Gian nan người làm điện vùng cao cực Bắc

Có đến vùng cao cực Bắc, chứng kiến cảnh vượt núi, băng đồi mới thấy hết được nỗi khó khăn, vất vả của người làm điện nơi “cúi mặt sát đất, ngẩng mặt đụng trời” này.

Khó khăn nối tiếp khó khăn

“Nói đến khó khăn của người thợ điện vùng cao cực Bắc thì vô kể, bởi nơi đây vốn nổi tiếng với địa hình hiểm trở nhất cả nước”, anh Bùi Đức Thanh - Giám đốc Điện lực Mèo Vạc, Công ty Điện lực Hà Giang chia sẻ. Chi nhánh điện lực Mèo Vạc hiện đang quản lý vận hành lưới điện chạy hoàn toàn trên khu vực đồi núi, với 8 xã của huyện Mèo Vạc và 3 xã của huyện Đồng Văn. Vì vậy, giao thông đi lại vô cùng khó khăn, có những chặng đường đi bộ khoảng 6 - 7 km, nhưng muốn kiểm tra đường dây tuyến, công nhân phải đi mất 5 - 6 tiếng đồng hồ.

Đó là chưa kể đến khí hậu vô cùng khắc nghiệt, bên này đèo thì trời nắng chang chang, bên kia lại sương mù dày đặc, mưa lấp cả đường đi. Đặc biệt mùa đông ở đây có thể kéo dài cả nửa năm, nhiệt độ thường xuống thấp dưới 0 độ C. Giám đốc Bùi Đức Thanh dẫn chứng cụ thể, mùa đông năm 2008, nhiệt độ tại xóm Tò Đú – huyện Mèo Vạc xuống đến -5 độ C, toàn bộ xóm bị phủ tuyết và đá trắng tinh. Tuy nhiên, công nhân Điện lực Mèo Vạc vẫn phải trèo cột, kiểm tra đường dây do xảy ra sự cố bất thường.

Công nhân điện lực huyện Mèo Vạc, Công ty Điện lực Hà Giang kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ trạm biến áp 50 KVA - 35/0,4 kV tại xóm Tò Đú, huyện Mèo Vạc

Công tác thu tiền điện cũng gặp rất nhiều gian nan, do mật độ dân cư thưa thớt, nhà này cách nhà kia cả một quả đồi. Mặt khác, người dân nơi đây sử dụng điện cũng rất ít, có hộ khoảng 2 - 3 tháng mới dùng hết… 1 số điện. Nguyễn Văn Thắng - công nhân điện lực Đồng Văn chia sẻ: “Nhiều khi đi chốt số về, còn có cảm giác công tơ bị kẹt hoặc cháy vì hầu như không thấy thay đổi. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra lại thì đó là con số thực, bởi họ sử dụng điện chủ yếu cho mục đích thắp sáng, một số ít gia đình kha khá một chút mới có tivi, đài”. Tiền điện ít, người dân hầu như không bao giờ chủ động đi đến các trạm thu phí của ngành Điện nộp. Ngược lại, công nhân điện lực phải gõ cửa từng nhà, thậm chí đi bộ cả ngày liền, nhưng đến nơi lại không gặp được chủ nhà do mọi người lên nương làm rẫy, có người phải đợi hoặc quay đi quay lại đến 5 – 6 lần, chi phí và công sức đi lại lớn hơn chi phí tiền điện rất nhiều.

Anh Nguyễn Ngọc Tuân – công nhân tổ điện 1, Điện lực Mèo Vạc nhớ lại. Một lần đến xã Thượng Phùng thu tiền điện, một gia đình người dân tộc Mông sử dụng hết 2.500 đồng/tháng. Tuy nhiên, gia đình đó lại không có tiền. “Vậy nên gia đình đã đề nghị trả tiền điện bằng... 1 quả trứng gà”. Không còn cách nào khác, anh Tuân đành cầm quả trứng, định bụng mang về đội ăn tạm rồi sẽ bù tiền ra, trả tiền điện cho họ. Nhưng, đường xa lại ngoắt ngoéo núi đồi, về đến tổ công tác, lúc bỏ trứng ra thì đã vỡ chảy nước từ bao giờ. “Việc trả tiền điện bằng hiện vật như con gà, quả cam… là điều thường thấy trong công tác thu tiền điện tại các xã, huyện vùng cao” - anh Tuân cho biết.

Nỗ lực vượt khó

Khởi đầu trong hoàn cảnh đất nước vừa trải qua chiến tranh biên giới, cơ sở vật chất cũ nát, các nhà máy thủy điện và hệ thống lưới điện bị tàn phá hư hỏng nặng. Nguồn phát điện chủ yếu lúc bấy giờ là các tổ máy diezel. Song, trải qua thời gian hình thành và phát triển, từ một công ty điện lực “lưới trắng”, đến nay trên 75% số hộ gia đình tại Hà Giang đã được sử dụng điện, ánh điện đã “len lỏi” đến các thôn, bản vùng sâu vùng xa, từng bước cải thiện nhận thức của đồng bào nhân dân các dân tộc.

“Góp phần làm nên thành công đó phải kể đến sự nỗ lực rất lớn của mỗi CBCNV điện lực Hà Giang. Trong điều kiện công tác khó khăn, lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp của người thợ điện vùng cao luôn đòi hỏi họ phải cố gắng hoàn thành mọi nhiệm được giao” - ông Bùi Đức Thanh - Giám đốc Điện lực Mèo Vạc cho hay. Theo anh, muốn làm tốt công việc mà thiếu tinh thần, nhiệt huyết thì không thể làm được.

Bên cạnh đó, các CBCNV điện lực vùng cao còn nhận được sự động viên khích lệ rất lớn gia đình và bạn bè đồng nghiệp. “Họ hiểu được tính chất, đặc thù của công việc, từ đó tạo niềm tin để người thợ điện yên tâm công tác”, anh Tuân chia sẻ. Ngoài ra, bà con nhân dân các dân tộc vùng cao cũng hỗ trợ người làm điện rất nhiều trong công việc.

Với tinh thần phát huy nội lực, đoàn kết nhất trí đồng lòng vượt khó đi lên, người làm điện vùng cao lại tiếp tục vượt đèo, leo dốc, phát tuyến, định vị các vị trí cột, tập trung vận chuyển hàng trăm nghìn tấn cột xi măng sắt thép để đổ móng dựng cột, kéo đường dây đưa điện đến cho đồng bào.

Từ sự bền bỉ, nỗ lực đó của tập thể, từng CBCNV Điện lực Hà Giang, mạng lưới điện đã lần lượt vươn tới các xã thôn bản, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Không thể kể hết những khó khăn gian khổ của công nhân điện lực vùng cao, nhưng công sức của họ được ghi nhận bằng những con số giản đơn, nhiều ý nghĩa đối với những người dân nơi đây.

Ông Hoàng Văn Thiện - Giám đốc Công ty Điện lực Hà Giang: Nằm ở vùng cao cực Bắc, Công ty Điện lực Hà Giang có nhiệm vụ cung ứng điện trên địa bàn có diện tích 7.884 km2 với 22 dân tộc, trình độ dân trí thấp, không đồng đều, ánh sáng sinh hoạt chiếm đến 66%, công nghiệp - xây dựng – dịch vụ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Gian nan, vất vả có thừa, doanh thu rất thấp, nhưng người thợ điện Hà Giang vẫn kiên trì vượt khó, đem ánh sáng đến cho đồng bào nhân dân các dân tộc.

 


  • 12/01/2012 02:08
  • Theo TCĐL
  • 8856


Gửi nhận xét