như một giải pháp hữu hiệu đối với EVN. 


  • 05/05/2017 09:11
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 13129